Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Ngày mai, cựu Bí thư Đồng Nai sẽ hầu tòa trong đại án AIC

Nhã Thanh | 20/12/2022, 13:25

Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

TAND TP.Hà Nội sẽ đưa các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai ra xét xử sơ thẩm từ ngày 21.12.2022. Phiên tòa được xét xử công khai, dự kiến kéo dài trong 20 ngày (xét xử cả thứ bảy, chủ nhật).

Vụ án này có 36 bị cáo nhưng có tới 8 người đang bỏ trốn, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC). Trước ngày hầu tòa, luật sư của bị cáo Trần Đình Thành cho biết từ trại giam, bị cáo Thành có lời kêu gọi bà Nhàn ra đầu thú.

Tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác năm 2022 của Bộ Công an (diễn ra chiều 19.12), đại diện C03 cho biết việc điều tra thu thập chứng cứ không chỉ phụ thuộc lời khai của các bị can, mà còn căn cứ vào nhiều tài liệu, chứng cứ khác.

20dongnai.jpg
Cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai sẽ hầu tòa vào ngày mai (21.12) - Ảnh: Internet

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC); Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc Công ty AIC) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, quá trình đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.

bo-cong-an-de-nghi-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-ra-dau-thu.png
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Internet

Quá trình tham gia đấu thầu rồi trúng thầu, bà Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại. Nguồn tiền của hoạt động này do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị, hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao. Sau đó, các đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển tiền lại cho Công ty AIC để nhập vào quỹ của Ban thư ký tài chính.

Sau đó, Chủ tịch AIC đã trực tiếp đưa hối lộ hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho các lãnh đạo Tỉnh, sở ngành. Cụ thể, VKS xác định Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14,5 tỉ đồng/người, Phan Huy Anh Vũ nhận 14,8 tỉ đồng; bị cáo Bồ Ngọc Thu được nhận 1 tỉ đồng.

Liên quan đến vật chứng của vụ án và tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, cáo trạng của VKS nêu rõ gia đình các bị can, các Công ty “quân xanh” đã tự nguyện giao nộp hơn 44 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Số tiền này đang được bảo quản tại Tài khoản tạm giữ của Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an.

Cụ thể, gia đình Trần Đình Thành đã nộp lại 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái nộp 14,5 tỉ đồng; Phan Huy Anh Vũ nộp 14,8 tỉ đồng; Bồ Ngọc Thu nộp lại 1 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, một số bị can khác cũng đã tác động tới gia đình nộp lại số tiền khắc phục hậu quả. Trong đó, Nguyễn Thị Dung (Phó giám đốc Công ty Mediconsult) nộp 50 triệu đồng, Cao Thị Tám (Trưởng phòng Tư vấn đấu thầu Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai) nộp 200 triệu đồng; Nguyễn Văn Bằng (Giám đốc Công ty Tâm Hợp) nộp lại 500 triệu đồng; Trịnh Huy Cường nộp lại 100 triệu đồng.

Ngoài ra, hiện đang phong tỏa hơn 107 tỉ đồng là số dư 4 tài khoản của Công ty AIC. Kê biên hàng loại tài sản là biệt thư, căn bộ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Trong đó, kê biên 1 biệt thự tại số 99 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) của Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên; 1 biệt thự tại số 21 Nguyễn Huy Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Kê biên 6 căn hộ Chung cư Pacific Place (38B Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn…

Bài liên quan
Cựu Bí thư Đồng Nai nói bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC cần ra đầu thú
Theo luật sư của bị cáo Trần Đình Thành, từ trại giam, bị cáo Thành nói rằng bà Nhàn cần ra đầu thú.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày mai, cựu Bí thư Đồng Nai sẽ hầu tòa trong đại án AIC