Phú Yên – riêng cái tên Tỉnh mà các bậc tiền nhân và các nhà chức trách chọn, quyết định đặt đã thể hiện khát vọng, mơ ước của người dân vùng đất này, đó là giàu có và bình yên.

Một số giải pháp phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên

Nguyễn Văn Lạng | 20/09/2019, 10:55

Phú Yên – riêng cái tên Tỉnh mà các bậc tiền nhân và các nhà chức trách chọn, quyết định đặt đã thể hiện khát vọng, mơ ước của người dân vùng đất này, đó là giàu có và bình yên.

Thật vậy, Phú Yên là địa phươngđã có khá đầy đủ các yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Tôi chưa có dịp nghiên cứu đầy đủ về các lợi thế tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, hành chính và con người Phú Yên nhưng với thiển nghĩ của mình, tôi cho rằng lợi thế về cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển mà các thế hệ Lãnh đạo và nhân dân Phú Yên đưa ra là phát triển kinh tế biển, Nông – Lâm – Ngư nghiệp, dịch vụ và công nghiệp là một định hướng chính xác dựa trên các thế mạnh của mình.

Với vị trí địa lý, địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa lịch sử, tiềm năng đã, đang và chưa được khai thác, Phú Yên là tỉnh có thể phát triển mạnh và vươn lên nhóm tỉnh phát triển nhất vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Phú Yên có biển, bờ biển dài, rộng, nhiều tài nguyên biển, có cảng Vũng Rô – một cảng nước sâu hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một khi kênh đào Kra của Thái Lan khai thông thì vị trí, vai trò và hiệu quả của cảng này sẽ lớn cỡ nào?

Phú Yên có đồi núi bán sơn địa, có các dòng sông lớn như Đà Rằng, Bàn Thạch, Kỳ Lộ với tổng lưu lượng nước và dòng chảy hàng chục tỷ m3 nước, đáp ứng tưới tiêu cho cây trồng, nuôi trồng và sinh hoạt.

Phú Yên có ¾ diện tích là đồi núi, có rừng tự nhiên và đất cho phát triển cây lâm nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ; có khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Krông-Trai, có nhiều khoáng sản quý hiếm, khối lượng lớn.

Phú Yên có đồng bằng Tuy Hòa là vựa lúa lớn nhất vùng với hệ thống tưới nước tuyệt vời, đáp ứng cho việc hàng năm sản xuất trên 350.000 tấn lúa; Phú Yên còn có sân bay quốc tế Tuy Hòa đang mở rộng, có hệ thống đường sắt quốc gia, quốc lộ, hệ thống đường tỉnh lộ khắp tỉnh, có dân số dưới 1 triệu người.

Với những điều kiện như trên, theo tôi nghĩ Phú Yên tập trung phát triển theo phương châm Nông – Lâm – Ngư nghiệp kết hợp với quản trị, khai thác hợp lý, cùng áp dụng công nghệ mới, hướng tới xuất khẩu Nông – Lâm – Ngư sản và sẽ tạo ra sự đột phá cho nông nghiệp bền vững và phát triển.

1. Về lâm nghiệp:

     
  • Tập trung quản lý bảo vệ phát triển rừng, trước hết là bảo vệ rừng tự nhiên, khu bảo tồn, vườn quốc gia.
  •  
  • Quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư và nhân dân trồng rừng cây mọc nhanh – nguyên liệu cho ván công nghiệp để tạo thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung cung cấp cho các nhà máy ván ép, dăm gỗ, bột giấy, ván MDF và HDF với quy mô 100.000m3/năm trở lên với công nghệ, thiết bị tiên tiến của thế giới.
  •  
  • Nâng cao độ che phủ rừng cho chống xói mòn, rửa trôi đất và bảo vệ làng bản, thành phố và nông nghiệp, ngư nghiệp.

2. Về nông nghiệp:

Theo tôi, Tỉnh cần tập trung trồng trọt với 3 loại cây chính là lúa gạo, sắn và mía (Công thức LSM), cụ thể như sau:

Cây lúa: phát triển từ diện tích, năng suất, sản lượng đồng bằng Tuy Hòa, với giống lúa địa phương, giống mới với năng suất vừa phải nhưng là đặc sản: gạo tám thơm, gạo nâu, gạo có hàm lượng protein cao, lúa chữa bệnh tiểu đường của Quảng Trị, lúa "rua" của Sóc Trăng,… đảm bảo sản lượng hàng năm trên dưới 300.000 tấn là ổn vì giá trị, giá bán cao.

Tất nhiên là cần có các kế hoạch, chương trình thâm canh, an toàn thực phẩm, lúa hữu cơ.

Cây mía: là cây truyền thống cho công nghiệp mía đường của Tỉnh. Cần duy trì vùng sản xuất với các biện pháp thâm canh cao: giống ROC, giống Brazil, Đài Loan,… cho năng suất trên 150 tấn/ha và trữ đường cao nhằm tăng thu nhập trên 1ha và thu nhập có tích lũy, cao hơn cây trồng khác tại vùng nguyên liệu mía. Thậm chí có diện tích mía có tưới, mía hữu cơ,…

Tất nhiên là phải lưu ý công nghệ, thiết bị của các nhà máy để đảm bảo các Công ty lớn có lãi trong kinh doanh và có trách nhiệm với vùng nguyên liệu, với nông dân. Phải định hướng và yêu cầu các nhà máy tái cơ cấu các sản phẩm mía đường, tận thu phế thải và sản xuất sản phẩm sau đường.

