Reuters đã hỏi ChatGPT, chatbot AI lan truyền của OpenAI, cảm giác như thế nào trong ngày sinh nhật đầu tiên của mình. Đây là câu trả lời của ChatGPT: "Cảm ơn vì những lời chúc sinh nhật! Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng do là một chương trình máy tính, tôi không có cảm xúc hay ý thức nên không trải qua những cảm xúc như con người".
Tuy nhiên, những phản ứng giống con người một cách kỳ lạ của ChatGPT đã gây bão trên toàn thế giới trong năm qua. ChatGPT đã trả lời hàng triệu truy vấn từ người dùng và ảnh hưởng ngày càng tăng của chatbot này đã đặt ra câu hỏi về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong xã hội.
OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, cũng bị chấn động trong tháng này bởi cuộc chiến trong phòng họp sau khi chứng kiến sự ra đi và trở lại bất ngờ của Giám đốc điều hành Sam Altman.
ChatGPT đã trở thành ứng dụng phần mềm phát triển nhanh nhất thế giới trong vòng 6 tháng kể từ khi ra mắt. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi trình làng vào ngày 30.11.2022, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhưng sau đó khi bị Threads của Meta Platforms soán ngôi.
ChatGPT cũng châm ngòi cho sự ra đời các chatbot đối thủ từ Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google) và hàng loạt công ty khởi nghiệp khai thác sự thổi phồng về AI để đảm bảo có nguồn tài trợ hàng tỉ USD.
Cơn sốt generative AI (AI tạo sinh) đã làm biến đổi một số ngành công nghiệp, từ điện toán đám mây, dịch vụ khách hàng đến biên tập phim và viết kịch bản.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
ChatGPT chiếm ưu thế bất chấp sự trỗi dậy của đối thủ
Các đối thủ cạnh tranh của ChatGPT gồm Google Bard, Claude của Anthropic, Character.AI và Copilot của Microsoft đã chứng kiến lượng người dùng tăng đột biến. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trên thị trường chatbot AI.
Sáu tháng sau khi ra mắt trang web ChatGPT, OpenAI đã giới thiệu ứng dụng chatbot này trên iOS vào tháng 5 và sau đó là trên Android hồi tháng 7.
Theo công ty phân tích dữ liệu Apptopia, số lượt tải xuống ứng dụng ChatGPT trên iOS và Android đã tăng đều đặn trên cả hai nền tảng, trong đó OpenAI đã có doanh thu từ việc mua hàng trong ứng dụng.
Hãng chiến thắng lớn nhất trong sự bùng nổ AI
Nvidia đã trở thành công ty chip đầu tiên và duy nhất gia nhập câu lạc bộ vốn hóa thị trường 1.000 tỉ USD, được nhiều người coi là hãng chiến thắng lớn nhất trong sự bùng nổ AI do vị thế là nhà cung cấp chính các chip được sử dụng để cung cấp sức mạnh cho ChatGPT cùng các ứng dụng generative AI khác.
Với việc các ứng dụng này chủ yếu chạy trên đám mây, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, gồm cả Microsoft, Amazon và Alphabet, cũng chứng kiến cổ phiếu của họ tăng vọt.
Các hãng công nghệ lớn đổ hàng tỉ USD vào AI
Sự ra mắt của ChatGPT đã thu hút sự đầu tư lớn từ những hãng công nghệ lớn (Big Tech) hàng đầu.
Microsoft và Alphabet đã đầu tư hàng tỉ USD để cải thiện khả năng điện toán đám mây của họ, đảm nhận nhiều công việc AI hơn khi các doanh nghiệp áp dụng các công cụ như vậy.
Đầu tháng 11, Google đã đàm phán để đầu tư hàng trăm triệu USD vào Character.AI khi công ty khởi nghiệp chatbot AI phát triển nhanh này đang tìm kiếm vốn để đào tạo các mô hình và theo kịp nhu cầu của người dùng, theo hai nguồn tin nói với Reuters.
Theo nguồn tin thứ ba của Reuters, khoản đầu tư này có thể được cấu trúc dưới dạng trái phiếu chuyển đổi, sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác mà Character.AI đã có với Google. Trong đó, Character.AI sử dụng các dịch vụ đám mây và bộ xử lý Tensor (TPU) của Google để đào tạo các mô hình AI.
