Do Tổng thống Mỹ Donald Trump nói phải để Nga tái gia nhập khối G7, Thượng nghị sĩ John McCain trách ông Trump làm mất vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Ngày 8.6, ông Trump đến dự hội nghị thuợng đỉnh G7 (tức 7 quốc gia công nghiệp phát triển là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) ở khu nghỉ dưỡng Charlevoix thuộc tỉnh Quebec (Canada).
Tại tòa lâu đài Charlevoix, ông Trump đã nói “Nga nên có mặt ở cuộc gặp này. Nên để Nga trở lại, vì chúng ta cần có Nga ở bàn đàm phán”.
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố Nga không quan tâm.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố không có chuyện đưa Nga trở lại nhóm. G-7 từng trở thành G-8 hồi năm 1997 khi Nga gia nhập, nhưngtừ sau lần Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các lãnh đạo G-7 loại trừ Nga khỏi khối G-8.
Theo báo Independent, ông McCain nói chủ nhân Nhà Trắng “trao thưởng” cho một quốc gia “tấn công các thể chế dân chủ trên toàn thế giới”.
Trong một tuyên bố, ông McCain viết: “Tổng thống cho các đối thủ của của chúng ta thấy sự kính trọng vốn lẽ ra chỉ dành cho các đồng minh thân cận nhất của chúng ta. Các quốc gia này chia sẻ những giá trị của chúng ta, hàng chục năm qua cùng chúng ta hy sinh nhưng lại bị xem thường. Đây là phản đề của điều gọi là “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc” và chắc chắn làlàm tổn hại vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới”.
Trong khi đó, nghị sĩ McCain là người quyết liệt chỉ trích chính sách đối ngoại của ông Trump, chỉ trích ông Trump “tăng quyền” cho các lãnh đạo độc tài như Tổng thống Nga Vladimir Putin, và rút Mỹ khỏi vị thế một nhà tiên phong thể hiện đạo đức.
Các nghị sĩ Mỹ cũng chỉ trích ông Trump qua các tuyên bố, trạng thái Twitter;đề cao ông McCain là một trong số ít nghị sĩ Cộng hòa thường xuyên thách thức Tổng thống Mỹ -người từ lâu bày tỏ sự ngưỡng mộ ông Putin,dù các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận nhà lãnh đạo Nga chỉ đạo chiến dịch phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, giúp ông Trump trúng cử.
Hiện Công tố viên đặc biệt Robert Muller đang chỉ huy điều tra hai nghi án: Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và nhóm tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga. Nhưng ông Trump và Nga luôn tuyên bố Nga không can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh G-7 đã được dự báo sẽ là cuộc khẩu chiến giữa Mỹ với các lãnh đạo nhóm quốc gia E3 (Anh, Pháp, Đức) sau khi chính phủ Mỹ quyết áp mức thuế 25% đánh lên thép và 10% nhôm của Canada, Mexico cùng Liên hiệp châu Âu (EU) nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1.6.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi mức thuế trên là “sỉ nhục”, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel dự báo sẽ có “bàn luận tranh cãi” với Tổng thống Mỹ về thuơng mại.
Nhưng cuối ngày 8.6, ông Trump tuyên bố “đạt được nhiều tiến bộ” về thương mại trong một cuộc gặp Thủ tướng Trudeau. Ông nói: “Quan hệ của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi thật sự đang làm việc để cắt giảm thuế, tạo công bằng cho cả hai quốc gia. Chúng ta sẽ chứng kiến nó có hiệu quả thế nào”.
Ông Trump nói đùa với các nhà báo: “Justin đồng ý cắt giảm toàn bộ các khoản thuế” và ông Trudeau cười, đáp “Tôi nói NAFTA đang ổn” và hai lãnh đạo Mỹ-Canada cùng cười.
Canada cùng Mexico đang thất vọng với sự chậm trễ của việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.
Ông Trump cũng kỳ vọng lãnh đạo G-7, gồm có cả ông, đồng ý ký một tuyên bố chung kết thúc cuộc gặp vào ngày 9.6. Trước đó, lãnh đạo các nước còn lại tỏ ý nghi ngờ đạt được sự nhất trí một tuyên bố chung.
Trong cuộc họp G-7 ngày 9.6 sẽ có cuộc thảo luận về tình trạng thay đổi thời tiết toàn cầu nhưng ông Trump không dự và về sớmtrong ngàyđể có thể sớm đến Singapore gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12.6 tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bất đồng về mức thuế Mỹ áp lên thép-nhôm của EU, đã tuyên bố ông cùng 6 nhà lãnh đạo còn lại đã chuẩn bị quay lưng với ông Trump tại hội nghị G-7.
Ông Macron viết Twitter: “Tổng thống Mỹ có thể không quan tâm việc bị cô lập, nhưng chúng ta cũng không quan tâm việc 6 nước đạt thỏa thuận nếu cần thiết, vì 6 quốc gia đều có giá trị, đại diện cho một nền kinh tế thị trường và hiện là lực lượng quốc tế đúng nghĩa”.
Bảo Vĩnh (theo Independent)