ZTE, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, ngày 7.6 đã đạt được một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó tập đoàn chấp nhận đóng phạt 1 tỉ USD và cải tổ bộ máy lãnh đạo để được Washington dỡ bỏ lệnh cấm làm ăn với các nhà cung cấp linh kiện Mỹ.
Thỏa thuận cho ZTE thời gian 30 ngày thực hiện việc thay hội đồng quản trị và hệ thống điều hành, nộp 1 tỉ USD tiền phạt cộng thêm 400 triệu USD bảo chứng. Không những vậy, đơn vị này còn phải duy trì một đội ngũ giám sát do Bộ Thương mại Mỹ chỉ định.
Ngoài ra, trong thỏa thuận cũng bao gồm một lệnh cấm 10 năm nếu tập đoàn Trung Quốc có vi phạm trong tương lai. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố: “Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ ZTE. Nếu họ có vi phạm thêm, chúng tôi sẽ lại không cho họ tiếp cận công nghệ Mỹ, đồng thời tịch thu khoản bảo chứng”.
Mỹ ban hành trừng phạt với ZTE vào tháng 4, do hãng này không tuân thủ thỏa thuận với chính quyền Washington để kỷ luật 35 nhân viên có liên quan đến việc vi phạm lệnh cấm vận, xuất khẩu hàng hóa và công nghệ Mỹ đến Iran. Lệnh cấm kéo dài đến 7 năm.
Thỏa thuận giữa ZTE và giới chức Washington đạt được trong lúc Tổng thống Trump đang tìm kiếm nhượng bộ từ Bắc Kinh về thương mại, và hai bên đang tiến hành đàm phán để tránh nổ ra một cuộc chiến trong lĩnh vực này. Việc Mỹ đồng ý dỡ bỏ trừng phạt ZTE được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm căng thẳng thương mại song phương.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đã lập tức lên tiếng chỉ trích. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa viết trên Twitter: “Tôi dám chắc 100% rằng ZTE là một mối đe dọa an ninh quốc gia lớn hơn nhiều so với thép từ Argentina và châu Âu. Một thỏa thuận tồi tệ”.
Còn theo nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện: “ZTE là một công ty công nghệ quốc doanh của Trung Quốc đem lại những rủi ro gián điệp, điều mà thỏa thuận vừa đạt không giải quyết”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer xem thỏa thuận này “là sự quay ngoắt 180 độ so với lời hứa cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Trump”.
Cẩm Bình (theo Reuters)