Cách nay 5 năm, anh Nguyễn Văn Thông tình cờ phát hiện mô hình trồng cây si rô của nông dân tỉnh Đồng Tháp rất có hiệu quả kinh tế. Từ đó anh quyết tâm phát triển vườn cây si rô cho mình.
Anh Thông tìm đến Đồng Tháp mua 100 cây giống về trồng trên khu vườn nhà mình. Nhờ tích cực chăm sóc nên cây phát triển nhanh và cho trái sum xuê. Sau đó, anh nhân giống trồng đến nay được 1.000 gốc si rô phủ kín 4.000 mét vuông đất vườn. Đây là mô hình đầu tiên về cây si rô và có quy mô lớn nhất ở tỉnh Tiền Giang.
Theo anh Thông, cây si rô rất dễ trồng, không phải mất nhiều chi phí, nhân công chăm sóc như các loại cây ăn trái khác. Cây này cũng không cần nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vì rất ít bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, trái si rô rất đẹp, khi chưa chín màu tím, trái chín màu tím than, trĩu trịt trên cành. Loại trái cây này chín có vị vừa ngọt, vừa chua, thơm nhẹ, thường được sử dụng để ngâm với đường làm mật si rô, dùng để giải khát hoặc làm màu, gia vị trong chế biến thực phẩm, dược liệu... rất giá trị.
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Long Thuận sau khi tham quan, tìm hiểu vườn si rô của người nông dân này đã chia sẻ: “Tôi sẽ nghiên cứu kỹ, nếu được sẽ triển khai, sử dụng trái si rô làm nước ép, hoặc đưa thêm một số loại thuốc nam vô hòa trộn để trở thành loại thuốc uống bổ dưỡng”.
Vườn cây si rô của anh Thông cho trái quanh năm, thu hút nhiều người dân xa gần đến tham quan, du lịch. Nhiều người mua trái làm nước giải khát, mua cây giống và mua cả nguyên cây si rô to về làm cây cảnh trong sân nhà. Tuy mới 5 năm phát triển mô hình trồng cây si rô, gia đình anh Nguyễn Văn Thông có nguồn thu nhập đáng kể, góp phần làm đa dạng mô hình trồng trọt, sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Theo anh Thông, năm 2022, thu nhập từ cây si rô của anh khoảng 150 triệu đồng.
Đề cập đến ưu điểm của cây si rô, anh Nguyễn Văn Thông cho biết: “Cây này rất dễ trồng, trái đẹp, sử dụng rất tốt. Tôi bán cây giống và cây làm kiểng rất nhiều, thu nhập cao hơn các cây khác, trồng rất khỏe, ổn định. Si rô trồng dễ hơn cây chanh, cây bưởi, nó rất chịu khô hạn, hạn mặn, dù không tưới cây cũng không chết. Hướng tới, chắc tôi phát triển thêm cây si rô, nếu ai có nhu cầu làm du lịch thì tôi hợp tác”.
Anh Nguyễn Văn Thông ở ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Anh được nhiều người biết đến do siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội.
Ngoài việc chăm sóc vườn cây si rô, anh Thông còn tranh thủ thời gian đi thu mua rau màu để bán lại cho các khách hàng kiếm thêm thu nhập. Việc này mỗi tháng giúp anh có thêm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng. Hiện nay anh là thành viên nòng cốt trong các nhóm thiện nguyện ở TP.Mỹ Tho. Anh Thông cho biết: "Cuộc sống gia đình tôi đã ổn định nên bản thân có điều kiện giúp đỡ các trường hợp khó khăn hơn mình, hoạt động từ thiện xã hội là niềm say mê, vì "cho đi là còn mãi".