Theo tín ngưỡng của người dân Nam Bộ xưa ngôi đình chính là tên vị thần mà người dân tín ngưỡng thờ phụng vì có công khai phá vùng đất mới nên chỉ có tên chung là đình thờ thành hoàng bổn mạng, chứ không ai có quyền đặt tên riêng cho một ngôi đình. Nhưng ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre thì đặt biệt có ngôi đình Rắn nổi tiếng...
Điều này có nghĩa là người dân ở đây đã có lý do để tôn rắn làm vị thần phù trợ, bảo hộ, độ mạng cho dân làng. Và ngôi đình đặc biệt này nằm cách đền thờ nữ tướng Ba Định khoảng 500 mét.
Ngôi đình huyền thoại
Đình Rắn được xây dựng cách nay hơn 150 năm, từ thuở vùng đất này mới khai phá. Trước khi có ngôi đình vào thời điểm hoang sơ đó, dân làng thường bắt gặp một cặp rắn to thân hình bằng cái khạp, dài trên 20 mét khắc ẩn khắc hiện. Dân làng trong vùng xem cặp rắn là "thần hoàng bổn cảnh" và chỉ dám gọi bằng đại từ "ông" để biểu thị sự kính trọng. Mỗi khi "ông" về, lúa ngã rạp thành một đường dài có bề ngang hơn 1 sải tay người lớn theo lối ông bò. Tuy to lớn như thế nhưng "ông" chưa bao giờ hại người, chỉ ăn thịt những con ác thú như hùm, beo. Dân làng cho rằng, "ông" diệt những loại thú dữ để hộ mạng cho dân lành nên càng kính trọng, không ai dám động chạm đến đôi rắn này.
Tương truyền, có người đi làm đồng sớm ngang khu vực “đôi rắn thần" trú ngụ, bất ngờ gặp một con beo đứng chắn đường. Trong lúc nguy cấp, người này chỉ còn biết đặt hết niềm tin vào “thần rắn” và nhắm mắt cầu khẩn "ông" độ mạng rồi nhắm mắt chờ chết. Bỗng một cơn gió lốc thổi ào tới mát lạnh. Người gặp nạn giật mình giật mở mắt ra hết sức kinh ngạc khi thấy “thần rắn” xuất hiện trước mắt mình há miệng thật to, tung mình ngoạm lấy con beo rồi biến mất. Người này biết “ông” đã xuất hiện để cứu giúp mình nên sụp lạy vào hư không để tạ ơn "thần rắn".
Nhiều người trong làng đã từng gặp hoạn nạn như thế và đều được “thần rắn” xuất hiện kịp thời cứu tử nên đã hùn tiền lại cất ngôi đình thờ trên gò đất cao để tạ ơn “ông”. Kể từ khi có ngôi đình, không hiểu từ đâu, rắn xuất hiện lũ lượt kéo về trú dưới nền đình làm hang ổ trú ngụ, sinh sôi nẩy nở thành nhiều thế hệ rắn. Nhiều người ngang qua đình đã từng trông thấy hàng trăm đôi rắn quấn nhau thành nhiều cục to bằng cái thúng treo mình lủng lẳng trên xà mái đình. Điều lạ là rắn ở đình không bao giờ tấn công người lương thiện mà chỉ trừng trịị những kẻ gian ác, hung tợn. Tin vào sự linh thiên của “thần rắn”, dân trong làng mỗi khi có chuyện tranh chấp, kiện tụng không gửi đơn kiện đến chính quyền thời đó mà kéo nhau ra đình Rắn thề để nhờ “ông” xét xử, phân rõ ngay, gian. Kết quả, người gian tà sau đó thế nào cũng bị rắn cắn chết. Từ đó, dân làng thêm tin tưởng, kẻ gian tà, hung tợn cũng khiếp oai “thần rắn” mà bớt hống hách, ức hiếp người lương thiện.
Rắn thần chống càn
Từ năm đình chiến 1954, tương truyền cặp rắn thần bỗng dưng biến mất rồi đến năm 1958, khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp phong trào cộng sản yêu nước, bất ngờ rắn thần quay trở lại đình rắn. Lúc bấy giờ trong dân chúng nổi lên tin đồn cặp rắn thần ngày xưa, dài hơn 20 mét, mình to như cái khạp đã trở về ngụ tại đình. Nhiều người trong số họ còn quả quyết đã trông thấy cặp rắn này. Chuyện rắn thần đã về làng Định Thủy, ban đầu được đồn thổi râm ran trong dân chúng, sau lan nhanh trong các đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đóng quân ở địa phương.
