Khả năng Mỹ cấm TikTok hoàn toàn tăng lên trong 6 tháng qua.

Nếu Mỹ học theo Ấn Độ cấm TikTok, ứng dụng nào hưởng lợi nhiều nhất?

Sơn Vân | 08/01/2023, 16:56

Khả năng Mỹ cấm TikTok hoàn toàn tăng lên trong 6 tháng qua.

Mark Mahaney, nhà phân tích internet của công ty tư vấn Evercore ISI, nói với trang Insider rằng dù TikTok không có “hơn 50% khả năng bị cấm” ở Mỹ, nhưng tỷ lệ phần trăm này đã tăng lên trong 6 tháng qua khi sự giám sát ngày càng sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa ứng dụng chia sẻ video ngắn này với ByteDance, chủ sở hữu có trụ sở tại Trung Quốc. Các cơ quan quản lý ở Mỹ có thể chỉ ra điều quan trọng trước thực hiện hành động kịch tính đó.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Economic Times (Ấn Độ), Brendan Carr, Ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FFC), đã mô tả lệnh cấm của Ấn Độ với TikTok là “tiền lệ cực kỳ quan trọng và là ngôi sao dẫn đường cho các quốc gia khác".

Tại sao Ấn Độ cấm TikTok và ứng dụng nào hưởng lợi?

Cuối tháng 6.2020, sau một cuộc tranh chấp địa chính trị với Trung Quốc ở biên giới khiến 20 binh sĩ của mình thiệt mạng, Ấn Độ đã cấm hoàn toàn TikTok, viện dẫn luật cho phép chính phủ chặn các trang web, ứng dụng vì lợi ích “chủ quyền và sự toàn vẹn” của đất nước.

Mark Shmulik, nhà phân tích của công ty Bernstein, nói rằng khi áp lực chính trị gia tăng buộc Mỹ phải làm theo, thì hành động của Ấn Độ là “sự đại diện hữu ích” vì đây là thị trường khổng lồ tương tự như Mỹ đã cấm “ứng dụng nổi tiếng hàng đầu”.

Các nhà phân tích nhận định: “Những gì chúng ta học được từ tình hình ở Ấn Độ là việc cấm TikTok có thể sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các đối thủ như Instagram, YouTube và Snapchat, nhưng cũng sẽ làm phức tạp hoạt động kinh doanh quốc tế”.

neu-my-hoc-theo-an-do-cam-tiktok-ung-dung-nao-huong-loi-nhieu-nhat.jpg
Instagram, YouTube và Snapchat hưởng lợi khi Ấn Độ cấm TikTok

Điều gì đã xảy ra khi Ấn Độ cấm TikTok?

Vào mùa hè năm 2020, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, gồm cả TikTok, WeChat, Weibo và QQ (dịch vụ nhắn tin tức thì thuộc sở hữu của gã khổng lồ internet Tencent). Thời điểm đó, TikTok có gần 200 triệu người dùng ở Ấn Độ và coi quốc gia này là thị trường lớn nhất bên ngoài Mỹ.

Các nhà phân tích tại Bernstein đã lưu ý cho khách hàng rằng lệnh cấm TikTok không làm chậm việc áp dụng nội dung video dạng ngắn trên mạng xã hội và mang lại nhiều thị phần hơn cho các đối thủ cạnh tranh như Snapchat, Instagram Reels, YouTube Shorts. Việc này cũng nhường chỗ cho sự trỗi dậy của một số ứng dụng do người Ấn Độ tự sản xuất.

Instagram là ứng dụng hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm. Vì Ấn Độ là thị trường chính cho những người chơi internet lớn với nhiều tiềm năng kiếm tiền, nên Meta và Google đã tận dụng khoảng trống mà TikTok để lại”, các nhà phân tích của Bernstein viết.

Vào thời điểm ban hành lệnh cấm TikTok, các chuyên gia kinh doanh nói với trang Insider rằng động thái này ảnh hưởng đến nhân viên Ấn Độ làm việc cho các ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance dưới tư cách kỹ sư, đại lý dịch vụ khách hàng, giám sát viên và nhân viên bán hàng.

Các chuyên gia này cũng cho rằng quyết định của Ấn Độ áp đặt lệnh cấm sâu rộng như vậy với nhiều ứng dụng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp ở một quốc gia khác, có thể khiến đầu tư quốc tế vào lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng của đất nước bị hạn chế.

Họ nói chính phủ Ấn Độ đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong việc loại bỏ quyền truy cập vào các ứng dụng mà không cần nhiều biện pháp.

Amit Jangir, đồng sáng lập Karbon Card, công ty khởi nghiệp fintech (công nghệ tài chính) có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), nói với trang Insider vào năm 2020: “Quyết định cấm được đưa ra quá nhanh mà không xem xét tác động mà nó sẽ gây ra. Tôi e rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài bây giờ sẽ miễn cưỡng hoặc do dự vì những thay đổi chính sách có thể rất quyết liệt”.

Dù tình hình sẽ không hoàn toàn giống như vậy, Mỹ có thể phải đối mặt với những câu hỏi này nếu quyết định cấm TikTok hoàn toàn.

Mỹ sẽ cấm TikTok?

TikTok hiện có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ. Vào tháng 9.2021, TikTok cho biết có 1 tỉ người dùng đang hoạt động trên toàn cầu và tăng nhanh kể từ đó.

Các bang trên khắp nước Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính quyền bang và chính phủ liên bang gần đây cấm ứng dụng này trên tất cả thiết bị thuộc sở hữu của liên bang, với lý do lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập thông tin nhạy cảm thông qua ứng dụng. Một số nhà phân tích Phố Wall cho rằng các tập đoàn sẽ cấm TikTok trên các thiết bị do công ty sở hữu, nếu họ chưa làm như vậy.

