Đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại nhờ ứng dụng những giải pháp CNTT (công nghệ thông tin) tiên tiến nhất.
Bốn vấn đề tồn tại của đô thị “Smart”
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đã cho biết tại buổi hội thảo Đô thị thông minh và cho rằng: hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng và phát triển các đô thị thông minh bao gồm: Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc...
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân |
Ông Nhân đưa ra con số thống kế để minh chứng: khu vực đô thị chiếm 10,26% diện tích đất tự nhiên cả nước với khoảng 33,6% dân số nhưng đóng góp khoảng 60% GDP cho xã hội và 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Chỉ tính riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai chiếm 5,5% diện tích và 26,4% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 46% GDP cả nước. Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra 4 vấn đề lớn hiện nay cần phải giải quyết: đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng); hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng.
“Với vai trò của các đô thị đối với sự phát triển của đất nước, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Và cho rằng Đô thị thông minh là nhằm đạt tới 4 mục tiêu: hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao (2025: diện tích đô thị khoảng 15% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP; môi trường sống ngày càng tốt hơn; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.
Dữ liệu cộng đồng, phát triển đô thị
Nếu mô hình Đô thị thông minh được áp dụng, thì khi đường bị tắc - kẹt xe, người dân sẽ nhận được cập nhật thông tin qua điện thoại, để họ chuyển hướng sang những đoạn đường không tắc nghẽn. |
Ở đó, CNTT và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của thành phố, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp. Cần phát triển các đô thị theo hướng đô thị thông minh
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia phát triển đô thị trên thế giới, thì tại Việt Nam, mặc dù còn nhiều bất cập, song hiện nay, các đô thị Việt Nam đang phát triển theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển CNTT, truyền thông để phát triển đô thị thông minh và quản lý thông minh.
Các chuyên gia này cũng đưa những kinh nghiệm thực tế và bài học rút ra từ việc xây dựng đô thị thông minh ở một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore để góp ý cho đề án khung “Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam 2016 - 2030”. Ngoài ra, các chuyên gia cũng mách nước khả năng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển các đô thị thông minh giai đoạn 2016-2030. Theo đó nhiều chuyên gia đề cập đến việc triển khai wifi ở một số nơi, đề xuất sử dụng điện thoại di động để truyền tải tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hóa những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.
Từ thực tế xây dựng 50 đô thị thông minh của Hàn Quốc, Tiến sĩ Jae Yong Lee, Uỷ Viên Ban Dự án thành phố thông minh- Gyeongsangbuk-do, Thư ký Ban hỗ trợ lập kế hoạch thành phố thông minh đến từ Hàn Quốc khuyến nghị: Để xây dựng đô thị thông minh, Hàn Quốc đã ban hành luật riêng. Vì theo TS. Lee cơ sở pháp lý là rất quan trọng để hình thành đô thị thông minh. Và cho rằng Việt Nam đang xây dựng nhiều đô thị mới, thì chỉ cần thêm khoảng 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nữa là xây dựng được đô thị thông minh, mang lại tiện ích cực lớn cho người dân.
Từ tình hình thực tế tại Việt Nam, ông Bùi Quang Ngọc - TGĐ FPT nhận định đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, câu chuyện đô thị thông minh hiện nay chính là nền "kinh tế số" với nhiều thách thức và cơ hội. Việt Nam có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh khi tham gia quá trình chuyển đổi này chính bằng việc áp dụng CNTT.
"Trong trục tam giác Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân thì vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về Nhà nước. Các doanh nghiệp chỉ đóng vai trò tham mưu, cung cấp các giải pháp công nghệ cho quá trình đô thị hóa, xây dựng đô thị thông minh", ông Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Thế Hưng (Tập đoànViettel) thì cho biết thêm, thành phố thông minh là nơi có sự tăng trưởng kinh tế bền vững, chất lượng cuộc sống được cải thiện nhờ áp dụng ICT. Những lợi ích thu về từ mô hình này như tiết kiệm nguồn lực, đem lại lợi ích cho chính quyền, người dân và đáp ứng nhu cầu của đô thị trong giai đoạn mới.
Quang Huy