Để bảo đảm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, Bộ Công Thương cho biết đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 13.11 đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019.
Về giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An cho biết chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than và dầu, đã tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác... Trong khi đó, việc giá điện không được điều chỉnh đã gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện hiện nay và năm 2019.
Bên cạnh đó, theo ông An, dự báo hiện tượng El Nino vào năm 2019 gây hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thủy điện. Rủi ro đến từ việc không bảo đảm tiến độ vận hành các nhà máy điện tái tạo và các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của EVN vào giá thành sản xuất kinh doanh điện theo hợp đồng mua bán điện cũng là áp lực đối với EVN.
Do đó, để bảo đảm cho EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, Bộ Công Thương cho biết đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019.
Tính toán của EVN cho thấy trong năm 2017, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỉ đồng. Song tập đoàn này cũng đã đặt ra một loạt giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỉ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Theo phương án giảm gần 3.000 tỉ đồng trong chi phí sản xuất EVN đưa ra, vẫn còn một khoản 4.200 tỉ đồng biến động chi phí đầu vào đang đặt áp lực lên giá điện thời gian tới, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng luôn là một trong những yếu tố chủ chốt để cơ quan quản lý cũng như EVN đi đến quyết định tăng giá điện.
Tuyết Nhung