Ngoài sự áp bức dưới chế độ cai trị của Taliban, nghèo đói cũng đang đẩy cuộc sống của phụ nữ Afghanistan đến bờ vực của tuyệt vọng và đau khổ.
Một trong những hành động đầu tiên của Taliban sau khi lên nắm quyền tại Afghanistan cách nay 1 tháng là buộc hầu hết phụ nữ phải rời bỏ công việc để ở nhà. Điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ nghèo đói sau nhiều năm mất mùa và vụ thu hoạch lúa mì năm nay cũng bị thất bát.
Trong một nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ vốn đang gặp nhiều khó khăn, việc đột ngột loại bỏ hàng chục nghìn người làm công ăn lương ở những gia đình đông con chỉ làm gia tăng nạn đói ở một quốc gia có đến 47,3% người dân sống dưới mức nghèo khổ. Những gì xảy ra bên ngoài các thành phố có thể còn tàn khốc hơn nữa. Phụ nữ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động tại nông thôn. Nếu không có họ, các vấn đề của một quốc gia không thể tự nuôi sống chính mình sẽ chỉ ngày càng trầm trọng.
Heather Barr, Phó giám đốc phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi nhân quyền cho biết nỗi sợ hãi số một của phụ nữ Afghanistan là không thể đi làm và mất quyền tiếp cận giáo dục. Với rất nhiều đàn ông thiệt mạng trong các cuộc xung đột hoặc trong các cuộc bỏ trốn khỏi Afghanistan, một số lượng đáng kể phụ nữ bị bỏ lại phải gánh trách nhiệm vừa làm mẹ đơn thân vừa làm trụ cột chính trong gia đình.
“Taliban cắt đứt khả năng làm việc của phụ nữ không phải vì việc phụ nữ sẽ được trao quyền trở lại mà là vì việc họ mất đi khả năng nuôi sống bản thân và gia đình”, Barr lưu ý.
Như Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan, một nhóm nghiên cứu độc lập đã viết vào ngày 6.9 cho rằng giá các mặt hàng thiết yếu từ bột mì đến dầu ăn đã tăng nhanh trong khi giá trị của đồng tiền Afghanistan đang bị giảm xuống. Trong một khu chợ đồ cũ tại thủ đô Kabul, những gia đình tuyệt vọng đang phải rao bán những món đồ gia dụng để có tiền mua thực phẩm.
Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng vào năm nay, Afghanistan đã bị nạn đói đeo bám vì hạn hán tàn khốc vào năm 2018 và 2019. Nước này rơi vào tình trạng giống Triều Tiên và 6 quốc gia ở châu Phi cận sa mạc Sahara chỉ còn duy trì lượng lương thực thực phẩm ít ỏi, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc.
Sự tiếp quản của Taliban sẽ làm cho tất cả những vấn đề tại Afghanistan trở nên nghiêm trọng hơn bởi vì nghèo đói, suy dinh dưỡng và bất bình đẳng giới luôn song hành với nhau. Mặc dù phụ nữ và trẻ em gái đã quen với việc phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng trong các xã hội phụ hệ, họ cũng vẫn phải chịu sự thiếu thốn tồi tệ nhất và những ảnh hưởng lâu dài vì lượng thực phẩm được phân bổ nhiều hơn cho nam giới trong gia đình.
Sống trên bờ vực của cái đói có thể là nguyên nhân và hậu quả của việc giảm địa vị của phụ nữ. Trao quyền kinh tế thường bắt đầu bằng việc được kiểm soát ít nhất một số phần tài chính của một hộ gia đình. Ngay cả trong các xã hội gia trưởng và bảo thủ, có bằng chứng cho thấy việc đàn ông từ bỏ sự kìm kẹp về tiền bạc có thể làm tăng sự bình đẳng, thu nhập tài chính và mức độ hạnh phúc của một gia đình. Suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm khoảng 43% khi phụ nữ kiểm soát được một phần thu nhập tài chính trong gia đình, điều này thậm chí còn lớn hơn việc họ được tiếp cận với giáo dục.
Tuy nhiên, để bước tiến này có thể xảy ra thì trước tiên phải có thu nhập thặng dư. Việc Taliban loại bỏ khả năng kiếm tiền của phụ nữ và giá thực phẩm tăng cao thì khả năng đó sẽ giảm đi nhanh chóng. Theo một nghiên cứu năm 2014, khoảng 53% chi tiêu hộ gia đình ở các vùng nông thôn không được cải thiện trong 7 năm qua. Với chi tiêu chủ yếu dành cho các mặt hàng thô như bột mì hoặc gạo thì họ cũng phải chịu nhiều tác động khi giá cả của các loại mặt hàng này trên thị trường cũng luôn biến động.
Giá lúa mì của Mỹ, nguyên liệu chính trong chế độ ăn nghèo nàn tại Afghanistan tháng trước đã chạm mức cao nhất trong 8 năm. Do ảnh hưởng lâu dài của những đợt hạn hán và đại dịch COVID-19, giá bột mì ở Kabul đã cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình trong hầu hết các năm qua. Điều đó chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn do hậu quả của tình trạng hỗn loạn hiện nay. Nếu các vấn đề về chuỗi cung ứng ở các nước giàu đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt và lạm phát thì đó vẫn không là gì với sự bất ổn đang giáng xuống Afghanistan.
Thêm vào đó là lĩnh vực ngân hàng cũng đang gặp khủng hoảng với hàng dài người dân xếp hàng để nhận được chút tiền mặt ít ỏi còn lại trong nước. Mỹ và các tổ chức quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã phong tỏa dự trữ ngoại hối và ngừng chuyển tiền thường xuyên.
Một hội nghị của Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra vào ngày 13.9 đã cam kết viện trợ khẩn cấp hơn 1 tỉ USD cho Afghanistan. Nhưng câu hỏi đặt ra cho các nhà tài trợ là làm thế nào để cung cấp sự hỗ trợ nhanh chóng trước khi một mùa đông khắc nghiệt đang đến gần cũng như không vô tình tài trợ cho cuộc đàn áp tàn khốc của Taliban đối với phụ nữ, giới truyền thông, tôn giáo thiểu số và các bộ phận quan trọng khác của xã hội dân sự.
Ông Barr cho biết có một sự bất đồng tồi tệ đang diễn ra giữa các tổ chức viện trợ bao gồm cả Liên Hợp Quốc. Một số cơ quan đang nói rằng nếu Taliban không cho phép nhân viên cứu trợ nữ, họ sẽ vẫn tiếp tục công việc này vì nhu cầu là rất lớn. Những người khác thì lại cho rằng có nhân viên cứu trợ nữ là cách duy nhất để đảm bảo viện trợ đến tay được phụ nữ, điều này đã được chứng minh rất nhiều lần.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cảnh báo hồi tuần trước rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, thì việc cứu trợ cần phải được diễn ra nhanh chóng, càng nhiều càng tốt vì 97% dân số Afghanistan có thể ở dưới mức nghèo khổ vào giữa năm 2022 mà không có một phản ứng khẩn cấp đến các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế. Đói khổ có thể tàn phá phụ nữ Afghanistan như chính Taliban.