Điện Kremlin chính thức bác thông tin cựu điệp viên phản quốc Sergei Skripal đã viết thư xin Tổng thống Nga Vladimir Putin tha tội cho ông ta, và xin được về nước thăm gia đình.

Nga bác tin cựu điệp viên phản quốc xin ông Putin tha tội

Trần Trí | 25/03/2018, 14:02

Điện Kremlin chính thức bác thông tin cựu điệp viên phản quốc Sergei Skripal đã viết thư xin Tổng thống Nga Vladimir Putin tha tội cho ông ta, và xin được về nước thăm gia đình.

Ông Skripal từng là đại tá tình báo quân đội Nga (GRU) bị lộ hoạt động tình báo hai mang cho Anh và bị Nga bắt năm 2004, kết án 13 năm tù năm 2006. Ông Skripal khai nhận tình báo Anh MI6 đã tuyển ông hồi năm 1995, từ đó ông cung cấp thông tin về các điệp viên GRU ở châu Âu, đổi lại là nhận 100.000 USD tiền công "chỉ điểm".

Tháng 7.2010, trong cuộc trao đổi điệp viên bị Mỹ - Nga bắt (tiếp sau vụ phát hiện nhiều điệp viên “ngủ yên” ở Mỹ), ông Skripal được Tổng thống Nga ân xá, được trả tự do và được qua Anh định cư.

Kẻ phản Nga bị bạn học xa lánh, ghê tởm

Ngày 4.3, ông Skripal và con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok tại thành phố Salisbury (Anh). Cả hai cha con đang được điều trị tại một bệnh viện cùng thành phố, nhưng trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 24.3, người bạn học Vladimir Timoshkov của ông Skripal cho biết ông không nhận là kẻ phản Nga, “vì ông ấy đã thề trung thành với Liên Xô. Nhiều người né tránh ông ta. Bạn cùng lớp cảm nhận ông ấy phản bội tổ quốc. Năm 2012, ông ấy gọi điện thoại cho tôi, nói chuyện khoảng 30 phút. Ông ấy phủ nhận là kẻ phản bội, bày tỏ sự hối hận vì đã làm điệp viên hai mang và cho tôi biết ông ấy đã viết thư đến ông Vladimir Putin để xin được tha thứ hoàn toàn, và xin được phép trở về Nga để gặp lạimẹ, anh em và những người thân khác”.

Nhưng Điện Kremlin tuyên bố không hề nhận được bức thư nào của ông Skripal. Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko hôm 25.3 cũng gởi lời chúc cha con Skripal chóng bình phục.

Nga tuyên bố chính Anh sản xuất chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok

Sứ quán Nga tại London vẫn bác bỏ kết luận của Anh, nhắc lại nhận định rằng chính phòng thí nghiệm quốc phòng Porton Down (Anh) sản xuất chất độc thần kinh cấp quân dụngNovichok.

Phòng thí nghiệm này cách thành phố Salisbury 10 dặm, là nơi thực hiện các thí nghiệm để xác minh thành phần Novichok. Giám đốc Gary Aitkenhead nói phòng thí nghiệm Porton Down được kiểm soát an ninh chặt chẽ, không có chuyện lọt bất kỳ thứ gì ra khỏi nơi này.

Người phát ngôn Sứ quán Nga nói bình luận của ôngAitkenhead “chính là sự thừa nhận cơ sở bí mật này nghiên cứu và phát triển các thành phần của chất độc cấp quân dụng”.

Theo báo Guardian, Nga đang tăng cường chiến dịch phản bác kết luận của Thủ tướng Anh Theresa May: “Rất có khả năng Nga chịu trách nhiệm vụ đầu độc” cha con Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok. Bà còn cảnh báo vụ đầu độc là một thách thức đối với các giá trị chung của châu Âu.

Vụ đầu độc đã đẩy Nga - Anh vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao, và có thể các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ dồn sự ủng hộ cho kết luận của bà May. EU đã triệu tập Đại sứ EU tại Nga Markus Ederer để tham vấn, sau khi tuyên bố "rất có khả năng Nga đứng sau vụ tấn công này".

