Khi CES lần đầu tiên hoạt động trở lại kể từ khi đại dịch bắt đầu, số lượng công ty Trung Quốc trưng bày sản phẩm tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới ở thành phố Las Vegas (Mỹ) vẫn chưa bằng một nửa so với 3 năm trước.
CES là triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên vào dịp đầu năm tại thành phố Las Vegas (Mỹ). Các nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới sẽ trình làng các xu hướng mới, định hình toàn bộ bức tranh của lĩnh vực công nghệ trong năm đó và có thể trong các năm tiếp theo.
Sự kiện kéo dài 4 ngày và kết thúc vào ngày 8.1, có 493 công ty Trung Quốc tham gia năm nay, theo trang web CES.
Năm 2020, ngay trước khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán, số công ty Trung Quốc tại CES đã lên tới 1.000, Thời báo Hoàn cầu đưa tin vào thời điểm đó.
Nhìn chung, nhiều công ty đã xuất hiện tại CES 2023 hơn so với năm 2022. CES 2022 đã được đổi thành sự kiện kết hợp giữa ngoại tuyến và trực tuyến do số ca nhiễm nCoV tăng đột biến. Năm 2021, CES được tổ chức hoàn toàn trực tuyến và có 210 công ty Trung Quốc tham gia.
Rất nhiều điều đã thay đổi với các công ty Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mỹ đã tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt dưới thời Tổng thống Joe Biden và chính sách nghiêm ngặt Zero COVID của Bắc Kinh đã ngăn cản hầu hết người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.
Do đó, các công ty Trung Quốc góp mặt tại CES 2023 đều đã có hoạt động lớn ở Mỹ hoặc doanh thu đáng kể trên thị trường này. Nhà sản xuất máy tính cá nhân Lenovo, thương hiệu tivi Hisense và TCL có lẽ là những thương hiệu Trung Quốc nổi tiếng nhất tại triển lãm.
Skyworth, công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) được niêm yết tại Hồng Kông, được biết đến với các tivi giá cả phải chăng, cũng tham gia CES năm nay.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc làm việc trong các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn đã vắng bóng tại CES 2023. Những hãng này vắng mặt trong vài năm qua do các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ và chính sách Zero COVID của Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc tại CES 2023 đang trưng bày một loạt sản phẩm không gây tranh cãi, cũng phản ánh sức mạnh chuỗi cung ứng của đất nước.
Sản xuất lithium mạnh mẽ của Trung Quốc đã được thể hiện đầy đủ, với nhiều công ty trưng bày các trạm phát điện di động và các sản phẩm liên quan đến pin khác. Trung Quốc từ lâu đã thống trị chuỗi cung ứng pin lithium-ion, mà theo ước tính từ trang Bloomberg, nước này chiếm khoảng 80% nguyên liệu thô vào năm 2020.
Bluetti (có trụ sở tại Thâm Quyến) đã được vinh danh ở giải thưởng Đổi mới sáng tạo CES (CES Innovation Awards) cho hệ thống kết nối nhiều nhà máy điện để cung cấp công suất lên tới 18.432 watt giờ.
Ugreen (công ty khác đến từ Thâm Quyến khởi đầu với các phụ kiện di động giá rẻ) đã giới thiệu các trạm nguồn mới, cạnh tranh với Anker (công ty có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên sản xuất các phụ kiện nguồn và chủ yếu nhắm vào thị trường nước ngoài).
Ugreen cũng có các tấm pin mặt trời di động 100 watt và 200 watt mới, minh họa cho xu hướng khác trong các hãng công nghệ Trung Quốc đang tận dụng sự thống trị của đất nước về sản xuất pin mặt trời, theo một số ước tính vượt quá 80% thị trường toàn cầu.
Không trưng bày sản phẩm tại CES 2023, gã khổng lồ smartphone Xiaomi từng giới thiệu tấm pin mặt trời Mijia 100W vào tháng 9.2022 với giá 1.099 nhân dân tệ (160 USD).
Xu hướng dễ nhận thấy là một số công ty Trung Quốc đã bỏ qua CES 2023. Một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đã chọn ngồi ngoài hoặc hoàn toàn không thể tham dự.
DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái tiêu dùng lớn nhất thế giới của Trung Quốc, không có mặt ở CES 2023 vì bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể), hạn chế các giao dịch kinh doanh ở Mỹ.
Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại nên vắng mặt tại CES vài năm qua.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đã khiến nhiều thương hiệu nước ngoài lo ngại về sự giám sát chính trị đi kèm với việc sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vị trí quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu khiến một số công ty gần như không thể rời khỏi nước này.
Nanoleaf, nhà sản xuất đèn thông minh Canada phản hồi với những thứ như âm thanh và các yếu tố môi trường khác, một xu hướng khác tại CES 2023.
Theo Gimmy Chu - người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Nanoleaf, công ty đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất sang Philippines để tránh thuế quan được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cho biết thuế quan với các sản phẩm chiếu sáng nhập khẩu từ Trung Quốc có thời điểm lên tới 28%, ăn hết phần lớn lợi nhuận của Nanoleaf.
Gimmy Chu nói thêm rằng những rủi ro đó đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất phần cứng điện tử tìm cơ sở sản xuất ở các quốc gia khác như một kế hoạch dự phòng. “Song có những nhược điểm vì Trung Quốc vẫn sở hữu nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất. Họ làm tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn”, Gimmy Chu nói.
