Điện Kremlin đánh giá sở dĩ Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 là vì Mỹ gây áp lực.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov: “Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần cảnh báo về hậu quả do những bước đi thiếu suy nghĩ liên quan đến vấn đề Iran mang lại. Ý tôi là quyết định của Mỹ (rút khỏi thỏa thuận hạt nhân). Bây giờ chúng ta đã thấy hậu quả”.
Người phát ngôn Peskov cho biết Nga muốn giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại, vì vậy họ đang cố gắng làm những gì có thể - thông qua hoạt động đối thoại bí mật với giới chức châu Âu -để tìm cách cứu vãn. Ông từ chối bình luận về khả năng Nga tham gia nỗ lực tái áp đặt trừng phạt Iran, chỉ nhấn mạnh điều cần làm lúc này là phân tích kỹ tình hình và trao đổi quan điểm.
Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ làm gia tăng trong vấn đề hạt nhân Iran, đồng thời kêu gọi các bên kềm chế.
Năm 2015, Iran cùng Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì quốc gia Trung Đông đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế.
Tình hình chuyển biến xấu khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm ngoái, mở đường cho nỗ lực cô lập Iran về chính trị lẫn kinh tế.
Giới chức Iran hôm 8.5 vừa chính thức thông báo bắt đầu rút lại một số cam kết tự nguyện trong JCPOA. Họ còn đe dọa sẽ có nhiều hành động hơn nữa nếu các bên còn lại (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga) không thực hiện lời hứa bảo vệ nước này khỏi trừng phạt của Mỹ.
Mỹ đẩy căng thẳng lên mức độ mới khi ban hành thêm trừng phạt vào cùng ngày. Lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump vừa ký áp đặt trừng phạt lên các ngành sản xuất kim loại công nghiệp (sắt, nhôm, thép và đồng) -một nguồn thu quan trọng cho chính quyền Tehran bên cạnh dầu mỏ. Mọi cá nhân/doanh nghiệp có thời gian 90 ngày để giảm dần hoạt động mua những sản phẩm nêu trên từ quốc gia Trung Đông.
Cẩm Bình (theo Reuters, Fox News)