Brendan Carr và những người khác kêu gọi Mỹ cấm hoàn toàn TikTok đã gợi ý rằng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề an ninh quốc gia do ứng dụng này nêu ra là thông qua lệnh cấm toàn diện.

Đáng chú ý, Brendan Carr là thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại FCC, vì vậy quan điểm của ông không nhất thiết phản ánh quan điểm từ Tổng thống Joe Biden hoặc chính quyền Mỹ.

Một số nhà phân tích đã lập luận rằng vì TikTok cực kỳ phổ biến với các cử tri trẻ tuổi, có xu hướng nghiêng về đảng Dân chủ, nên chính quyền Biden có thể sẽ không muốn mạo hiểm đánh mất họ bằng cách theo đuổi lệnh cấm.

Thế nhưng, các nhà phân tích cũng tin rằng tình hình có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào tình trạng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.

Ở một mức độ nào đó, nó rất liên quan đến quan hệ chính phủ Mỹ - Trung. Vì vậy, nếu mối quan hệ tiếp tục xấu đi thì có thể làm tăng khả năng xảy ra một số lệnh cấm TikTok”, nhà phân tích Mark Mahaney nhận định.

ByteDance đang trải qua một năm đầy thử thách khi TikTok phải đối mặt với những trở ngại chính trị ở Mỹ và môi trường pháp lý khó lường tại Trung Quốc. TikTok đã bị cấm trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang Mỹ, trong khi ít nhất 19 bang đã chặn ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này khỏi các thiết bị do bang quản lý.

Tháng trước, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng Nhà Trắng đang xem xét buộc ByteDance bán đơn vị của TikTok tại Mỹ.

Theo Wall Street Journal, các quan chức an ninh thuộc Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đang xem xét một kế hoạch như vậy. CFIUS là cơ quan xem xét các thương vụ mua lại các công ty của Mỹ bởi các công ty nước ngoài vì những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia.

Một đại diện của TikTok nói rằng công ty đã hợp tác với chính phủ Mỹ “trong hơn 2 năm để giải quyết tất cả mối lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia với TikTok ở Mỹ”.

“Chúng tôi tin rằng những lo ngại đó có thể được giải quyết hoàn toàn và CFIUS đang xem xét một giải pháp toàn diện nhằm giải quyết các mối quan tâm chính về quản trị doanh nghiệp, đề xuất và kiểm duyệt nội dung cũng như bảo mật và truy cập dữ liệu", Brooke Oberwetter, đại diện của TikTok, cho biết.

“Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc triển khai giải pháp đó trong năm qua và mong muốn hoàn thành công việc để giải quyết những lo ngại này”, Brooke Oberwetter nói thêm.

Bất chấp điều đó, một số quan chức Mỹ tin rằng những lo ngại về bảo mật dữ liệu và khả năng tuyên truyền nhắm vào người dùng ứng dụng chia sẻ video ngắn ở Mỹ sẽ được giải quyết tốt hơn bằng cách bán đơn vị TikTok tại Mỹ, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với các cuộc đàm phán.

Cuối năm 2022, ByteDance phát hiện một số nhân viên có quyền truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ theo cách không phù hợp, làm phức tạp thêm nỗ lực vốn khó khăn của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nhằm thuyết phục các nhà làm luật Mỹ rằng ứng dụng này an toàn.

Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, nói với các nhân viên trong một bản ghi nhớ mà trang Bloomberg có được: “Các cá nhân liên quan đã lạm dụng quyền hạn của họ để có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok”.

Việc truy cập vào dữ liệu này bắt nguồn từ một cuộc điều tra nội bộ của ByteDance được tiến hành vào mùa hè nhằm khám phá nguồn làm rò rỉ thông tin với báo chí từ nhân viên.

Chịu trách nhiệm về cuộc điều tra, các thành viên trong nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance đã truy cập dữ liệu cá nhân từ tài khoản một số nhà báo, gồm cả địa chỉ IP, để cố gắng xác định xem họ có tương tác với nhân viên TikTok hay không, theo một email được gửi bởi Erich Andersen - Tổng cố vấn của TikTok.

Các nhân viên này bị phát hiện theo dõi nhà báo Financial Times và Buzzfeed, đồng thời truy cập dữ liệu cá nhân và địa chỉ IP của họ.

Công ty đã mở một cuộc điều tra riêng sau khi trang Forbes đưa tin các nhân viên ByteDance lên kế hoạch sử dụng TikTok để theo dõi vị trí thực của một số người dùng Mỹ. Do công ty luật bên ngoài tiến hành, cuộc điều tra thứ hai đó đã phát hiện ra việc truy cập không phù hợp vào dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok, theo email từ Erich Andersen mà Bloomberg thấy được.

Theo The New York Times, một người trong nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance đã từ chức và ba người khác bị sa thải. Nhóm kiểm toán cũng được cơ cấu lại nhằm nỗ lực tránh những vi phạm tương tự trong tương lai.

“Tôi muốn nói thêm rằng hành vi sai trái này hoàn toàn không đại diện cho những gì tôi biết về nguyên tắc của công ty chúng ta. Tôi thất vọng khi biết rằng bất kỳ ai, thậm chí chỉ một nhóm nhỏ, coi hành vi đó là có thể chấp nhận được”, Shou Zi Chew cho biết trong ghi chú của mình.

Bài liên quan
TikTok phải nhượng bộ những gì để có thể tồn tại ở Mỹ?
TikTok đang đề nghị được điều hành nhiều hoạt động kinh doanh hơn khi cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ cho phép công ty tiếp tục thuộc quyền sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), theo những người quen thuộc với vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu Mỹ học theo Ấn Độ cấm TikTok, ứng dụng nào hưởng lợi nhiều nhất?