Đó là lý do tại sao Nanoleaf vẫn dựa vào cơ sở của mình ở Thâm Quyến để sản xuất các sản phẩm đến các thị trường khác ngoài Bắc Mỹ.
Theo Gimmy Chu, cũng có một số sản phẩm, chẳng hạn bóng đèn, không thể sản xuất ở nơi khác do cơ sở nhân tài và máy móc của Trung Quốc.
Ông nói: “Vì chuỗi cung ứng đã phát triển ở Trung Quốc nên để có thể tái tạo chuỗi cung ứng bên ngoài nước này sẽ mất nhiều thời gian hơn và phức tạp hơn”.
Vòng đeo đầu thông minh FRENZ của doanh nghiệp Việt Nam thắng giải thưởng Đổi mới sáng tạo ở CES 2023
Vòng đeo đầu thông minh FRENZ (hiện có giá khoảng 6 triệu đồng) giành giải thưởng Đổi mới sáng tạo ở CES 2023 cho hạng mục thiết bị công nghệ đeo thông minh (Wearable). Qua đó, hãng công nghệ Earable Neuroscience trở thành đại diện Việt Nam duy nhất chiến thắng hạng mục giải thưởng này.
Trong khuôn khổ sự kiện ở Las Vegas, CES Innovation Awards là giải thưởng thường niên được trao cho những sản phẩm, dịch vụ công nghệ xuất sắc và mang tính đột phá do hội đồng chuyên gia toàn cầu của Hiệp hội Người tiêu dùng Công nghệ Mỹ (CTA) bình chọn. Đây cũng là giải thưởng uy tín và khắt khe trong lĩnh vực công nghệ điện tử - tiêu dùng. Một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới từng đạt được giải thưởng những năm gần đây có Samsung, LG, Sony, SK, Bosch…
Là vòng đeo đầu thông minh đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ âm thanh truyền qua xương, FRENZ nổi trội với ba chức năng quan trọng: Mang đến cho người dùng giấc ngủ sâu, sự tập trung sâu và thư giãn sâu thông qua sóng não của người dùng trong thời gian thực.
Một thư viện âm thanh khổng lồ được tích hợp qua ứng dụng FRENZ để cung cấp đến não dựa trên trạng thái của não bộ theo thời gian thực. Sản phẩm mang tới công nghệ giấc ngủ vượt trội khi trở thành thiết bị đeo đầu tiên trên thế giới có thể theo dõi và kích thích các hoạt động của não để mang đến giấc ngủ sâu, sự tập trung cao và trạng thái thư giãn chất lượng.
Ngoài tính đột phá về công nghệ, FRENZ có thiết kế tối giản nhưng không kém phần tinh tế và sự thoải mái từ chất liệu giúp sản phẩm này phù hợp để sử dụng trong thời gian dài đến 10 tiếng. Người dùng có thể sử dụng FRENZ vào mọi hoàn cảnh khi ngủ, học tập và làm việc, giải trí, thiền…
Chia sẻ về FRENZ, Nelson Dellis (cựu VĐV trí nhớ người Mỹ, 5 lần nắm giữ vị trí vô địch thế giới về trí nhớ) cho biết: “Với một huấn luyện viên và chuyên gia cải thiện trí nhớ, việc sở hữu một công cụ như FRENZ để tăng cường rèn luyện nhận thức, cải thiện chất lượng giấc ngủ là yếu tố thay đổi cuộc chơi”.
Ông Tâm Vũ, Giáo sư tại Đại học Colorado (Mỹ), nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Earable Neuroscience, nói: “Mỗi năm 900 triệu thiết bị đeo tiêu dùng được bán ra trên toàn thế giới. Với 60% dân số thế giới mắc các vấn đề liên quan tới giấc ngủ, thế giới đang trải qua một vấn đề nhức nhối về giấc ngủ của con người. Do đó, các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ nổi lên như một ngành phát triển mạnh và nhanh chóng. Vào năm 2021, thị trường hỗ trợ giấc ngủ toàn cầu được định giá 64,08 tỉ USD, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc là 7,1% dự kiến vào năm 2030.
FRENZ ra đời có thể cải thiện giấc ngủ trên toàn thế giới và giải phóng tiềm năng thực sự của con người. Earable Neuroscience mong muốn trở thành công ty khoa học thần kinh công nghệ chuyên sâu giúp cải thiện đáng kể trạng thái tinh thần của con người trên thế giới ở quy mô lớn và khả năng ứng dụng cao”.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiên phong như Earable Neuroscience sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới, khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo thế giới”.
Founders Fund, công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới với tổng số vốn quản lý hơn 11 tỉ USD, đã phá vỡ thông lệ bằng cách trở thành nhà đầu tư lớn nhất cho Earable Neuroscience.
Keith Rabois, đồng sáng lập Founders Fund, nói: "Chúng tôi thích những công ty thực sự vượt trội, có tiềm năng thay đổi thế giới. Earable Neuroscience thể hiện được tinh thần này. Chúng tôi tự hào là nhà đầu tư hàng đầu của Earable Neuroscience ngay từ giai đoạn đầu và kỳ vọng được thấy sản phẩm tiếp tục là một cơn sốt trong ngành công nghệ mới nổi về thiết bị đeo dành cho giấc ngủ”.