Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới thì triển vọng của các hãng công nghệ Trung Quốc sẽ thêm mơ hồ so với việc bà Kamala Harris đắc cử. Lý do vì các giám đốc công nghệ Trung Quốc cho rằng phong cách khó lường của ông Trump có thể dẫn đến việc ngành công nghiệp này có thể được nới lỏng lệnh trừng phạt hoặc bị thắt chặt hơn nữa.
Ông Trump đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 2017-2021 của mình bằng cách cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, viện dẫn các hành vi thương mại không công bằng và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cách tiếp cận thẳng thừng của Trump cùng với việc áp đặt các mức thuế đột ngột và trên diện rộng có thể khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng và làm suy yếu mọi nỗ lực phối hợp, theo các giám đốc công nghệ Trung Quốc.
Trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, ông Trump (ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa) đang ngang bằng với bà Kamala Harris (đối thủ thuộc đảng Dân chủ), người có thể sẽ tiếp tục chính sách của Tổng thống Biden về những thay đổi thường xuyên, từng bước với biện pháp kiểm soát xuất khẩu và tận dụng các liên minh quốc tế để làm chậm sự phát triển công nghệ, quân sự của Trung Quốc.
Bất kể ai thắng, các nhà quan sát đều cho rằng sẽ có thêm những hạn chế mới nhằm kiềm chế tiến bộ của Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là cách tiếp cận có vẻ thất thường của ông Trump có thể có lợi cho Trung Quốc hơn, theo ý kiến trong hơn 12 bài phân tích do các nhóm công nghiệp, nhóm nghiên cứu và công ty môi giới của Trung Quốc xuất bản, mà Reuters đã xem xét.
Các bài phân tích cung cấp một góc nhìn thẳng thắn hơn về cách ngành công nghệ Trung Quốc đánh giá triển vọng của mình dưới thời Tổng thống Mỹ tiếp theo, không giống phương tiện truyền thông nhà nước tuân theo đường lối của chính phủ về các vấn đề chính trị và nhạy cảm.
Theo một nửa số bài phân tích, nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì sẽ tạo ra tác động tiêu cực trong ngắn hạn với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vì khả năng cao là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt sẽ gia tăng.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình, ông Trump đã áp đặt thuế với hàng tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và trừng phạt các tập đoàn như SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc) và Huawei (hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc).
"Là người khởi xướng một đợt gia tăng toàn diện kiềm chế khoa học và công nghệ Trung Quốc, nếu ông Trump lên nắm quyền một lần nữa thì ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có thể bị kìm hãm thêm", công ty môi giới Topsperity Securities (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) viết vào tháng 8.
Các phân tích còn lại có nhiều sắc thái hơn trong kết luận của họ.
Vào tháng 7, tờ Material Energy Times nhắn nhủ các công ty Trung Quốc cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất bán dẫn rằng "các chính sách đơn phương của ông Trump có thể gặp phải sự phản đối và không hợp tác từ cộng đồng quốc tế".
Các chính sách mà bà Harris sẽ kế thừa từ Tổng thống Joe Biden "mang tính dài hạn hơn, được phối hợp và có thể dự đoán được, mang lại những thách thức ổn định hơn nhưng lâu dài hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc", Material Energy Times viết.
Sự khó đoán của ông Trump được chứng minh trong các tuyên bố và bài đăng trên mạng xã hội. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình, Trump đã bày tỏ mong muốn đảo ngược hướng đi so với các biện pháp mà ông từng thực hiện chống lại Huawei và ZTE. Trong chiến dịch tranh cử hiện tại của mình, Trump chỉ trích lệnh cấm ứng dụng TikTok do tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) sở hữu mà chính ông đã đề xuất khi còn đương nhiệm.
Một bài xã luận vào tháng 7 trên EETop, nền tảng thông tin và diễn đàn dành cho các công ty điện tử Trung Quốc, cho biết việc Trump chỉ trích quan hệ thương mại của Mỹ với các đồng minh như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc (vốn cũng có lợi ích tại Trung Quốc) có thể gây nguy hiểm cho sự hợp tác. Điều đó đồng nghĩa "trong chuỗi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hóa, việc Mỹ đơn phương kiềm chế Trung Quốc sẽ không hiệu quả".
"Có khả năng châu Âu và Hà Lan sẽ cố tình tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta lách các hạn chế để có thể nhập khẩu máy in thạch bản cực tím", theo bài xã luận trên EETop. Trung Quốc phụ thuộc vào các máy in thạch bản cực tím của nước ngoài và hiện bị cấm nhập khẩu các loại máy tối tân nhất.
Bất kể ai đắc cử Tổng thống Mỹ sắp tới, ngành công nghệ Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào trong nước và tự chủ hơn nhiều so với thời điểm ông Trump hoặc Biden nhậm chức trước đây, theo các nhà phân tích và đánh giá dữ liệu của Reuters.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chứng kiến nhiều lần trả đũa qua lại, chẳng hạn những hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc liên quan đến tài nguyên đất hiếm, nhưng cũng thúc đẩy ngành công nghệ Trung Quốc tự cung tự cấp để ứng phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Năm 2016, Trung Quốc có 4 dự án mua sắm của chính phủ trị giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USF), thay thế phần cứng và phần mềm nước ngoài bằng các giải pháp trong nước, theo đánh giá của Reuters về các cuộc đấu thầu. Năm nay, Trung Quốc có 169 dự án như vậy, gồm cả 75 dự án liên quan đến hơn 50 triệu nhân dân tệ trong quỹ nhà nước.
Ngay cả khi ông Trump hoặc bà Harris tăng cường kiểm soát xuất khẩu, các nhà sản xuất Trung Quốc hiện ít phụ thuộc hơn vào công nghệ nước ngoài và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với hậu quả của sự thay đổi trong môi trường thương mại.
"Chúng ta đã làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, nhưng các lĩnh vực khác như robot thì vẫn nằm ngoài tầm với. Trung Quốc có thể tự cung cấp mọi thứ họ cần trong nước", Robert D. Atkinson, Chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (có trụ sở tại Washington D.C, thủ đô Mỹ), nhận xét.
Tầm quan trọng của việc kiểm soát xuất khẩu như một dấu hiệu của sự cứng rắn với Trung Quốc đã được thể hiện rõ trong bài phát biểu của bà Harris tại Câu lạc bộ Kinh tế Pittsburgh hồi tháng 8. Tại đó, Phó tổng thống Mỹ cáo buộc ông Trump vận chuyển "chip bán dẫn tiên tiến đến Trung Quốc giúp họ nâng cấp quân đội".
Phát biểu này ám chỉ đến việc chính quyền Biden mạnh tay hạn chế Trung Quốc tiếp cận các chip AI tiên tiến từ hãng dẫn đầu thị trường Nvidia (Mỹ).
Điều đó khiến các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào AI. Tính đến tháng 7, Trung Quốc chiếm 36% trong số 1.328 mô hình ngôn ngữ lớn trên toàn cầu, đứng sau nước dẫn đầu là Mỹ với 44%, theo dữ liệu từ Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc.
Việc Biden mở rộng các hạn chế công nghệ đã dập tắt hy vọng của Trung Quốc rằng ông sẽ ít cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm. Vì vậy lần này, một số hãng công nghệ Trung Quốc đã quyết định không đưa ra dự đoán nữa.
"Chúng tôi đang hoạt động theo trạng thái bình thường mới. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, vì vậy chúng tôi chỉ tiếp tục tiến lên, nhanh nhất có thể", giám đốc điều hành tại một hãng công nghệ lớn Trung Quốc cho biết.