Hình như trong cái cách vận hành của bộ máy công quyền chúng ta hiện đều đang "có vấn đề" ở rất nhiều ngành, nhiều địa phương. Nó chuyển động rất chậm chạp và nhiều khi, nhờ có những "cú hích" rất không hay và không muốn xảy ra, công việc mới lại trở nên hanh thông đến lạ.
Câu chuyện biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội đổ sập năm 2015 dù được cảnh báo trước nhiều năm, ấy vậy mà vẫn xảy ra. Chuyện sập cầu Ghềnh đã quá tuổi thọ cũng đã được cảnh báo nhưng rồi nó vẫn cứ sập chỉ vì một chiếc sà lan đâm vào trụ. Tất cả đều có thể xảy ra vào bất cứ khi nào. Liệu trách nhiệm lúc này thuộc về ai?
Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Đinh La Thăng hôm mới đây thì tình trạng nhà chung cư cũ nguy hiểm ở thành phố chưa được xử lý rốt ráo là rất đáng lo. Nó thể hiện các vị công bộc của dân "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ". Giống như cầu Ghềnh, bao nhiêu năm không làm. Khi sập một cái thì làm ầm ầm ngay, tốn 300 tỉ đồng và trong 3 tháng. “Đừng để chung cư cũ giống như cái này”, ông Thăng nói (theo Vietnamnet).
Để phần nào thấy được sức ì của bộ máy, tôi xin chứng minh bằng 2 sự cố ở 2 thành phố khác. Vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội ngày 22.9.2015 may là "chỉ... chết có 2 người" nhưng đến tháng 10 năm đó, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP đã được ban hành (ngày 20.10.2015). Nghị định đã quy định rất chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở và việc bố trí nhà ở cho người được tái định cư; quy định một số cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, công nghệ xây dựng để đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư. Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai thực hiện theo dự án, không xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ trường hợp chung cư độc lập), bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Khoản 3 Điều 112 của Luật Nhà ở.
Vụ sập cầu Ghềnh ở TP.Biên Hoà, Đồng Nai hôm 20.3.2016 gây thiệt hại tới 10 tỉ đồng mỗi ngày do lưu thông bị đảo lộn, buộc Chính phủ phải lệnh cho làm gấp sau ít ngày cầu sập. Thậm chí Chính phủ yêu cầu cố gắng rút ngắn tiến độ, có cầu mới sớm hơn 15 ngày để đường sắt lưu thông thông suốt trở lại dù chấp nhận phải chi 300 tỉ đồng cho cầu mới. Giá như tiếng kêu từ địa phương thấu tới tai cấp trên sớm hơn để các bộ, ngành, địa phương cùng thấy được nguy cấp nếu không thay mới sớm thì chắc gì chiếc cầu đã "lên lão" (trên 100 tuổi) kia bị sập và làm sao có cầu mới thông tuyến đường sắt vào 15.7 tới?
Tôi rất tâm đắc và chia sẻ với Bí thư Thăng khi ông bất bình với thuộc cấp vì những việc cần làm ngay nhưng xem ra thực hiện rất chậm chạp của thành phố lâu nay cứ ngỡ là đầu tàu của cả nước.
Có quan điểm cho rằng ông Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đang mất quá nhiều thời gian cho công việc sự vụ, cho chỉ đạo những việc tưởng "nhỏ như cái kim" của thành phố chục triệu dân thì làm sao còn thời gian làm việc lớn (?!). Tôi không tán đồng cách suy nghĩ này. Với một thành phố còn bộn bề những việc nhỏ chưa được giải quyết chỉ vì bộ máy trì trệ thì cũng cần phải có một người đứng đầu như ông xử lý tỉ mỉ trong một thời gian dài những công việc thực tiễn như thế. Và chí ít cũng phải như vậy 1-2 năm nữa để làm sao mọi công bộc của thành phố này lúc nào cũng nơm nớp ngại ông Bí thư có lúc "sờ gáy" mình, kiểu như hôm gần đây ông bảo vị chủ tịch một xã nọ đã để tình trạng ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp đóng trên địa bàn gây ra, khiến dân phẫn nộ, kêu mãi vẫn không ai giải quyết. Ông bảo vị chủ tịch xã nọ đại thể rằng: Cũng may cho anh là mới nhậm chức có 2 tháng, nếu anh mà ở đây lâu rồi thì chắc anh sẽ nghỉ luôn!
