Chiến dịch “sửa sai” - với những mục tiêu rất khác nhau, từ dịch vụ gọi xe đến bảo hiểm, giáo dục, và ngay cả quy định thời gian trẻ em được chơi video games - đang vẽ lại giới hạn của việc kinh doanh và xã hội ở Trung Quốc.

Đằng sau cuộc “sửa sai” đang diễn ra ở Trung Quốc

Quỳnh Yên | 16/09/2021, 13:48

Chiến dịch “sửa sai” - với những mục tiêu rất khác nhau, từ dịch vụ gọi xe đến bảo hiểm, giáo dục, và ngay cả quy định thời gian trẻ em được chơi video games - đang vẽ lại giới hạn của việc kinh doanh và xã hội ở Trung Quốc.

Theo báo Washington Post, chính phủ Trung Quốc mới đây đã cấm những show và cuộc thi theo kiểu American Idol trên truyền hình với những người nam được cho là quá ẻo lả, nữ tính. Trước đó, tất cả các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, tất cả tin tức có cái tên Triệu Vy, một trong những nữ diễn viên giàu nhất Trung Quốc đã biến mất khỏi internet ở Trung Quốc như nó chưa hề tồn tại.

Những chỉ đạo được đưa ra đầy bất ngờ, kịch tính, và thường gây bối rối.

Trong hè, ngành giáo dục tư nhân trị giá nhiều tỉ đôla của Trung Quốc đã bị hạ gục chỉ sau một đêm bởi lệnh cấm dạy học vì lợi nhuận, trong khi những quy định mới đã quét sạch hơn 1 ngàn tỉ đôla thị giá cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc kể từ khi các cổ phiếu này đạt đỉnh vào tháng 2 vừa qua. Và trong khi các ông trùm công nghệ Trung Quốc cạnh tranh nhau để coi ai hiến tặng nhiều hơn cho chiến dịch chống bất bình đẳng của Chủ tịch Tập Cận Bình thì “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được dạy trong các trường tiểu học, còn các games và ứng dụng của nước ngoài như Animal Crossing và Duolingo đã bị rút khỏi các kho ứng dụng.

trieuvybai(1).jpg
“Hoàn Châu Cách Cách” Triệu Vy, ngôi sao nổi tiếng Trung Quốc. Chỉ qua một đêm, tên tuổi cô biến mất khỏi Internet như chưa từng tồn tại - Ảnh: Internet

Những quy định mà chính phủ Trung Quốc tung ra cấp tập trong mấy tháng qua hầu như không buông tha lĩnh vực nào. Chiến dịch “sửa sai” - với những mục tiêu rất khác nhau, từ dịch vụ gọi xe đến bảo hiểm, giáo dục, và ngay cả quy định thời gian trẻ em được chơi video games - đang vẽ lại giới hạn của việc kinh doanh và xã hội ở Trung Quốc trong khi ông Tập chuẩn bị làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022.

Jude Blanchette, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng đây rõ ràng không phải là cuộc sửa sai từng lĩnh vực mà là cuộc sửa sai mang tính cơ cấu đối với toàn bộ nền kinh tế.

Tại đại hội toàn quốc ĐCS Trung Quốc vào mùa thu tới, ông Tập được cho là sẽ tiếp tục giữ chức Tổng bí thư của đảng. Dưới ngọn cờ “thịnh vượng chung”, Chủ tịch Tập đang thúc đẩy chương trình giải quyết bất bình đẳng thu nhập. Chiến dịch này cho phép các quan chức và các công ty ủng hộ chiến dịch có cơ hội chứng tỏ sự trung thành trước khi đảng sắp xếp lại nhân sự.

Theo các nhà chức trách, việc hạn chế giáo dục tư nhân là nhằm tạo sân chơi bằng phẳng cho các trường vốn phải cạnh tranh rất cao và nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình. Còn các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc thì buộc phải phục tùng, nhân danh việc bảo vệ sự cạnh tranh và bảo vệ dữ liệu người dùng.

Tuy nhiên những quy định mới nhắm đến giới trẻ của nước này dường như nhằm mục đích khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền văn hóa đại chúng - những biện pháp mà các nhà phê bình nói là còn để lại rất ít không gian cho tranh luận và quyền biểu đạt của công chúng.

Các quan chức cũng đang dẹp bỏ các fan club của các ngôi sao Trung Quốc. Khi Ngô Diệc Phàm (Kris Wu), ngôi sao nhạc pop Canada gốc Trung Quốc bị bắt giữ vào tháng 8 vừa qua vì bị tố cáo hiếp dâm, fan của anh ta đã tràn ngập mạng xã hội để bênh vực anh ta, kể cả kêu gọi giải thoát anh ta khỏi nhà tù.

Những ngôi sao nam với phong cách ái nam ái nữ cũng trở thành một mối đe dọa trong mắt Bắc Kinh. Các nhà quản lý đã ra lệnh cho các nhà đài phải khuyến khích phong cách “nam tính” và chấm dứt đề cao những tiêu chuẩn thẩm mỹ “ẻo lả”.

