Tôi hỏi “Theo anh, làm sao để xây dựng một xã hội vững chắc hơn?”.

Muôn kiếp nhân sinh 3 – Kỳ 3: Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế

Hạ Vĩ | 19/06/2023, 10:29

Tôi hỏi “Theo anh, làm sao để xây dựng một xã hội vững chắc hơn?”.

Phải bắt đầu từ gia đình

Farnum tiếp tục: “Để xây dựng một xã hội lành mạnh, chúng ta cần bắt đầu từ căn bản, từ gốc rễ là gia đình. Một cái cây cần phải có rễ bám sâu xuống lòng đất thì mới phát triển được. Tại sao những người trẻ hiện nay lại không vững vàng được như xưa? Vấn đề không hoàn toàn nằm ở họ mà nằm ở gia đình. Bổn phận của cha mẹ là dạy dỗ con cái biết hiếu thảo, trở thành công dân lương thiện, yêu thương gia đình, hướng về tổ quốc, bảo vệ quốc gia, xây dựng và làm những điều có ích cho đất nước. Khi gia đình đổ vỡ, khi vợ chồng không hòa thuận, những cuộc cãi vã liên tục nổ ra thì làm sao con cái có thể noi theo và ngoan ngoãn được? Các bậc làm cha mẹ phải ý thức rõ trách nhiệm giáo dục, định hướng con cái chứ không thể giao cho bất kỳ ai khác được. Nếu con cái được dạy từ nhỏ để phát triển nhân cách theo đúng hướng thì khi lớn lên chúng có thể vượt qua thử thách, không bị lung lay bởi tiền bạc, địa vị, sắc đẹp hay danh vọng. Ngày nay, một số chuyên gia tâm lý kêu gọi phải cho con trẻ tự do phát triển theo bản tính của chúng. Tôi không phản đối điều này, nhưng tự do đâu phải là tùy ý muốn làm gì thì làm. Trẻ con mà không được dạy dỗ từ nhỏ, phó mặc chúng phát triển theo ý thích thì chỉ khiến chúng trở nên vô cảm rồi hư hỏng mà thôi.

muonkiepnhansinh-quote4a.jpg

Tôi góp ý: “Vẫn biết thế, nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, ít gia đình nào có thể sống thoải mái với một nguồn thu nhập. Cả chồng lẫn vợ đều phải làm việc mới đủ sống, vì vậy việc đòi hỏi họ dành nhiều thời giờ dạy dỗ con cái là cả một vấn đề lớn”.

Farnum phản đối: “Nhưng không nhất thiết ai cũng phải bỏ hết thời gian để kiếm tiền. Dù bận rộn thế nào, nếu muốn, cha mẹ vẫn có thể dành thời giờ để tìm hiểu và thông cảm với con cái. Khi sinh con, đâu cha mẹ nào muốn con mình trở nên hư hỏng nhưng nhiều người đã "khoán" việc giáo dục quan trọng này cho trường học. Trường học chỉ có thể dạy kiến thức phổ thông, còn căn bản đạo đức làm người thì chỉ cha mẹ mới có thể dạy dỗ và định hướng được. Con trẻ đều học từ cha mẹ, cha mẹ hành động ra sao, con trẻ học theo như thế. Nếu không dành thời gian dạy dỗ, lắng nghe, để hiểu biết và cảm thông với con cái từ khi còn nhỏ, thì làm sao cha mẹ biết khi con cái lớn lên cần những gì? Tại sao thanh niên ngày nay thường có khuynh hướng độc lập, nổi loạn và không vâng theo lời cha mẹ? Tại vì cha mẹ đâu biết gì về con cái, đâu biết chúng nghĩ gì, làm gì, hay có vấn đề gì. Vì cha mẹ không dạy gì cho con nên con chỉ học qua bạn bè và các trang mạng xã hội. Đám trẻ học rằng người thành công là người có thể kiếm nhiều tiền, do đó họ sẵn sàng làm mọi chuyện chỉ để có tiền, bất chấp tốt xấu. Họ học rằng nếu muốn nổi tiếng thì phải làm theo các ngôi sao điện ảnh hay những người đang tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội. Do đó họ mua sắm, chưng diện, nói năng bừa bãi như những người này. Thay vì đọc các sách vở có giá trị, họ chỉ đọc những bình luận, tin nhắn trên mạng xã hội và “chat” với những người xa lạ vì họ đâu có thể trò chuyện, đối thoại thân tình với cha mẹ mình được nữa. Đó chính là tình trạng mất kết nối nghiêm trọng trong giáo dục các gia đình hiện nay trên thế giới".

