Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được. Tác động của dịch bệnh COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không đạt, nguyên nhân chính do COVID-19?

Lam Thanh | 20/04/2021, 15:09

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được. Tác động của dịch bệnh COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không đạt

Theo báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, nhìn chung, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

doanh-nghiep.jpg
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không đạt

Theo đó, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).

Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được, khi chỉ có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31.12.2020. Tác động của dịch bệnh COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này.

Trong năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký mới chỉ đạt 134.941 doanh nghiệp, thấp hơn 2,3% so với trong năm 2019, trong khi số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể cao hơn 13,93% so với năm 2019.

Thực hiện Nghị quyết 35, 41 tỉnh, thành phố đã có cam kết về số lượng doanh nghiệp đến năm 2020. Tuy nhiên, chỉ có 17 địa phương đạt hoặc vượt mức đã cam kết. Một số tỉnh có số lượng doanh nghiệp tăng mạnh như Vĩnh Phúc (168%), Bắc Ninh (185%), Hưng Yên (152%), Bắc Giang (221%), Bình Phước (162%), Bình Dương (163%), Đồng Nai (164%). Ngược lại, một số địa phương có tỷ lệ tăng thấp như Điện Biên (24%), Quảng Trị (38%).

Chi phí không chính thức là vấn đề lớn

Báo cáo cho hay, lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp luôn là thủ tục được đánh giá cao với kết quả cải thiện đáng khích lệ: thời gian trung vị để doanh nghiệp làm các thủ tục đăng ký hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm một nửa trong 6 năm qua. Dù vậy, thời gian đăng ký doanh nghiệp năm 2020 bị kéo dài hơn một chút so với năm 2019.

Tuy nhiên, thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing business) của Ngân hàng thế giới vẫn thấp, do các quy định về khởi sự doanh nghiệp chưa hợp, nhiều thủ tục, chưa có sự liên thông giữa các thủ tục.

Một số quy định được ban hành gần đây dự kiến sẽ góp phần tăng hạng cho chỉ số này, gồm Nghị định 122/2020/NĐ-CP ngày 15.10.2020 về quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn chứng từ; và Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24.2.2020 quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập.

Về chất lượng thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhìn chung các chỉ số (thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai; hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ; Cán bộ am hiểu chuyên môn; Cán bộ nhiệt tình, thân thiện) đều tăng điểm. Tuy nhiên, nhóm các tỉnh có điểm thấp nhất lại ghi nhận việc giảm điểm mạnh ở chỉ số về thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai và chỉ số Cán bộ nhiệt tình, thân thiện.

Thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Tuy vậy, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện TTHC lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…

Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019, có thể nhờ COVID-19 làm giảm thời gian thanh kiểm tra trực tiếp kết hợp với việc ngành thuế thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

chi-phi.jpg
Chi phí không chính thức là thách thức

Các TTHC liên quan đến xây dựng, dù được cải thiện trong thời gian qua, vẫn chưa thực sự dễ dàng với doanh nghiệp. Các thủ tục khó khăn nhất gồm đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quyết định chủ trương đầu tư…

Các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm các thủ tục về xây dựng so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có quy mô lớn.

Bên cạnh đó, chi phí không chính thức là vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải. Nguyên nhân lớn nhất gây ra sự phiền hà của doanh nghiệp là cán bộ giải quyết hồ sơ và các quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp gặp khó tiếp cận gói 16.000 tỉ

Tiếp cận tín dụng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn mức 59,5% của năm 2019.

Dù đã có nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, hấp thụ được các khoản vay ưu đãi do điều kiện vay vốn không dễ dàng.

Chẳng hạn, đến tháng 10.2020, gói tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 0% để doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch vẫn chưa cho doanh nghiệp nào vay được.

Về đăng ký bất động sản và quản lý đất đai, chỉ số này hầu như không có sự thay đổi điểm số qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. Mức độ cải thiện lĩnh vực đăng ký tài sản năm 2020 giảm điểm đôi chút so năm 2019, từ mức 60.7% xuống còn 60,2%.

Việc thực hiện thủ tục về đất đai vẫn còn nhiều khó khăn và chưa được chú trọng cải thiện thực tế trong năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn về thủ tục đất đai trong 2 năm qua giảm từ 39% năm 2019 xuống 29% năm 2020.

Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (với 18% doanh nghiệp gặp phải), việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%).

Lĩnh vực thực thi hợp đồng và phá sản doanh nghiệp có sự tăng điểm trong năm 2020, đặc biệt là vấn đề phá sản doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đáng ghi nhận khi chỉ số phá sản luôn là lĩnh vực bị đánh giá thấp nhất tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02.

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không đạt, nguyên nhân chính do COVID-19?