Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho phép khởi kiện các công ty nước ngoài đang kinh doanh trên những tài sản tịch thu của người Mỹ tại Cuba sau cuộc cách mạng của lãnh tụ Fidel Castro cách đây 60 năm (1959).
Sự thay đổi chính sách lớn sẽ được công bố vào hôm nay (17.4), có thể giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của Cuba để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Đây cũng là một dấu hiệu khác cho thấy những nỗ lực của Washington trong việc trừng phạt Havana về sự ủng hộ của họ đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Theo Reuters, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vào hôm nay sẽ giải thích quyết định của chính quyền trong một bài phát biểu tại Miami và cũng sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Cuba, Venezuela và Nicaragua.
Mỹ được cho là đang xem xét một loạt các lựa chọn, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức quân sự và tình báo cấp cao của Cuba về vai trò của họ ở Venezuela và thắt chặt thêm các giới hạn thương mại nhằm buộc Cuba phải từ bỏ hỗ trợ cho tổng thống Maduro, điều mà Havana đã khẳng định sẽ không làm.
Trước đó, Tổng thống Trump hồi tháng 1 đã cảnh báo sẽ cho phép một đạo luật gây tranh cãi có tên Helms-Burton vốn bị đình chỉ kể từ năm 1996, cho phép người Mỹ gốc Cuba và các công dân Mỹ khác kiện các công ty nước ngoài kinh doanh ở Cuba có liên quan đến các tài sản của Mỹ bị Cuba tịch thu hàng chục năm trước.
Các chính quyền tiền nhiệm của ông Trump từ chối thực thi đạo luật này suốt 23 năm qua do sự phản đối của cộng đồng quốc tế và lo ngại nó có thể gây hỗn loạn hệ thống tòa án Mỹ với một loạt các vụ kiện.
Việc thực thi đạo luật trên sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Canada và EU có cổ phần kinh doanh ở Cuba. Nó cũng ảnh hưởng đến một số công ty Mỹ khi các doanh nghiệp này chỉ mới đầu tư vào Cuba sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những khiếu nại về tài sản đó có được chấp nhận tại các tòa án của Mỹ hay không.
Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã cảnh báo sẽ đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và động thái của Mỹ sẽ dẫn tới các vụ kiện trả đũa các công ty của Mỹ đang hoạt động ở châu Âu.
“Đây là những điều bất hợp pháp, trái với luật pháp quốc tế và tôi cũng coi đó là vô đạo đức”, Đại sứ EU tại Cuba, ông Alberto Navarro nói tại thủ đô Havana.
Về phần mình, Quốc hội Cuba cũng đã chỉ trích đạo luật Helms-Burton là "bất hợp pháp, không thể thực thi và không có ý nghĩa pháp lý". Còn Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel nói trong bài phát biểu hôm 13.4: “Mỹ đã đẩy mối quan hệ bấp bênh với đất nước chúng ta trở lại mức tồi tệ nhất trong nỗ lực cố gắng kích hoạt Luật Helms-Burton đáng ghét”.
Quan hệ Mỹ - Cuba đã chấm dứt kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống vào đầu năm 2017 kéo theo hàng loạt các lệnh cấm vận nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này.
Hoàng Vũ (theo Reuters)