Quay lại chuyện chung cư cũ đang mất an toàn. Tại cuộc làm việc với quận 5 sáng 20.5, ông Thăng được nghe báo cáo, hiện quận 5 có 233 chung cư, nhà tập thể, chủ yếu được xây dựng trước năm 1975. Trong đó, có 222 chung cư, nhà tập thể đang xuống cấp, cần sửa chữa, trong số này có tới 106 chung cư, nhà tập thể có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng.
Sau khi nghe ông Bí thư Quận ủy quận 5 báo cáo, Bí thư Đinh La Thăng đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề nổi cộm của quận 5. Ông Thăng bức xúc: Trong 106 chung cư, nhà tập thể đã xuống cấp, có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng nhưng trong năm nay quận chỉ xử lý 5 chung cư thôi là thế nào? Còn những cái khác thì sao đây? Nếu tiếp tục kéo dài như thế thì an toàn của người dân tính sao? Theo ông Thăng, không thể để người dân sống trong ngôi nhà của mình mà nơm nớp lo sợ được. Không an cư thì sao lập nghiệp được?
Liên quan đến cơ chế cho cải tạo và xây mới từ chung cư cũ, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Danh trước đó đã cho ông Bí thư biết hiện trên địa bàn có 1.244 chung cư; trong đó có 533 chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 với 50.460 căn tương đương 3,4 triệu m2 sàn xây dựng. TP hiện có 474 chung cư xuống cấp. Theo kế hoạch, trong năm 2016 hoàn thành kết quả kiểm định. Chính những nan giải đó đã khiến ông Bí thư không thể an tâm khi ông đã là người đứng đầu thành phố...
Cũng tương tự chuyện ở TP.HCM, UBND thành phố Hà Nội cũng đã công bố kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở 5 quận, huyện, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dời dân gấp.
Từ chuyện chậm trễ trong việc tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng chung cư cũ xuống cấp đến mức đe dọa tính mạng người dân ở các địa phương trong cả nước, đặc biệt ở 2 thành phố vừa nêu, tôi cứ hình dung nếu chẳng may mà xảy ra ở đâu đó một sự cố sập nhà gây chết nhiều người thì lúc ấy sẽ ra sao? Đó sẽ là một đại hoạ, dù đã được báo trước. Bộ máy quen làm việc tập thể, khi có chuyện xảy ra thì lại thường không quy được trách nhiệm hoặc có đi nữa thì cũng chỉ vừa phải, mấy ai là người đứng đầu phải đi tù? Phải chăng vì thế, mọi chuyện đã không được giải quyết rốt ráo theo khuôn khổ pháp luật nên mới ra như thế trong suốt nhiều năm, nay khiến ông Thăng lo lắng xen lẫn bức xúc.
Đã đến lúc cần có một lối suy nghĩ mới và cách làm mới trong phương pháp điều hành hiện nay của các cơ quan nhà nước, mà lẽ ra công việc đó không cần phải để cho Bí thư thành ủy xắn tay chỉ việc. Với những việc không thể chần chừ thì không nên kéo dài nếu việc đó có an nguy đến tính mạng con người mà hiện trạng chung cư cũ xuống cấp đáng báo động là một ví dụ cần quyết tâm nhanh chóng đẩy lùi. Chúng ta không thể chần chừ hơn được nữa! Người dân TP.HCM đang dõi theo những việc ông đang chỉ đạo làm, từ chuyện một con kênh gây ô nhiễm nặng kéo dài, đến chuyện quy hoạch và lập luận chứng xây dựng, đầu tư một bệnh viện huyện quá chậm trễ... đều được ông chỉ đạo và có đáp số tắp lự. Phải chăng vì thế, ông Đinh La Thăng đang được nhân dân thành phố dành nhiều ủng hộ?
Quốc Phong