Hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà máy này chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ Công Thương ngày 4.10 cho biếtđơn vị này đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát, đánh giá tác động đến môi trường của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường như khai thác và chế biến khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất, các doanh nghiệp có hoạt động xả thải ra sông, ven biển, nhà máy đặt tại khu vực nhạy cảm và nhận được nhiều sự quan tâm, phản ánh của dư luận xã hội về công tác bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ đã tập trung kiểm tra tại 29 doanh nghiệp có hoạt động xả nước thải ra biển hoặc cửa sông giáp biển, trong đó bao gồm các nhà máy nhiệt điện mà dư luận báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Bộ Công Thương cho biếttất cả các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)được Bộ Tài nguyên -Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Tuy nhiên vẫn tồn tại dự án có thay đổi hạng mục công trình bảo vệ môi trường so với Báo cáo ĐTMđã được phê duyệt, như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1- EVN. Vì thế, các dự án này chưa được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường.
Các nhà máy đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống xử lý SO2 (FGD) và hệ thống SCR (Selective Catalytic Reduction) để xử lý NOx đạt quy chuẩn Việt Namvề môi trường. Hiện chỉ có 2 nhà máy với công nghệ cũ nên không lắp đặt hệ thống xử lý SO2 (Phả Lại I và Ninh Bình).
Với đặc thù công nghệ của nhiệt điện đốt than, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp, các nhà máy phải đốt kèm dầu FO, HFO hoặc DO. Lúc này, hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ, khi đó người dân sẽ quan sát thấy hiện tượng khói đen tại miệng ống khói.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà máy chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23.9.2014về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Vướng mắc lớn nhất là nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuât nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24.4.2015 và thiếu các quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền.
Đối với nước thải của nhà máy nhiệt điện, theo Bộ Công Thương, chủ yếu chỉ có nước làm mát bình ngưng là thải ra môi trường, còn lại các loại nước thải xỉ, nước thải từ hoạt động sản xuất của các phân xưởng trong nhà máy được thu gom và tái sử dụng không xả thải ra môi trường.
Trong số các nhà máy nhiệt điện đốt than hiện nay chỉ có 2 nhà máy (Duyên Hải 1 – EVN và Vũng Áng – PVN) sử dụng nước làm mát để xử lý khí thải SOx trước khi thải ra môi trường. Nước làm mát bình ngưng chỉ được châm clo để diệt khuẩn với nồng độ dưới 1ppm trước khi đi vào hệ thống nên về bản chất, thành phần và tính chất của nước làm mát bình ngưng không thay đổi trước và sau khi làm mát, thải ra môi trường.
Trước những thực trạng còn tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện trên, Bộ Công Thương chỉ đạo đối với các dự án đang xây dựng, chưa đi vào vận hành, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên -Môi trường phê duyệt, các hạng mục công trình có sự thay đổi so với báo cáoĐTMban đầu thì chỉ được triển khai thực hiện khi đã có sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt ĐTM.
Đồng thời, Bộcũng yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết trong báo cáoĐTM; trong giai đoạn vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường cần thông báo rộng rãi đến chính quyền địa phương, cơ quan phê duyệt ĐTM về hoạt động vận hành thử nghiệm để chính quyền và người dân địa phương cùng giám sát.Sau quá trình vận hành thử nghiệm (thời gian 6 tháng) cần hoàn thiện hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường gửi cơ quan phê duyệt ĐTM xem xét, xác nhận.
Đối với các nhà máy đang hoạt động, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy tuân thủ đầy đủ cam kết về quan trắc và giám sát môi trường đã được phê duyệt.
Đối với các dự án đang trong giai đoạn thiết kế và trình phê duyệt, Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu tư vấn thiết kế phải tính toán và đưa ra các giải pháp công nghệ tiến tiến, gắn liền với hệ thống kiểm soát và xử lý chất thải.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31.8.2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương. Trong đó, sẽ tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác ĐTM đối với các dự án.
Tuyết Nhung