Tiến tới cơ giới hóa trong khâu giao hàng và chặt mía, băm cây mía,… Tức là cơ giới hóa các khâu từ gieo trồng, chăm sóc chặt mía cây đến vận chuyển, chế biến và tiêu thụ để tạo thành một chuỗi khép kín cơ giới hóa, tự động hóa để giảm chi phí cho sản phẩm cuối cùng của cây mía Phú Yên.

Cây sắn: Hiệp hội sắn Việt Nam do tôi sáng lập và là Chủ tịch khóa thứ 2 có thể hợp tác với Tỉnh để phát triển ổn định và hiệu quả cho cây sắn của Phú Yên. Theo tôi, cần điều tra, đánh giá, và từ đó có quy hoạch cho cây sắn đứng vững trên địa bàn Tỉnh. Các nội dung cần thiết là:

     
  • Quy hoạch vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định để có quyết định: công suất, vị trí, số lượng các nhà máy chế biến sắn. Trên cơ sở tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Fococev đã có nhà máy lớn nhất ở huyện miền núi Sông Hinh hoạt động hết công suất. Yêu cầu nhà máy tham gia vùng nguyên liệu, khuyến nông, liên kết mềm với nông dân theo phương châm Nhà máy và nông dân cùng có lợi.
  •  
  • Mời Trung tâm nghiên cứu Hương Lộc, chuyên về nghiên cứu khảo nghiệm và tạo ra giống sắn cao sản (KM94, 147, HL10, HL11,…) và các loại giống sắn mới kháng bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn Srilanca. Chúng tôi sẽ kết nối với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện SIAT của Thái Lan, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam để giúp Tỉnh với bộ giống sắn tốt nhất.
  •  
  • Với cây sắn, người ta lo ngại hai vấn đề lớn. Một là: cây sắn phá đất, làm nghèo đất, gây bạc màu đất. Hai là: Chế biến tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường. Cả hai vấn đề lớn này, 7 năm qua Hiệp hội sắn Việt Nam đã quan tâm và cơ bản xử lý tốt, đảm bảo (Chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với Tỉnh và các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương của Tỉnh để báo cáo cụ thể, chi tiết và cùng phối hợp xử lý triệt để bằng công nghệ).
  •  
  • Tỉnh cần kiểm tra và yêu cầu các nhà máy chế biến tinh bột sắn quan tâm tới đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, có tỷ lệ thu hồi tinh bột cao, trên 99%, thêm các thiết bị để cho ra các sản phẩm chế biến sau tinh bột như: bột biến tính, Glucoza, cồn thực phẩm,…Bã sắn phải được sấy khô ngay trong ngày để không gây hôi thối và có thêm sản phẩm bã sắn xuất khẩu cho các Công ty sản xuất thức ăn gia súc (Công ty CP).

Nước thải nhà máy dứt khoát phải được thu gom sản xuất Biogas tái phục vụ nhà máy, nếu dư có thể phát điện. Kiểm soát nước thải sau sản xuất Biogas đảm bảo tưới cây trồng rất tốt (vì có vi lượng và hữu cơ).

Các Nhà máy phải có khu nhân, nhập giống mới và cung ứng hướng dẫn cho dân. Đồng thời phải tổ chức bộ phận khuyến nông cho nông hộ vùng tập trung nguyên liệu. Thực hiện mô hình 3 khuyến nông: Khuyến nông Nhà nước, Khuyến nông doanh nghiệp (Nhà máy) và Khuyến nông Nông dân (tự nông dân hướng dẫn kiểm soát nhau).

Có thể còn một số cây trồng khác nữa nhưng theo tôi nên tập trung chỉ đạo mạnh cho phát triển 3 loại cây trên. Các loại cây trồng khác thì khuyến khích, khuyến cáo nông dân và định hướng các vấn đề lớn trong chuỗi giá trị mà thôi.

3. Về chăn nuôi và thủy sản:

Tôi không có ý kiến gì lớn và dành cho các bài phát biểu của các chuyên gia khác. Tôi chỉ quan tâm đến việc kiểm soát và xử lý môi trường trong chăn nuôi và thủy sản. Là người gần 15 năm theo đuổi lĩnh vực môi trường, tôi có thể tư vấn và kêu gọi giúp Phú Yên các công nghệ để đảm bảo hai lĩnh vực này phát triển an toàn.

Một ý kiến nữa mà tôi muốn nói với Phú Yên: Đây là vùng đất có điều kiện tuyệt vời cho nghề: YẾN SÀO. Tôi đã nghiên cứu và thấy rằng chỗ nào của tỉnh cũng có thể làm nhà gọi yến về làm tổ. Mọi người cho rằng Tổ yến nhà chất lượng không bằng tự nhiên là chưa đúng. Con chim yến không ăn thức ăn công nghiệp mà ăn côn trùng tự nhiên, vùng sinh thái của chim yến rất rộng. Theo nghiên cứu thì bán kính 300km cách bờ biển là vùng sinh sống, kiếm mồi của loại chim này. Càng còn nhiều rừng, đồng ruộng, vườn và khí hậu ẩm mát thì chim càng về nhiều. "Đất lành chim đậu" mà. Vì thế tôi kiến nghị cần có chương trình phát triển quy mô lớn về lĩnh vực kinh doanh yến sào của Phú Yên. Nên khảo sát, quy hoạch và kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp và nhà khoa học triển khai xây dựng nhà cho yến về làm tổ và sản xuất lắp đặt thiết bị dẫn dụ, dẫn gọi chim yến. Rất tiếc là Việt Nam chúng ta có tiềm năng lớn mà thua các nước trong khu vực hàng chục, hàng trăm lần về sản phẩm trời phú này.

TS. Nguyễn Văn Lạng (Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một số giải pháp phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên