Theo trang tin của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ (CPF.navy), một tàu chiến Mỹ mới đây đã được điều tới Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong tháng Mỹ triển khai tàu tới vùng biển chiến lược này, động thái được cho là nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.

Mỹ tiếp tục điều tàu chiến tới Biển Đông thách thức yêu sách của Trung Quốc

13/05/2020, 13:47

Theo trang tin của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ (CPF.navy), một tàu chiến Mỹ mới đây đã được điều tới Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong tháng Mỹ triển khai tàu tới vùng biển chiến lược này, động thái được cho là nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence hôm 12.5 đã có mặt ở phía nam Biển Đông để tiến hành hoạt động tự do hàng hải gần nơi tàu khoan West Capella của Malaysia hoạt động.

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tàu tác chiến viễn chinh 7 cho biết: “Sự linh hoạt và cơ động của các tàu chiến tác chiến ven bờ lớp Independence được triển khai luân phiên tới Đông Nam Á là một yếu tố thay đổi cục diện cuộc chơi”.

“Giống các hoạt động trước đó, hành trình của tàu Gabrielle Giffords gần tàu khoan West Capella đã thể hiện khả năng sẵn sàng của Hải quân Mỹ trong khu vực. Điều này là minh chứng rõ ràng về sự ủng hộ của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở hơn, qua việc tham gia tích cực và liên tục của Hải quân Mỹ ở khu vực này”, ông Kacher nhấn mạnh.

Trong khi đó, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Phó đô đốc Bill Merz tái khẳng định rằng lực lượng Mỹ sẽ hoạt động ở Biển Đông bất cứ nơi nào hoặc bất kỳ lúc nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

“Sự hiện diện thường xuyên như của tàu Gabrielle Giffords nhằm khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế và các quy tắc hàng hải, bất chấp các yêu sách chủ quyền quá mức hoặc các diễn biến thực tế. Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế hợp pháp”, ông Merz nói.

Trước đó, tàu tác chiến ven bờ USS Montgomery (LCS 8) cùng tàu tiếp tế USNS Cesar Chavez (T-AKE 14) thuộc hải quân Mỹ ngày 7.5 cũng đã hiện diện ở khu vực tàu khoan thăm dò dầu khí Malaysia hoạt động trên Biển Đông.

Trong thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Hải quân Mỹ cho biết "thông qua sự hiện diện ở Biển Đông, Hải quân Mỹ ủng hộ sự minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và hàng không, cùng các nguyên tắc củng cố an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để các quốc gia trong khu vực đều được hưởng lợi".

Thông báo cũng dẫn lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino, yêu cầu Trung Quốc "phải dừng kiểu bắt nạt đẩy các quốc gia Đông Nam Á ra khỏi các nguồn tài nguyên dầu, khí và thủy sản xa bờ" ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuần trước cũng đã chỉ trích Trung Quốc về việc lạm dụng cách hành xử hung hăng trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh tung ra chiến dịch tuyên truyền sai lệch thông tin trong dịch COVID-19 để né trách nhiệm và nhằm trục lợi.

"Trong khi Bắc Kinh tăng cường chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch để tránh bị đổ lỗi và đánh bóng hình ảnh, chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành vi hung hăng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Biển Đông", ông Esper nói trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 5.5.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ vào năm 2016.

Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.

Trước đó, vào cuối tháng 4, Mỹ đã điều 4 tàu chiến bao gồm USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry (DDG 52) đến tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Úc ở Biển Đông.

Quan chức Hải quân Mỹ hôm 29.4 cũng cho biết, tàu tuần dương USS Bunker Hill đã di chuyển qua khu vực Đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa, 1 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp. Hoạt động tự do hàng hải của tàu Bunker Hill được triển khai 1 ngày sau khi Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry thực hiện động thái tương tự trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hoàng Vũ (theo CPF.navy)

Bài liên quan
Thị trường chủ lực Mỹ có phải là 'điểm sáng' cho con tôm Việt Nam?
Liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, giữ thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tiếp tục điều tàu chiến tới Biển Đông thách thức yêu sách của Trung Quốc