Các nhà nghiên cứu của NASA đã được phép nhận mẫu vật Mặt trăng của Trung Quốc trong sự hợp tác đầu tiên thuộc loại này giữa cơ quan vũ trụ hai nước.
Nhịp đập khoa học

NASA cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận mẫu Mặt trăng từ Trung Quốc, bỏ qua lệnh cấm của Mỹ

Sơn Vân 15:51 01/12/2023

Các nhà nghiên cứu của NASA đã được phép nhận mẫu vật Mặt trăng của Trung Quốc trong sự hợp tác đầu tiên thuộc loại này giữa cơ quan vũ trụ hai nước.

Luật pháp Mỹ đã giữ khoảng cách giữa NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) và đối tác của họ là Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), nhưng trong một diễn biến kỳ lạ, họ sẽ được phép làm việc cùng nhau, ít nhất là trong dịp này.

Trong một email nội bộ hôm 30.11, NASA cho biết đã “chứng nhận ý định của mình với Quốc hội Mỹ” cho phép các nhà nghiên cứu do cơ quan này tài trợ nộp đơn lên CNSA để được tiếp cận các mẫu Mặt trăng do sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc thu thập vào năm 2020.

Các đơn đăng ký thường là bất hợp pháp theo cái gọi là Tu chính án Wolf, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2011 và đặt theo tên của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa lúc đó là Frank Wolf, cấm NASA hợp tác với Trung Quốc trừ khi được các nhà làm luật cho phép.

Theo email của NASA gửi tới “các đồng nghiệp thân mến”, việc đăng ký quyền tiếp cận là cần thiết vì “giá trị duy nhất” của các mẫu Mặt trăng từ Trung Quốc, “gần đây đã được cung cấp cho cộng đồng khoa học quốc tế vì mục đích nghiên cứu”.

Email nêu rõ rằng việc bật đèn xanh cho đơn đăng ký là trường hợp ngoại lệ. “Quyền này áp dụng cụ thể cho các mẫu từ nhiệm vụ của Hằng Nga 5; lệnh cấm thông thường về hoạt động song phương giữa Trung Quốc trong các dự án do NASA tài trợ vẫn được áp dụng”.

Theo email, các mẫu đến từ một vùng Mặt trăng “chưa được NASA lấy mẫu” và dự kiến sẽ cung cấp những hiểu biết có giá trị về lịch sử địa chất của Mặt trăng, hệ thống Trái đất - Mặt trăng và có khả năng giúp NASA thực hiện các kế hoạch khám phá Mặt trăng trong tương lai.

NASA cho biết: “Việc đăng ký nhận mẫu sẽ đảm bảo rằng các nhà khoa học Mỹ có cơ hội nghiên cứu giống như đồng nghiệp trên khắp thế giới”.

James Head, nhà địa chất hành tinh tại Đại học Brown ở thành phố Providence (bang Rhode Island, Mỹ), cho biết trên phạm vi quốc tế đã có “sự nhiệt tình rất lớn” trong việc nghiên cứu các mẫu này. Ông dự đoán rằng “nhiều đồng nghiệp sẽ nộp đơn” khi NASA đã mở quyền tiếp cận.

Theo James Head, trong khi các nhà khoa học Trung Quốc đã giải quyết một loạt câu hỏi cơ bản bằng cách phân tích một số mẫu từ sứ mệnh Hằng Nga 5 của họ, việc các nhà khoa học nước ngoài tham gia có thể “mang lại nhiều sự quan tâm và quan điểm khác nhau để giải quyết những vấn đề quan trọng này”.

Chu kỳ nộp đơn mới nhất cho CNSA, kết thúc vào ngày 22.12, là lần đầu tiên chấp nhận các đề xuất nghiên cứu từ bên ngoài Trung Quốc. Người nộp đơn có thể đăng nhập vào hệ thống phát hành mẫu, kiểm tra các đặc tính của mẫu vật, chẳng hạn như trọng lượng và kích thước, đồng thời đặt giá thầu để nghiên cứu tối đa năm mẫu.

nasa-cho-phep-cac-nha-nghien-cuu-tiep-can-mau-mat-trang-tu-trung-quoc-bo-qua-lenh-cam-cua-my.jpg
Các nhà nghiên cứu NASA đã được phép nhận mẫu vật Mặt trăng từ sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc trong sự hợp tác đầu tiên thuộc loại này giữa cơ quan vũ trụ hai nước - Ảnh: Tân Hoa Xã

Từ Mặt trăng về Trung Quốc và bây giờ là thế giới

Tàu vũ trụ Hằng Nga 5 đã hạ cánh vào tháng 12.2020 gần Mons Rümker, một ngọn núi lửa ở khu vực phía tây bắc Mặt trăng. Trong sứ mệnh kéo dài 23 ngày, tàu đổ bộ đã thu thập được 1.731 gram đất Mặt trăng thông qua việc kết hợp giữa khoan và xúc.

Điều này đánh dấu sự thành công đầu tiên trong việc lấy mẫu từ Mặt trăng sau gần 5 thập kỷ kể từ khi chương trình Apollo của NASA kết thúc.

Trong khi một số mẫu do Trung Quốc được niêm phong và lưu giữ tại tỉnh Hồ Nam, số còn lại được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, gồm cả trưng bày công cộng và làm quà tặng ngoại giao. Nga và Pháp mỗi nước đã nhận được một số mẫu.