Được thành lập bởi cựu nhân viên Google là Noam Shazeer và Daniel De Freitas, Character.AI cho phép mọi người trò chuyện với phiên bản ảo của những người nổi tiếng như Elon Musk hoặc các nhân vật anime, đồng thời tạo chatbot và trợ lý AI của riêng họ. Người dùng được sử dụng miễn phí nhưng Character.AI cung cấp mô hình đăng ký tính phí 9,99 USD một tháng cho những ai muốn bỏ qua đường dây ảo để truy cập chatbot.
Theo dữ liệu từ trang SimilarWeb, các chatbot của Character.AI, với nhiều vai trò và thể loại khác nhau để lựa chọn, đã thu hút người dùng từ 18 đến 24 tuổi, vốn đóng góp khoảng 60% lưu lượng truy cập trang web của họ. Nhân khẩu học đang giúp công ty định vị mình là nhà cung cấp những người bạn đồng hành AI cá nhân thú vị hơn so với chatbot AI khác như ChatGPT của OpenAI và Bard của Google.
Character.AI trước đây cho biết trang web của họ đã thu hút 100 triệu lượt truy cập hàng tháng trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt.
Các nguồn tin cho biết Character.AI cũng đang đàm phán để huy động vốn cổ phần từ những nhà đầu tư mạo hiểm, có thể định giá công ty ở mức hơn 5 tỉ USD. Vào tháng 3, Character.AI đã huy động được 150 triệu USD trong một vòng cấp vốn do hãng Andreessen Horowitz dẫn đầu, với mức định giá 1 tỉ USD.
Cuộc đàm phán giữa Character.AI với Google đang diễn ra và các điều khoản của thỏa thuận có thể thay đổi, nguồn tin giấu tên cho biết.
Google đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI, gồm cả 2 tỉ USD cho nhà sản xuất mô hình AI Anthropic dưới dạng trái phiếu chuyển đổi, cùng khoản đầu tư vốn cổ phần trước đó. Anthropic sử dụng các dịch vụ đám mây của Google cũng như phiên bản TPU mới nhất.
Đó là một phần của xu hướng gần đây, trong đó các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công nghệ lớn đang ký hợp đồng với những công ty AI để lôi kéo họ sử dụng đám mây hoặc phần cứng nhất định trong cuộc đua sử dụng nhiều máy tính để xây dựng mô hình và phục vụ người tiêu dùng, gồm cả các khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI hay Google và Amazon đặt cược vào Anthropic.
Anthropic đã thể hiện nỗ lực đảm bảo các nguồn lực cùng những người ủng hộ giàu có cần thiết để cạnh tranh với OpenAI và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Được thành lập vào năm 2021 bởi cựu lãnh đạo OpenAI cùng anh em Dario và Daniela Amodei, Anthropic đã đón nhận sự tài trợ từ nhiều hãng lớn trong ngành như Google, Amazon, Salesforce và Zoom. Hồi tháng 7, Anthropic ra mắt chatbot mới mang tên Claude 2, có khả năng tóm tắt khoảng 75.000 từ, bằng độ dài của một cuốn sách. Người dùng có thể nhập các bộ dữ liệu đầu vào lớn và yêu cầu Claude 2 tóm tắt dưới dạng bản ghi nhớ, thư hoặc câu chuyện.
Vào tháng 5, Anthropic là một trong bốn công ty nhận được lời mời đến Nhà Trắng để thảo luận về phát triển AI có trách nhiệm với Phó Tổng thống Kamala Harris. Cuộc họp còn có sự góp mặt của 3 công ty khác là Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và OpenAI.
Hồi tháng 1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho “cha đẻ” ChatGPT.
Thỏa thuận này sẽ chứng kiến Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.
Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty.
Tranh chấp
OpenAI và Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI) đã phải hứng chịu một số vụ kiện do các nhóm chủ sở hữu bản quyền đưa ra, trong đó có tác giả John Grisham, George R.R. Martin và Jonathan Franzen, về việc sử dụng không đúng mục đích tác phẩm của họ để đào tạo các hệ thống AI. Hai công ty này đã phủ nhận các cáo buộc.