Nga cực lực bác bỏ các cáo buộc, Tổng thống Putin đã tuyên bố những cáo buộc Nga đầu độc là “rác rưởi và có chủ ý”. Ông nhấn mạnh Moscow đã tiêu hủy hết vũ khí hóa học, không còn sở hữu Novichok. Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov nói: “Từ quan điểm pháp lý, Nhà nước Nga không chống lại ông Skripal".

Ngày 24.3, báo Washington Times đưa tin: Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ(NSC) kết luận Tổng thống Mỹ Donald Trump nên trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ, để phản ứng vụ Nga đầu độc cha con Skripal.

Có thể qua ngày 26.3, Nhà Trắng sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này và cùng ngày này, có thể ít nhất 10 quốc gia thành viên EU cũng sẽ có những biện pháp tương tự.

Vụ đầu độc cha con Skripal đã khiến Thủ tướng May tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga như là biện pháp trả đũa. Ngày 20.3, nhóm nhà ngoại giao này đã rời London về Moscow. Đây được xem là vụ trục xuất lớn nhất của Anh nhằm vào đoàn ngoại giao nước ngoài trong nhiều thập niên qua.

Đáp lại, Moscow cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh tại Nga, đóng cửa tổng lãnh sự quán Anh ở St. Petersburg và chấm dứt hoạt động của Hội đồng Anh ở Nga. Đây là một cơ quan do chính phủ Anh tài trợ để quảng bá ngôn ngữ - văn hóa Anh ở hơn 100 quốc gia, và Hội đồng đã hoạt động liên tục ở Moscow kể từ năm 1959 đến nay.

Hai nhà ngoại giao Nga - Anh cãi nhau kịch liệt

Ngày 22.3 cũng diễn ra cãi nhau giữa quan chức Nga - Anh, tại một sự kiện do Bộ Ngoại giao Nga tổ chức ở Moscow. Nhà ngoại giao Anh Emma Nottingham nhắc lại kết luận của London là Moscow đứng sau vụ mưu sát cha con Skripal vì 4 lý do này: “Các nhà khoa học hàng đầu của chúng tôi đã xác định được chất độc thần kinh;những điều chúng tôi đã biết là Nga trước đây sản xuất chất độc này;thành tích thực hiện các vụ ám sát do nhà nước hỗ trợ của Nga;và kết luận của chúng tôi rằng Nga xem những người bỏ trốn là các mục tiêu cần bị khử”.

Bà Nottingham còn nói Nga không giải thích được vì sao chất độc thần kinh Novichok từ Nga đến Anh, và Nga không giải thích được tại sao Nga lại điều hành một chương trình vũ khí hóa học trái phép: “Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy một loại thông tin nhằm gây nhiễu sự thật”.

Nga cáo buộc Anh tổ chức vụ đầu độc hoặc “cho phép khủng bố tấn công” ngay trên lãnh thổ Anh. Nhà ngoại giao Vladimir Yermakov chủ trì sự kiện nhằm giải thích quan điểm Nga, nói: “Không ai có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra ở Salisbury. Hãy cùng nhau điều tra chuyện gì đã thực sự xảy ra”.

Ông Yermakov nói quan điểm riêng của ông là vụ đầu độc có chủ đích bôi nhọ Nga, và nói Nga không thể hiểu các quan chức Anh nghĩ gì. Ông hỏi bà Nottingham: “Bà không biết xấu hổ à? Bà thử tự cách ly khỏi tinh thần bài Nga và ý chí xứ đảo của bà xem”.

Ông Yermakov còn nói Nga không liên quan vụ đầu độc, và muốn điều tra rộng, điều đó có nghĩa Anh phải chia sẻ thông tin và hợp tác với Nga.

Trung Trực (theo Guardian, Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga bác tin cựu điệp viên phản quốc xin ông Putin tha tội