Mỹ lâu nay bị chỉ trích không có đáp trả tương xứng khi đối thủ tiến hành tấn công mạng nhắm vào mạng lưới an ninh quốc gia, cơ quan chính phủ và hệ thống bầu cử của nước này. Nhưng với một loạt biện pháp mới, giới chức Washington báo hiệu họ sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn.
Tổng thống Donald Trump gần đây đã hủy bỏ các quy định củangười tiền nhiệm Barack Obama, yêu cầu phải có ủy quyền từ cấp caođể tiến hành hoạt động mạng quân sự quy mô lớn. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cảnh báo bất kỳ quốc gia nào thực hiện tấn công mạng sẽ đối mặt với tấn công đáp trả.
Ngày 4.10, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cho biết năng lực tác chiến mạng Mỹ sẵn sàng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông còn tuyên bố Nga phải trả giá sau khi Hà Lan cáo buộc tình báo quân sự Moscow tìm cách do thám Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Theo chuyên gia Cortney Weinbaum của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, phát biểu của Bộ trưởng Mattis có nghĩa Washington sẽ cung cấp mọi năng lực tác chiến, kể cả tác chiến mạng, để bảo vệ đồng minh NATO.
“Cam kết này hy vọng sẽ có tác dụng răn đe nhằm tránh xảy ra tình huống xấu”, bà Weinbaum cho hay.
Ông Frank Cilluffo từ đại học Auburn cũng khẳng định: “NATO cần đảm bảo họ có khả năng, công cụ cùng chiến lược cần thiết để đối phó với môi trường hiện tại”.
Trong chiến lược không gian ảo công bố tháng trước, Lầu Năm Góc cho biết sẽ tiến hành nhiều hoạt động mạng với mục đích thu thập tin tình báo và chuẩn bị cho năng lực mạng quân sự trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Bản chiến lược còn nhắc đến “sự can thiệp liên tục” của Nga và Trung Quốc.
Theo chuyên gia Martin Libicki của Học viện Hải quân Mỹ, với những gì Nga đang thực hiện thì Washington có thể tiến hành tấn công mạng như đã từng làm với nhóm khủng bố IS.
Chuyên gia Libicki khẳng định: “Mỹ giữ bí mật hoạt động rất tốt. Chúng ta có thể thực hiện mà nước khác không phát hiện”.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)