Ngô Minh Hiếu - người cõng bạn suốt 10 năm học tại Thanh Hóa cho biết dù em trượt ĐH Y với số điểm 0,25 điểm, nhưng nếu có được đặc các thì cũng từ chối.
Suốt gần 2 tháng qua, chuyện tình bạn đẹp giữa hai cậu học trò Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đã gây xúc động mạnh với người dân trên cả nước.
Thương người bạn cùng xóm bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc mới chào đời với hai chân bị liệt, một tay bên phải không thể cử động, Minh Hiếu đã ngày ngày tình nguyện cõng Tất Minh đến trường từ năm lớp 2.
Trong kỳ thi vừa rồi, Tất Minh chọn xét tuyển khối khối A với số điểm 28,1 (Toán 9,6; Lý 9,25 và Hóa 9,25), trúng truyển vào ngành Công nghệ thông tin, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Còn Minh Hiếu thi khối B với số điểm 28,15 (Toán 9,4; Hóa 9,75 và Sinh 9,0), thiếu 0,25 điểm nếu cộng cả 0,5 điểm ưu tiên KV2-NT để đậu nguyện vọng 1, Đại học Y Hà Nội.
Khi biết rất nhiều người đã đưa ra ý kiến nên đặc cách cho mình bởi những điều nhân văn làm trước đó, Ngô Minh Hiếu cho biết bản thân có ước mơ làm bác sĩ song đã trượt nguyện vọng đầu tiên là ĐH Y Hà Nội và dù có được đặc cách để theo học tại đây thì em cũng sẽ không đồng ý.
"Em không muốn vào trường bằng cơ hội đặc cách, em chỉ buồn vì phải xa Tất Minh vì bạn học trên Hà Nội, không biết có ai chăm sóc hay không. Em cũng không muốn mọi người ưu ái mình để phá vỡ đi truyền thống của nhà trường và nếu vào học, các bạn sẽ coi em là trường hợp đặc cách chứ không phải thi đỗ vào bằng năng lực thực sự của mình. Em sẽ theo học tại ĐH Y Thái Bình để thực hiện ước mơ của mình là trở thành bác sĩ giỏi", Hiếu nói.
Trong chiều tối ngày 6.10, mẹ của Ngô Minh Hiếu là chị Đinh Thị Thủy cho hay: "Bản thân Hiếu cũng rất buồn khi không đỗ trường ĐH Y mà con mơ ước, tuy nhiên con vẫn theo học tại ĐH Y Thái Bình và Hiếu bảo sẽ cố gắng hết sức để không phụ công lao của gia đình, thầy cô và tấm lòng của mọi người dành cho". Chị Thủy cũng cho biết Hiếu có chia sẻ rằng giờ có được đặc cách đi chăng nữa thì chính nhà trường sẽ gặp khó khăn bởi hàng trăm năm qua, dù thiếu 0,05 điểm nhưng những bạn học rất giỏi khác cũng không thể theo học tại trường ĐH Y danh tiếng.
"Thực sự, khi con nói sẽ học Đại học Y Thái Bình, tôi cũng cảm thấy tiếc nhưng nghe con giải thích, tôi cũng chảy nước mắt và cảm thấy vui, yên tâm hơn bởi con mình đã có suy nghĩ rất chín chắn, đúng đắn. Giờ có thể con chưa đạt được ước mơ như mong muốn nhưng chắc chắn những năm học ở Đại học Y Thái Bình, con sẽ lấy đó làm động lực để vươn lên. Tôi tin sau này con trai sẽ thành công, trở thành bác sĩ như mong muốn để giúp cho đời, xã hội", chị Thủy bày tỏ.
Trước đó, TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) chia sẻ: "Để trở thành một bác sĩ giỏi, một người thầy thuốc có tâm, cống hiến cho xã hội thì việc học tập, trau dồi kiến thức và y đức nghề nghiệp cần rèn luyện suốt đời. Do đó, rất mong Hiếu có ý chí, quyết tâm và nghị lực thì sẽ có thể học thêm tiếp sau đại học tại Trường ĐH Y Thái Bình hoặc ĐH Y Hà Nội và trở thành một bác sĩ giỏi để phục vụ người dân".
Với trường hợp Nguyễn Tất Minh, Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng thăm khám và hỗ trợ điều trị sức khỏe và hỗ trợ em về y tế trong thời gian học đại học.