Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ngày 21.1 tuyên bố nước này sẽ không can thiệp vào tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về Scarborough, mặc dù Philippines xem bãi cạn này là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Ngày 20.1, chính quyền Bắc Kinh lên tiếng cáo buộc Mỹ “xâm phạm chủ quyền” khi cho tàu khu trục có trang bị tên lửa USS Hopper đi vào khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough, còn đe dọa sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ “chủ quyền”. Philippines luôn xem bãi cạn này là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng nơi đây đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012.
Về phía Mỹ, các quan chức Washington khẳng định sự xuất hiện của USS Hopper tuân thủ theo luật pháp quốc tế và là hành động “đi qua vô hại” (thuật ngữ chỉ một tàu chiến nhanh chóng đi qua vùng biển quốc tế mà không dừng lại).
Phát biểu về vấn đề này, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, cho biết: “Chúng tôi không muốn trở thành một phần trong chuyện tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ chỉ có thể quan tâm đến lợi ích riêng của họ”.
Cũng theo ông Roque, những vấn đề của Mỹ không còn là những vấn đề của Philippines nữa vì chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang theo đuổi chính sách độc lập hơn.
Với động thái Trung Quốc cáo buộc Mỹ “vi phạm chủ quyền”, ông Rouqe khẳng định tuyên bố chủ quyền của Philippines với Scarborough đã được công nhận trong hiến pháp nước này lẫn trong luật pháp quốc tế.
Sau khi mất quyền kiểm soát Scarborough vào tay Trung Quốc, Philippines đã nhiều lần lên tiếng phản đối và thậm chí đã kiện lên Tòa trọng tài lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Phán quyết đưa ra năm 2016 đã tuyên bố khu vực quanh Scarborough là khu vực đánh bắt thường xuyên của ngư dân Philippines, và Trung Quốc không thể ngăn cản quyền đánh bắt của họ tại đây. Các quan chức Philippines cho biết hiện ngư dân nước này đã được vào khu vực này đánh bắt.
Cẩm Bình (theo Philstar)