Rana Mitter, giáo sư dạy lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, nói: “Đảng không cảm thấy thoải mái với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vượt quá những quy tắc mà đảng đề ra” và: “Đảng – Nhà nước đã nói rõ mình phải có tiếng nói đầu tiên và cuối cùng về những gì được phép trong văn hóa đại chúng”.

karaokie1(1).jpg
Một người đàn ông đang hát bên trong tiệm karaoke ở Bắc Kinh. Các bài hát karaoke đang được rà soát lại để loại bỏ những bài không phù hợp với các “gía trị cốt lõi” của CNXH - Ảnh: Gideon Mendel/Corbis via Getty Images

Cuộc "sửa sai" của ông Tập đã khiến cho những người khổng lồ về công nghệ như Jack Ma của Alibaba và Pony Ma của Tencent không còn nghi ngờ gì về việc ai mới là người kiểm soát tương lai của Trung Quốc. Nhưng nó cũng khiến cho các nhà đầu tư lo lắng, báo động. Trong khi đó các nhà chức trách lưu ý các nền tảng chơi games trực tuyến Tencent và Netease, ra lệnh cho họ phải loại bỏ những nội dung cổ vũ “những giá trị sai trái” như “tôn thờ đồng tiền” và thứ “văn hóa ẻo lả”. Cả hai doanh nghiệp đều hứa sẽ học tập kỹ lưỡng và nghiêm túc thực hiện chỉ thị.

Mặt khác, các quan chức cũng nỗ lực phục hồi niềm tin của nhà đầu tư, Phó thủ tướng Lưu Hà hứa hẹn “sự ủng hộ của Trung Quốc đối với kinh tế tư nhân không thay đỏi và sẽ không thay đổi trong tương lai”, Nhân dân nhật báo  thì chạy bài trang nhất nêu bật cam kết không gì lay chuyển được của chính phủ ủng hộ kinh tế tư nhân và bảo vệ nguồn vốn nước ngoài và sự cạnh tranh.

Quy mô và tốc độ của việc "sửa sai" trên phạm vi toàn xã hội khiến một số người lo rằng Trung Quốc có thể đang ở bước đầu của một cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng từng làm cho đất nước này đứng chựng lại trước đây.

Li Guangman, một nhà báo về hưu, một blogger mô tả những thay đổi này như một phản ứng với sự đe dọa từ phía Mỹ. “Những sự việc này nói với chúng ta rằng một thay đổi khổng lồ đang diễn ra ở Trung Quốc và những lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, chính trị đang trải qua những thay đổi sâu sắc, hay nói cách khác là một cuộc cách mạng sâu rộng”, Li viết.

Bài viết, được các tờ báo nhà nước đăng lại, khiến người ta không khỏi so sánh với một bài viết năm 1965 đã phát động cuộc cách mạng văn hóa hỗn loạn kéo dài cả thập niên.

Tuy nhiên, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu đã chỉ trích bài báo nói trên là sai lạc và là một sự “giải thích cực đoan” về một loạt những quy định gần đây, có thể dẫn đến tình trạng “hoang mang, lo sợ”.

Những cách nhìn khác nhau về bài báo nói trên có thể là một dấu hiệu cho thấy những tranh cãi sâu hơn trong nội bộ đảng về lợi ích của cải cách và mở cửa, về vị trí của Trung Quốc ngày nay, về việc Trung Quốc muốn trở thành một quốc gia như thế nào…  

Người dân lo rồi sẽ có thêm những biện pháp mới nhắm đến cuộc sống bình thường cũng như những lĩnh vực khác. Trong khi Bộ Văn hóa và Du lịch đang chuẩn bị cấm những bài hát karaoke bị cho là không phù hợp với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội thì quan chức các thành phố đang đề ra các quy định mới về nhảy múa trong công viên, một thú vui của những người về hưu. Trong một bài xã luận trên Nhân Dân nhật báo, phó chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc kêu gọi các nhà làm phim hãy làm thêm nhiều bộ phim ái quốc và cổ vũ Tư tưởng Tập Cận Bình.

Một sinh viên học về quản lý sự kiện tại Đại học KHCN Macau nhận xét: “Mọi việc chính phủ làm đều nhằm duy trì sự ổn định của thể chế mà đôi khi không chú ý đến tác động đối với các cá nhân. Đó là một quá trình thử và sai, và người dân phải chấp nhận những sai lầm đó để tiếp tục sống”.

 

Bài liên quan
Trung Quốc mua tôm hùm Việt nhiều gấp 27 lần năm ngoái
Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với tôm hùm của Việt Nam, với trị giá gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tăng trưởng xanh là cốt lõi, nhưng quyết không 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi, nhưng kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau cuộc “sửa sai” đang diễn ra ở Trung Quốc