VUSTA vừa tổ chức hội thảo “Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”.
Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức hội thảo “Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”.
Theo ông Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch VUSTA, liên hiệp hội đã nghiêm túc triển khai, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tuân theo tinh thần trong Quyết định 362/QĐ-TTg.
Cụ thể, trước khi thực hiện Quyết định số 362, VUSTA có 113 cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống; nhưng đến nay, VUSTA có 69 cơ quan báo chí (gồm 1 báo, 68 tạp chí).
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Linh cũng cho rằng một số cơ quan báo chí vẫn gặp khó khăn trong quá trình sáp nhập và tái cơ cấu; bên cạnh đó là một số khó khăn trong việc thích nghi với mô hình hoạt động mới, nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt từ truyền thông xã hội và các nền tảng truyền thông số khác…
Theo ông Phạm Ngọc Linh, việc sơ kết, đánh giá công tác thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là rất cần thiết để làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền xây dựng dự thảo Quy hoạch báo chí, xuất bản đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bảo đảm thực chất, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển.
Tại hội thảo, TS Lê Công Lương - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban KH-CN và môi trường VUSTA cho biết việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo Quy hoạch 362/QĐ-TTg đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng báo chí. Ngoài những kết quả đạt được, việc quy hoạch lại báo chí cũng để lại một số vấn đề hạn chế, thách thức…
Liên quan đến vai trò của các tạp chí khoa học, TS Lương nhận thấy tạp chí khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ thông tin và thúc đẩy sự phát triển của KH-CN.
Theo TS Lương, đổi mới công tác quản lý các tạp chí khoa học là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và thúc đẩy KH-CN phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt nhằm đảm bảo tính minh bạch, uy tín và giá trị của các công trình nghiên cứu.
Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 có nêu rõ: “Đầu tư cho các cơ quan báo chỉ chủ lực gắn với yêu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến và có cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp cận công nghệ truyền thông tiên tiến”.
Ngoài ra, phải đầu tư nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt báo chí điện tử, thông tin mạng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, các chương trình, đề án, dự án đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tăng diện bao phủ thông tin chính thống, đúng định hướng; đồng thời ngăn chặn, hạn chế tác động của thông tin tiêu cực.
Ở hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất các bộ ngành liên quan tăng cường quan tâm, phối hợp cùng với VUSTA trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác phối hợp quản lý các tạp chí của những viện là đơn vị KH-CN trực thuộc VUSTA.