Người thợ sửa tàu trên đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) bị viêm não màng não rơi vào tình trạng nguy kịch đã bất hợp tác với tổ cấp cứu đường không, nhưng bệnh nhân vẫn được trực thăng kịp thời đưa vào đất liền an toàn để điều trị.
Thông tin Y học

Một thợ sửa tàu trên quần đảo Trường Sa nguy kịch được trực thăng đưa vào đất liền

Hồ Quang 14:46 04/01/2025

Người thợ sửa tàu trên đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) bị viêm não màng não rơi vào tình trạng nguy kịch đã bất hợp tác với tổ cấp cứu đường không, nhưng bệnh nhân vẫn được trực thăng kịp thời đưa vào đất liền an toàn để điều trị.

Trưa 4.1, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho hay trực thăng EC225 mang số hiệu VN-8620 của Binh đoàn 18 cùng tổ cấp cứu đường không của bệnh viện này vừa đưa một người thợ sửa tàu bị viêm não màng não rơi vào tình trạng nguy kịch trên quần đảo Trường Sa vào đất liền kịp thời để điều trị.

mot-tjoi-sua-tau-nguy-kich-tren-dao-truong-sa-duoc-truc-thang-dua-vao-dat-lien-hinh-anh.png
Anh Đ.M.V (27 tuổi, quê Tam Kỳ, Quảng Nam) được trực thăng đưa đến Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) vào 23 giờ ngày 3.1 - Ảnh: CM

Bệnh nhân này là anh Đ.M.V (27 tuổi, quê Tam Kỳ, Quảng Nam) là thợ sửa chữa tàu tại đảo An Bang (quần đảo Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

“Hiện bệnh nhân đang được bác sĩ Khoa Cấp cứu tiến hành làm các xét nghiệm đặc hiệu, triển khai hội chẩn viện để đưa ra chẩn đoán xác định và điều trị chuyên sâu kịp thời”, đại úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch - Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 cho biết.

Theo thông tin ban đầu, ngày 1.1, khi đang hành trình trên tàu ở đảo An Bang, anh Đ.M.V xuất hiện tình trạng mệt mỏi, kém ăn, nôn. Đến ngày 2.1, bệnh nhân xuất hiện thêm kích thích, ý thức u ám, sốt cao kèm theo rét run 39,5 độ, vào Bệnh xá đảo An Bang được chẩn đoán theo dõi viêm não màng não phân biệt với xuất huyết dưới nhện.

Sau đó, Bệnh xá đảo An Bang đã tiến hành hội chẩn qua Telemedicine với Bệnh viện Quân y 175 và chẩn đoán theo dõi viêm não màng não phân biệt với xuất huyết dưới nhện. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc an thần kinh, kháng sinh, bù dịch - điện giải, hạ sốt…. Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với quân y đảo theo dõi sát, đánh giá lại sau 1 ngày điều trị bệnh không có xu hướng tốt lên. Bệnh nhân tiên lượng khó khăn do chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Do đó, Bệnh viện Quân y 175 đã xin phép Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho phép vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không về bệnh viện.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ quốc phòng, 15 giờ ngày 3.1, máy bay trực thăng EC225 mang số hiệu VN-8620 của Binh đoàn 18 cùng Tổ Cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất.

mot-tho-sua-tau-nguy-kich-tren-dao-truong-sa-duoc-truc-thang-dua-vao-dat-lien-hinh-anh-1.png
Bệnh nhân được tiến hành làm các xét nghiệm đặc hiệu, triển khai hội chẩn viện để đưa ra chẩn đoán xác định và điều trị chuyên sâu - Ảnh: C.M

Đại úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch - Tổ Cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 - cho biết đến 19 giờ 30 ngày 3.1, tổ đã tiếp cận được bệnh nhân tại đảo An Bang. Lúc này bệnh nhân rối loạn ý thức, mở mắt nhưng không tiếp xúc, kích thích nhiều. Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn rõ, sốt 39 độ, có dấu hiệu màng não rõ cứng gáy, dấu hiệu nhiễm trùng thần kinh trung ương, các chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Bệnh nhân được thăm khám, đánh giá, xử trí cấp cứu tại chỗ ổn định, vận chuyển lên máy bay. Đến 23 giờ 30 cùng ngày, trực thăng đưa bệnh nhân Đ.M.V đáp an toàn xuống tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175.

“Đây là trường hợp bệnh nhân khá đặc biệt, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển. Bệnh nhân không đủ tỉnh táo, không hợp tác với tổ cấp cứu để ổn định trong quá trình vận chuyển. Kíp cấp cứu phải dùng an thần gây ngủ để cho bệnh nhân trấn tĩnh hơn. Tuy nhiên, khi bệnh nhân ngủ sẽ ảnh hưởng về mặt hô hấp. Vì vậy, kíp cấp cứu phải theo dõi sát về tình trạng hô hấp trong suốt quá trình vận chuyển. Do bệnh nhân chưa biết được căn nguyên nhiễm khuẩn, một vài căn nguyên nhiễm khuẩn có thể phát triển thành một vụ dịch truyền nhiễm, kíp cấp cứu đã sử dụng các biện pháp đề phòng lây nhiễm chéo và phòng chống dịch tối đa để vừa vận chuyển bệnh nhân an toàn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch” bác sĩ Tạ Văn Bạch chia sẻ.

Bài liên quan
Hai bệnh nhân nguy kịch trên đảo Trường Sa được máy bay kịp thời đưa vào đất liền cứu chữa
Một bệnh nhân bị đa chấn thương nặng và 1 bệnh nhân bị đột quỵ não trên đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Cả hai đều trong tình trạng nguy kịch đã được trực thăng kịp thời đưa vào đất liền điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Phải bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản’
4 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng yêu cầu bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản"; người dân, doanh nghiệp làm được, có thể làm tốt hơn thì giao cho họ và tạo không gian sáng tạo, đổi mới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một thợ sửa tàu trên quần đảo Trường Sa nguy kịch được trực thăng đưa vào đất liền