Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lũy kế đến tháng 6.2015, Mỹ đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 748 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư là 11,08 tỉ USD.
Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án
đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ảnh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam do có một số công ty Mỹ như Intel, Coca-Cola, Procter&Gamble, ConocoPhillips…đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước, vùng lãnh thổ khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông...
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Mỹ xếp thứ 10/48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với gần 87,4 triệu USD, chiếm 1,6% tổng số vốn FDI.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, Mỹ đã có 16 dự án trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đầu tư là 4,67 tỉ USD (chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 322 dự án và hơn 2,2 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 44% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 14 dự án và xấp xỉ 2,1 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 1,8% và 18%).
Về hình thức đầu tư, thống kê cho thấy khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 578 dự án và 8,13 tỉ USD vốn đăng ký (chiếm 81% tổng số dự án và 74% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Hình thức liên doanh có 109 dự án với 2,5 tỉ USD vốn đăng ký (chiếm 15% và 23%). Còn lại là hai hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Về địa phương đầu tư, đến nay, các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 42/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Đứng thứ nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu với 18 dự án và 5,3 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 48% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam); thứ nhì là Hải Phòng với 13 dự án và 1,2 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 11,2%); thứ ba là Bình Dương với 96 dự án và 779 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7,1%).
Xét về số lượng dự án, TP.Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Mỹ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với 771 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Quy mô trung bình dự án FDI Mỹ tại TP.Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ trên cả nước.
Tuyết Nhung