Dù nhiều lần đến vườn quốc gia U Minh Thượng, nhưng với tôi, mỗi lần đến đều có những cảm giác thư thái lạ kỳ bởi thiên nhiên ở đây quá tuyệt vời.
Bảo tàng thiên nhiên vô giá
U Minh Thượng nằm ở phía tây sông Trẹm, giáp với 3 huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đây là khu rừngđược bảo tồn và phục hồi tài nguyên như một bảo tàng thiên nhiên vô giá và được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đến với U Minh Thượng là đến với màu xanh bạt ngàn vì nơi nào cũng rừng cây, trảng cỏ, dòng kênh với nhiều loài thủy sinh đa dạng, đặc biệt là rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn được bao bọc bởi một đê bao khép kín. Từ xa xưa, người U Minh luôn coi nước là máu của rừng, cây là thịt của rừng.
Ngày nay, đến U Minh, có người nói đây như lá phổi xanh của đồng bằng sông Cửu Long, còn đối với các cán bộ cách mạng thì U Minh như một bảo tàng lịch sử cách mạng. Đến U Minh Thượng, du khách có thể ngủ tại Vườn du lịch Hương Tràm, nơi mà hầu hết các phòng trọ đều được thiết kế hài hòa giữa một khu rừng tràm thật yên tĩnh nhưng không kém phần lãng mạn. Khách đến đây cảm thấy như lạc vào một khu rừng cổ tích đầy hương hoa cỏ dại và sắc màu quyến rũ. Sáng dậy, sau khi dùng điểm tâm xong, mọi người có thể thuê vỏ lãi để bắt đầu cuộc hành trình trên biển nước. Người dân U Minh xưa kia có câu “Đi rừng có bốn cái vui. Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo” và ai cũng ngại “U Minh xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh”. Bây giờ thì chỗ nào cũng xuồng máy, vỏ lãi rất tiện lợi và dễ dàng, nơi nào cũng màu xanh tràn đầy sức sống.
Khám phá U Minh Thượng
Muốn đến U Minh Thượng, sau khi qua cầu Tắc Cậu, xe sẽ chạy dọc theo quốc lộ 63, tiến thẳng về U Minh Thượng rồi dừng chân ở hồ Hoa Mai, trung tâm du lịch của Vườn quốc gia. Tại đây, du khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị cho một chuyến du lịch khám phá vô cùng thú vị. Sáng sớm, sau khi mua phiếu xong, các hướng dẫn viên dùng vỏ lãi đưa khách tham quan vào sâu trong rừng để khám phá các khu rừng tràm và các lung bào, đồng thời làm quen với các “ngư ông” thời @ đang buông cần giữa rừng. Chiếc vỏ lãi làm bằng nhựa composite chở chúng tôi phăng phăng rẽ sóng, lao vun vút về phía trước khiến lũ chim rừng giật mình vỗ cánh bay là đà trên mặt nước mênh mông, chúng cất tiếng kêu quang quác làm ai nấy cũng say mê cảm thấy như lạc vào một thế giới thần tiên. Thích thú nhất là mỗi lần lách qua các bưng, bàu, nơi nào cũng dày đặc những bông súng, bồn bồn, rau muống… che kín cả mặt nước giống như một tấm thảm hoa đầy màu sắc. Trên bờ thì choại, dớn, giác bám đầy thân tràm, xen kẽ với những đám lau, sậy, đế, nga, tạo nên một sức sống kỳdiệu. Tùy theo cảm hứng, khách tham quan có thể men theo các bờ rừng để chọn điểm cắm trại. Với những ai thích “phiêu lưu” thì đi sâu vào trong rừng, đôi lúc tận mắt nhìn thấy đàn khỉ hay heo rừng đi thành bầy kiếm ăn thật vô cùng thích thú!
Dọc theo các tuyến kênh, mọi người sẽ lần lượt ghé qua các khu rừng tràm nguyên sinh, nơi có một đàn dơi đậu dày đặc trên những ngọn tràm cao vút, hầu hết là dơi quạ và một số ít dơi đầu ngựa thuộc loài quý hiếm. Chiếc vỏ lãi chở chúng tôi tiếp tục rẽ sóng, len lỏi giữa những mảng bồn bồn cao khỏi đầu và lướt nhanh về phía sân chim. Hàng nghìn hàng vạn chim cò đủ loại, con lượn lờ trên không, con nằm trong tổ, con sải cánh kéo theo cả đàn tung bay tạo thành một vũ điệu rừng xanh ngoạn mục.
Câu cá trong rừng
Đến U Minh Thượng, thích nhất là thuê xuồng vào rừng câu cá. Còn gì thích thú bằng mỗi người ngồi trên một chiếc xuồng nhỏ mang theo đồ nghề, thức ăn, nước uống rồi bơi dọc theo những dòng kênh ngập tràn hoa súng, chọn điểm làm ngư ông. Xuồng họ không tập trung một chỗ mà mỗi người lại chọn một điểm riêng. Tại khu vực thả câu, lúc nào cũng có hàng chục thanh niên kể cả những người lớn tuổi ngồi ôm cần. Có người câu rê, câu nhấp (cá lóc), có người câu phao (rô, trê, sặt). Đa số người câu đều là khách từ các nơi khác đến, đông nhất là TP.HCM, họ coi U Minh Thượng như điểm hẹn cuối tuần nên mỗi lần gặp nhau đều thăm hỏi, cười nói râm ran. Mỗi chuyến đi của họ kéo dài 2 - 3 ngày, nhưng họ vẫn say mê hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng thú vui tao nhã này.
Cứ mỗi lần giật được cá, anh em lại nôn nao, hỏi nhau tíu tít như để động viên và chia sẻ. Lại có người ngồi ôm cần, trầm tĩnh vô ngôn giống như một nhà hiền triết. Anh Trần Quốc Bảo, một “sát thủ” cá U Minh bộc lộ với chúng tôi: “Ai câu rồi cũng mê, cũng ghiền, chủ nhật nào không đi sẽ thấy buồn”. Mọi người chọn tour câu cá là vì đam mê. Mỗi chuyến đi tốn kém bạc triệu nhưng họ vẫn không bỏ cuộc. Nhiều người coi đây vừa là môn thể thao bổ ích vừa là thú vui thanh nhàn, giúp cho tinh thần thư giãn và bỏ lại sau lưng những phiền muộn lo âu sau những ngày lao động vất vả. Nhiều cụ già còn phấn khởi cho biết nhờ đi câu mà sức khỏe tăng lên, cuộc sống cảm thấy yêu đời hơn. Ngoài thú vui giải trí, phần lớn những “cần thủ” có kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi thường mang về nhiều “chiến lợi phẩm” như cá trê, rô, lóc… đủ để làm quà cho gia đình, bạn bè và người thân.
Sau một ngày ngồi ôm cần, hít thở không khí trong lành, khi hoàng hôn vừa buông xuống, các đàn chim trời xếp thành hình chữ V bay về tổ cũng là lúc các “ngư ông” chuẩn bị quay về. Lúc ấy, các hướng dẫn viên du lịch dùng vỏ lãi ra tận nơi kéo xuồng các tay câu về hồ Hoa Mai. Tại đây, nếu ngủ lại đêm, các “ngư ông” sẽ có dịp thưởng thức những món ăn dân dã tuyệt vời như cá rô kho trái giác, cá trê nướng ăn với nước mắm gừng, cá thát lát chiên sả hoặc cá lóc hấp bồn bồn, ăn kèm với các loại rau rừng: bồn bồn, rau muống, bông súng… toàn là những món ngon nhớ đời.
Hoài Phương/DDVN