Quân đội Mỹ đang muốn sử dụng một phương pháp mới để tiêu hủy kho vũ khí hóa học lớn của nước này ở bang Colorado. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cách này sẽ làm tăng khả năng chất độc hại thoát ra môi trường xung quanh, trang The Washington Times ngày 23.3 cho biết.
Tuân thủ một hiệp ước quốc tế về cấm vũ khí hóa học, Washington đang cho tiến hành tiêu hủy 780.000 vỏ đạn chứa chất độc mù tạt dạng lỏng tại Kho trữ vũ khí hóa học Pueblo. Hầu hết số vũ khí này có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Một nhà máy tự động trị giá 4,5 tỉUSD đã được xây dựng để thực hiện công việc này. Sau 12 năm xây dựng, nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 9.2016. Chất độc mù tạt lấy ra từ vỏ đạn được trung hòa bởi một hỗn hợp nước và vi khuẩn.
Nhà máy trong thời gian hoạt động đã gặp phải không ít vấn đề. Một vỏ đạn bị rò rỉ, hệ thống làm mát và hệ thống lưu thông chất lỏng gặp trục trặc là những sự cố khiến nhà máy từ tháng 9.2017 không thể hoạt động đầy đủ.
Vấn đề mới nhất mà nhà máy gặp phải là tình trạng vỏ đạn bị rỉ sét. Greg Mohrman, người quản lý dự án tiêu hủy vũ khí hóa học tại khi Pueblo, cho biết tình trạng này xảy ra do nước ô nhiễm trong chất độc mù tạt. Nước cùng phản ứng với chất độc tạo ra chất acid ăn mòn bên trong vỏ đạn.
Theo ông Mohrman, quân đội Mỹ lúc trước đã có tính toán đến chuyện vỏ đạn bị rỉ sét, nhưng tình trạng thực tiếp lại nghiêm trọng hơn dự kiến ban đầu. Chuyện này đặc biệt nghiêm trọng với 97.000 đạn pháo cối, với chất liệu và thiết kế dễ bị ăn mòn hơn các loại khác.
Giới chức Mỹ trong tuần này cho biết muốn có thêm hai buồng nổ khép kín, với chi phí 30 triệu USD cho mỗi buồng, sử dụng cho công tác phá hủy 97.000 đạn pháo cối này.
Theo ông Mohrman, do chất độc mù tạt trong các vỏ đạn ô nhiễm hơn so với dự kiến ban đầu, khiến thiết bị robot của nhà máy gặp khó khăn trong việc mở chúng. Nếu vỏ đạn không được mở một cách sạch sẽ, nhân viên (đã mặc áo bảo vệ) sẽ phải can thiệp. Điều này làm tăng nguy cơ có người bị tiếp xúc với chất độc. Chất độc mù tạt có thể làm tổn thương da, mắt hoặc phổi, thậm chí gây chết người.
Mohrman nhấn mạnh an toàn cho nhân viên là yêu cầu trên hết, và những vỏ đạn chứa chất độc không cần được mở ra nếu chúng bị phá hủy trong buồng kín. Trong buồng này, vỏ đạn và chất độc mù tạt bên trong sẽ bị thiêu rụi bởi nhiệt độ 1.000 độ F (540 độ C). Khí thoát ra từ những lần đốt này sẽ được thu lại và xử lý.
Theo ông Mohrman, công nghệ này hoạt động an toàn, đã được dùng để phá hủy vũ khí hóa học trữ tại Alabama và Kentucky, cũng như ở bảy quốc gia khác.
Tuy nhiên, đề xuất dùng buồng kín đã bị ít nhất hai thành viên của Ủy ban Cố vấn công dân (Citizens Advisory Commission), cơ quan được lập ra để người dân và những nhà quản lý hoạt động nhà máy tiêu hủy vũ khí liên lạc cũng như trao đổi ý kiến, tỏ ý nghi ngại.
Bà Irene Kornelly, chủ tịch ủy ban nàycho biết: “Tôi rất lo ngại đến việc kiểm soát lượng khí thải (từ những đợt phá hủy vũ khí trong buồng kín)”.
Còn theo ông Ross Vincent: “Bất kể họ có cố gắng thế nào thì vẫn có một phần khí thải thoát ra ngoài. Không có cách nào để tránh được chuyện này”.
Ngoài ra, cả hai cũng nhất trí an toàn cho nhân viên nhà máy là tối quan trọng. Ông Kornelly khẳng định: “Chúng ta không thể cứ để nhân viên mặc đồ bảo hộ phải đi vào và dọn dẹp đống lộn xộn”.
Theo ông Mohrman, nếu quân đội Mỹ quyết định mua hai buồng kín, sẽ mất hai năm để chúng được bàn giao, lắp đặt và đưa vào hoạt động. Tiền mua buồng kín có sẵn thông qua một văn phòng quản lý công tác phá hủy vũ khí của quân đội, nhưng thương vụ này chưa chắc được Quốc hội nước này chấp nhận.
Cẩm Bình (theo The Washington Times)