Cả Mỹ và Trung Quốc đã điều tàu chiến vào Biển Đông, Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các vùng biển chiến lược này này.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã vượt eo biển Malacca, tiến vào Biển Đông. Tổ chức Sáng Kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết theo dữ liệu vệ tinh, tàu sân bay Roosevelt vào Biển Đông hôm 4.4.
Hải quân Mỹ hiện chưa tiết lộ kế hoạch hoạt động hay diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt tại Biển Đông. Đây là lần thứ hai chiến hạm Roosevelt vào Biển Đông trong năm nay.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu vỏ sắt cỡ lớn này dường như thả neo tại chỗ, không có bất cứ hoạt động đánh bắt nào dù thời tiết thuận lợi.
Ngoài ra, SCSPI cũng cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ cũng đang hoạt động ở biển Hoa Đông và tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc hôm 3.4. Mỹ trước đó cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận với đồng minh trong khu vực vào tuần trước. Trong số này bao gồm cuộc diễn tập với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Úc ở phía đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hôm 4.4 đã đi qua eo biển Miyako ngoài khơi phía tây nam Nhật Bản. Diễn biến này xảy ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật Bản “dừng mọi động thái khiêu khích” đối với quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4.2020, tàu Liêu Ninh bị phát hiện đi qua Eo biển Miyako
Trung Quốc thời gian qua đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động “bành trướng” tại nhiều vùng biển tranh chấp trong đó có Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng mới ở khu vực và lên án động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 5.4 cũng cho biết, khoảng 10 máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc đã đi vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo. Trong đó, một máy bay đã bay qua khu vực eo biển Bashi - eo biển chiến lược nối Thái Bình Dương với Biển Đông. Những tháng gần đây, Đài Loan cho biết đã liên tục phát hiện các máy bay của không quân Trung Quốc áp sát hòn đảo, đặc biệt ở ADIZ phía tây nam.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Úc) Ben Schreer nhận định việc tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông là để nhằm chống lại các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Hành động này cũng báo hiệu cho các đồng minh như Philippines, rằng Washington là một “đồng minh đáng tin cậy và có năng lực".
Xue Chen, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải lưu ý rằng, quân đội Mỹ đã tăng tần suất và quy mô hoạt động ở Biển Đông, biển Hoa Đông và đang tiến gần hơn đến lãnh thổ Trung Quốc. Xue cho rằng sự hiện diện của USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông dường như là một thông điệp gửi đến Trung Quốc trước các hành động ngang ngược tại đây.
Về việc triển khai tàu chiến ở biển Hoa Đông, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc dường như muốn thể hiện tham vọng của mình trong việc bảo vệ những gì họ coi là lợi ích lãnh thổ cốt lõi của mình ở khu vực.
“Đây là một lời cảnh báo cho Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển khả năng tác chiến tàu sân bay mặc dù vẫn chưa đạt được điều này ở hiện tại”, Collin Koh, nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói.
Ông cho biết Mỹ đang phát đi tín hiệu rằng Washington cam kết duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực với các đồng minh và tìm cách ngăn cản Bắc Kinh có “bất kỳ hành động quyết liệt nào” ở Biển Đông. Còn hoạt động của hải quân Trung Quốc trong khu vực gần đây một phần là để nhấn mạnh khả năng hoạt động chống lại sự ngăn cản do Mỹ dẫn đầu đối với các lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Singapore cũng bày lo ngại sự hiện diện đông đúc của các tàu tại các vùng biển chiến lược trong khu vực có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ ngẫu nhiên.