Quan trọng nhất là chúng đã sẵn sàng cho nghiên cứu khoa học. Kể từ năm 2021, CNSA đã tổ chức 6 đợt xét duyệt xin mẫu Mặt trăng từ sứ mệnh Hằng Nga 5, phân phát hơn 250 mẫu vật (nặng 77,68 gram) cho các viện và trường đại học Trung Quốc.

Đến nay, hơn 70 bài báo dựa trên phân tích các mẫu đã được xuất bản trên một số tạp chí học thuật hàng đầu thế giới.

Vào tháng 10.2021, hai đội ngũ nghiên cứu Trung Quốc đã báo cáo rằng tuổi của mẫu vật Hằng Nga 5 là khoảng 2 tỉ năm tuổi, trẻ hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

James Head cho biết: “Thật tuyệt vời khi có được hai kết quả thử nghiệm độc lập từ các phòng thí nghiệm của Trung Quốc, cả hai đều cho thấy tuổi 2 tỉ năm của dòng dung nham trẻ theo địa tầng”.

Ông cho biết kết quả có thể giúp các nhà khoa học hiệu chỉnh đầu trẻ hơn của một đường cong quan trọng, được sử dụng để xác định tuổi của tất cả hành tinh, về cơ bản bằng cách đếm số lượng miệng hố trên bề mặt của chúng.

Vào tháng 10, Học viện Du hành vũ trụ Quốc tế đã trao giải thưởng nhóm cao nhất cho đội đằng sau Hằng Nga 5 vì “những đóng góp xuất sắc của họ cho hoạt động thám hiểm Mặt trăng và không gian sâu của nhân loại” tại hội nghị thường niên ở Baku (thủ đô Azerbaijan).

Hằng Nga 6, sao Hỏa và hơn thế nữa

Không rõ liệu NASA có đưa ra thêm ngoại lệ nào cho các sứ mệnh thu thập mẫu theo kế hoạch của Trung Quốc hay không, gồm cả nỗ lực của Hằng Nga 6 vào năm tới để lấy mẫu từ phía xa Mặt trăng lần đầu tiên trong lịch sử loài người.

Theo James Head, giá trị khoa học của các mẫu Hằng Nga 6 có thể còn cao hơn. Ông nói: “Kiến thức của chúng ta về phía xa của Mặt trăng chỉ giới hạn ở dữ liệu viễn thám”.

“Các mẫu được trả về sẽ không chỉ cung cấp thông tin cơ bản về thời gian của lưu vực va chạm lớn nhất và cổ xưa nhất được biết đến trên Mặt trăng mà còn về thành phần vỏ của nửa còn lại Mặt trăng và thậm chí có thể cả vật chất phủ sâu hơn, nằm bên dưới lớp vỏ”, ông nói.

Ở một bài viết được tạp chí Nature Astronomy xuất bản vào tháng 7, James Head và các đồng nghiệp người Trung Quốc của ông đã xác định được ba địa điểm hạ cánh tiềm năng cho Hằng Nga 6 trong một miệng hố va chạm khổng lồ có tên là lưu vực Apollo.

Dù các địa điểm này có độ tuổi và lịch sử hình thành khác nhau, “tất cả chúng đều sẽ tạo ra những kết quả rất thú vị, có ý nghĩa quan trọng với sự hiểu biết của chúng ta về Mặt trăng”, James Head nói.

Các cơ quan của Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt để lấy mẫu từ sao Hỏa, có thể diễn ra vào khoảng năm 2030.

Tại cuộc họp ở Baku, một quan chức vũ trụ cấp cao Trung Quốc đã xác nhận kế hoạch của nước này là sẽ khởi động sứ mệnh mang mẫu vật từ sao Hỏa vào năm 2028. Trong khi đó, chương trình của NASA đang đối mặt với nhiều thách thức sau khi một cuộc đánh giá độc lập vào tháng 9 cho biết ngân sách và lịch trình của họ là “không thực tế”.

Theo đánh giá, có “xác suất gần như bằng 0” rằng hai yếu tố chính của chương trình, tàu đổ bộ lấy mẫu do NASA phát triển và tàu quay trở lại Trái đất do Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát triển, sẽ sẵn sàng phóng vào năm 2027 hoặc 2028.

“Hệ Mặt trời là một nơi rộng lớn và có đủ chỗ cho việc khám phá không gian quốc tế. Với tôi, có vẻ như chúng ta đã vượt qua những ngày 'cuộc đua Mặt trăng' Mỹ - Liên Xô và hy vọng bước vào một kỷ nguyên của nhiều cấp độ phối hợp, hợp tác và cộng tác khác nhau. Thông báo mới nhất rằng các nhà nghiên cứu do NASA tài trợ hiện có thể đăng ký để lấy mẫu Hằng Nga 5 của Trung Quốc là dấu hiệu rất hứa hẹn cho sự phối hợp và hợp tác khoa học bổ sung”, James Head nói.

Bài liên quan
Vì sao giới thiên văn muốn đặt thiết bị viễn vọng ở vùng tối Mặt trăng?
Trang Popular Science dẫn lời đội ngũ nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (LBNL) giải thích vì sao vùng tối của Mặt trăng là địa điểm hoàn hảo để quan sát vũ trụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NASA cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận mẫu Mặt trăng từ Trung Quốc, bỏ qua lệnh cấm của Mỹ