Mọi sự thay đổi phải xảy ra từ bên trong

Tôi tán thành và nói thêm: “Anh nói đúng, tôi thấy ngày nay đại đa số người trẻ ít để ý đến các biến cố trên thế giới, nếu so với những người thuộc thế hệ trước. Bạn tôi, một giáo sư đại học, đã phải than rằng phần lớn sinh viên chỉ xem tin tức qua Facebook, Twitter, TikTok, YouTube hay WeChat... Họ chỉ quan tâm tới cái mà những người trẻ như họ đang làm trên mạng xã hội. Họ ngày càng trở nên vô cảm, không còn ham tìm tòi để gia tăng hiểu biết và chỉ chạy theo vật chất hay các xu thế nhất thời. Người ta vẫn tin rằng nhờ internet mà người trẻ kết nối với nhau nhiều hơn nhưng thật ra đa số kết nối qua các ứng dụng công nghệ chỉ mang tính hào nhoáng bề ngoài và thiếu chân thật”.

Farnum lộ vẻ ưu tư: “Tại sao tiêu chuẩn đạo đức của thế giới lại xuống cấp như thế? Phải chăng vì mọi người chỉ biết chạy theo tiếng gọi của tiền bạc, danh vọng chứ không hề để tâm đến nền giáo dục? Ngay như các trường học cũng cạnh tranh với nhau để có càng nhiều học sinh ghi danh càng tốt, mục đích là để kiếm được nhiều tiền còn chất lượng giáo dục tốt xấu ra sao thì ít ai quan tâm. Đó là chưa kể đến việc trường học đua nhau tăng học phí mỗi năm, rồi còn phát sinh bao nhiêu loại phí khác khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, chẳng còn hơi sức quan tâm đến chất lượng của giáo dục. Một khi giáo dục đã thoái hóa thì làm sao có thể đào tạo ra được nhân tài cho đất nước? Làm sao đào tạo được những tâm hồn cao thượng hay những anh hùng chân chính bảo vệ quê hương? Ngày nay, nhiều người trẻ không biết gì về đạo đức, về tình người, về công bình hay tình bác ái, mà chỉ sống đua đòi theo những thú vui trước mắt, sống với những thói quen buông thả, hưởng thụ bằng đủ mọi cách. Nếu chúng ta không khuyến khích phục hồi những giá trị cao thượng khi xưa thông qua hành động thì rất khó có thể cứu vãn được tình trạng xuống dốc trầm trọng hiện nay”.

muonkiepnhansinh3-8-1tg.jpg

Tôi trả lời: “Đã có nhiều người lên tiếng về việc cải thiện tình trạng giáo dục cũng như trách nhiệm làm cha mẹ trong thời đại này, nhưng đến giờ vẫn chỉ là những tiếng kêu vô vọng”.

Farnum mỉm cười: “Trong nhiều năm, chính phủ nào cũng đề xướng nhiều chương trình quy mô lớn với ngân quỹ khổng lồ để làm chuyện đó. Họ thuê những chuyên viên có bằng cấp cao, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu để thực hiện nhưng kết quả không đi đến đâu. Anh có biết tại sao không, vì đa số những người này, dù có khả năng và kiến thức, nhưng chỉ làm việc để được trả lương chứ không xuất phát từ trong tâm”.

Farnum kết luận: “Theo tôi, mọi sự thay đổi đều phải xảy ra từ bên trong thì mới có thể tạo ảnh hưởng đến bên ngoài. Sự chuyển hóa chỉ xảy ra từ những trải nghiệm và hành động với những gì chúng ta tin tưởng. Đó là lý do tôi không muốn làm những việc lớn lao, nhưng cũng sẵn sàng hỗ trợ cho những việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Vì vậy tôi mới mời anh đến quán ăn này để giới thiệu với anh tôn chỉ hoạt động của nơi này, đó là: "Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế rồi họ sẽ lan tỏa điều này đi khắp nơi". Biết đâu những việc nhỏ lại có thể đánh thức tiềm năng tốt đẹp của mọi người, đem lại sự chuyển hóa cho tương lai…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muôn kiếp nhân sinh 3 – Kỳ 3: Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế