Sáng dậy, tôi nghe lòng mình chênh chao. Gió lạnh ùa về. Mưa bất chợt trong những ngày tháng giêng.
Nếu như còn ở phố, tôi đã hít hà xuýt xoa một xíu bất thường của thời tiết. Tôi sẽ diện một chiếc váy dài hơn, mặc áo len mua trong một chuyến đi Đà Lạt rồi điểm nhấn một chiếc khăn quàng ở cổ. Đến văn phòng, tôi pha cho mình một cốc cà phê nóng, tranh thủ lúc khói vẫn bay nghi ngút tôi nhờ anh đồng nghiệp chụp cho vài khoảnh khắc. Facebook tôi đã từng và có rất nhiều status thong thả thưởng thức thời tiết như vậy.
Dịch bệnh bất ngờ, kỳ nghỉ tết kéo dài, tôi được dịp nấn ná ở quê thêm chút thời gian. Điều này không nằm trong dự định của tôi, cũng như cơn mưa sáng nay không nằm trong mong muốn của những người dân ở quê. Tôi nghe tiếng ba đằng hắng, ra vào đứng ngồi không yên.
Vụ đông xuân, lúa vừa đẻ nhánh, mưa trái mùa dễ sinh sâu bệnh. Má cũng thấp thỏm, đàn gà mới gây giống, gió bất chợt kiểu này gà con khó lòng chống chịu. Nằm vùi trong phòng, tôi lướt quanh vài trang báo mạng, thì ra tối qua Sài Gòn cũng mưa. Báo chí đặt tít “Người Sài Gòn bất ngờ” rồi đặt câu hỏi, rồi lý giải “liệu có thất thường?”. Vài bạn trên Facebook cũng kịp chụp lại cảnh mưa kèm vài câu bất ngờ không kém.
Tôi mỉm cười. Nếu như còn ở phố tôi đã ấn like rồi xuýt xoa thêm vài câu bình luận. Những lần như thế hình như tôi chưa bao giờ gọi điện về nhà, chưa bao giờ hỏi trái gió trở trời ba má có đau lưng nhức mỏi hay ruộng lúa nhà mình có ảnh hưởng gì không. Tôi mải miết cuốn theo những điều vốn dĩ ở phố.
Mưa, phố được dịp tắm táp và gội rửa những cung đường mù mịt khói bụi. Mưa, dòng xe sẽ bớt chen chúc, bớt hối hả, chốt đèn đỏ chỉ cần dừng một bận là có thể qua. Mưa, hàng người sẽ thôi rồng rắn xếp dài chờ mua khẩu trang phòng dịch. Và có chăng, mưa trái mùa như vậy taxi và xe ôm được dịp đông khách hơn?
Mưa cứ mặc nhiên đến, thời tiết ngày càng nhiều biến động, phố và quê sẽ có những cách đón nhận khác nhau. Với nhịp sống hiện đại và môi trường làm việc ít bị tác động, người phố nhìn những cơn mưa trái mùa như một sự thất thường của thời tiết, mà lỗi nằm ở lối sống hủy hoại môi trường của chính chúng ta. Người phố theo dõi dự báo rồi nghĩ ngợi về những ngày nắng nóng sắp tới. Người ở quê lo lắng đối diện như một tất yếu mà mỗi năm đều xảy đến, chỉ là nắng trái mùa, khô cằn đất đai hay mưa trái mùa cùng nhiều hệ lụy khó lường.
Cuộc sống với đầy rẫy những bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết đã hình thành trong họ thái độ chấp nhận và sẵn sàng cho những dự liệu tiếp theo. Đâu đó trong hàng triệu người nông dân Việt Nam có lẽ đang sợ, mưa trái mùa, người phố sẽ quan tâm đến tình hình sức khỏe mà thờ ơ với nông sản giải cứu.
Mưa trái mùa, phố và quê có những nghĩ suy rất riêng. Ở phố có người bi quan thì chặc lưỡi, mưa nhiệt độ xuống thấp, virus đang hoành hành sẽ phát triển và dễ lây lan hơn. Một số lạc quan lại cho rằng khoa học bảo virus chỉ sống tốt khi dưới 25 độ C mà nhiệt độ Sài Gòn có bao giờ lại dưới 25. Vậy rồi, người phố đeo cho mình một lớp khẩu trang và tiếp tục ra đường, tiếp tục với guồng quay bất chấp tiết trời.
Nếu như còn ở phố, tôi cũng sẽ chẳng bận lòng vì một chút rào rạt thoáng qua nhưng khi ở nhà tôi mang nhiều suy ngẫm. Hết mưa, ba tất tả ra đồng, miệng thì thầm khấn vái. Má cũng vội vã tìm rơm giữ ấm thêm cho đàn gà mới nở. Tôi ra khỏi phòng, lúng túng vì sàn nhà đầy nước, chái bếp sau nhà vừa tốc mái. Cuộc sống ở phố với đủ đầy tiện nghi vật chất, thi thoảng khiến tôi quên quê nhà ba má đang tần tảo và cũng hối hả đến nhường nào. Ngồi nhặt những mảnh vỡ của miếng tôn vừa rơi, tôi khóc - những giọt nước mắt khó nhọc của người quê và nỗi đau hờ hững của kẻ nhiều năm sống ở phố.
Mưa trái mùa, dù phố dù quê có lẽ vẫn sẽ ăm ắp những nỗi niềm. Ai cũng đủ lý lẽ để lo lắng hay khấp khởi với một chút thất thường của thời tiết. Ai cũng than trời, trách đất rồi đổ lỗi và tìm lý do nhưng liệu một giải pháp hiệu quả có được đưa ra? Phố và quê liệu có cái nhìn chung? Tôi chấp nhận cách sống ở phố và bình yên đối diện như cách người ở quê đối diện với mọi sự thất thường. Mưa trái mùa thường mạnh nhưng ngắn, chóng đến và cũng nhanh rời đi. Sau cơn mưa, trời rồi lại nắng, phố và quê vẫn lặng thầm bước tiếp.
Hồng Như