Đầu năm 1960, qua tin mật báo, quân lính VNCH biết các cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, trong đó có bà Nguyễn Thị Định về đình Rắn họp (Đó là một buổi họp bàn triển khai kế hoạch đồng khởi). Một trung úy chỉ huy một đại đội Bảo an được lệnh dẫn quân phục kích bắt bà Nguyễn Thị Định và cán bộ về họp tại đình. Nhiều người lính sợ gặp rắn thần không dám đi. Viên trung úy Bảo an cho rằng, chuyện rắn thần ở đình là chuyện hoang đường nên dẫn một trung đội lính tuyển gồm những tay súng gan lì không sợ rắn tiến vào khu vực đình.
Viên trung úy và đám lính thuộc quyền trang bị vũ khí đến tận răng trong đó có nhiều lưu đạn để khi gặp rắn thần là tiêu diệt. Khi toán lính mò mẫm đến gần đình bỗng xuất hiện nhiều tiếng lào xào lớn dần thành chuỗi âm thanh ghê rợn như tiếng gió lốc. Bất chợt, trong màn đêm nhập nhoạng, xuất hiện một cặp rắn to lớn cùng với hàng trăm con rắn nhỏ khác bò lổn nhổn trước mặt. Hoảng sợ, một tên lính ném lựu đạn vào đám rắn. Do run rẩy, hắn ném lựu đạn ngược vào đồng bọn. Viên trung úy Bảo an về đến đồn với thân hình bê bết máu và gương mặt hoảng loạn vì sợ hãi. Mấy ngày sau thì chết vì… nọc rắn cắn.
Kiểm chứng sự kiện này, nhiều cán bộ cách mạng hưu trí tại địa phương hoạt động trong thời điểm đó xác nhận sự việc này hoàn toàn có thật. Sự việc xảy ra vào ngày 14/1/1960, là ngày bà Nguyễn Thịị Định (Phó bí thư Tỉnh ủy) và ông Hai Thủy (Tỉnh Ủy viên) tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ đã về đình Rắn chỉ huy chiến dịch Đồng Khởi. Lê Xuân Khánh - Trưởng ty Công an Kiến Hòa (thời Tổng thống Ngô Đình Diệm) đánh hơi được đã chỉ thị cho một trung úy Bảo an tên Minh tuyển một trung đội lính thiện chiến đi phục kích bắt “cán bộ lãnh đạo Việt Cộng” để đập tắt phòng trào Đồng Khởi.
Lúc đó ông Lê Minh Đào (sau này là đại tá, Chỉ huy phó Quân khu 8)- là Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre vừa được mới điều sang chỉ huy Tỉnh đội Bến Tre đã lãnh nhiệm vụ tổ chức chặn đánh trung đội lính Bảo An của trung úy Minh. Do lúc đó, súng ống, đạn dược còn thiếu, đồng chí Ba Đào đã có sáng kiến tổ chức cho du kích dùng rắn độc làm bẫy đặt trên đường tiến quân của toán lính Bảo An này. Sẵn ám ảnh chuyện rắn thần lan truyền trong dân chúng, giờ gặp “bẫy rắn” lổn ngổn trên đường, trung đội lính Bào An của trung úy Minh chưa đánh đã hoảng loạn tháo chạy. Quân du kích của Ba đào đã không tốn 1 viên đạn vẫn khiến đám lính Bảo An mất vía.
Còn mãi với thời gian
Trải qua nhiều lần bom dội, pháo dập ngôi đình vẫn hiên ngang tồn tại cho đến ngày giải phóng 30-4-1975. Còn chuyện cặp "rắn thần ở đình Định Thủy" được dựng thành kịch bản hoàn hảo và lan truyền trong dân chúng thời bấy giờ thì tác giả không ai khác là bà Nguyễn Thị Định và ông Hai Thủy. Đó là cách tuyên truyền đánh vào tâm lý của quân lính VNCH khiến chúng sợ sệt, hoang mang không dám léo hánh vào khu vực đình Rắn. Bởi ngôi đình Rắn chính là nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định lập kế hoạch và chỉ đạo chiến dịch Đồng Khởi vào ngày 17/1/1960.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), một lần nữa người ta lại đồn cặp rắn thần đã trở về rừng sâu, núi thẳm vì cuộc sống dân làng đã thanh bình, không cần “thần rắn” bảo vệ nữa. Trong khi đó, các bô lão địa phương cũng bắt tay tôn tạo lại ngôi đình bằng cây lá đơn sơ để thờ cúng và cũng để tưởng nhớ đến những ngày hoạt động bí mật gian khổ của các cán bộ cách mạng trong phong trào đồng khởi của tỉnh Bến Tre. Đến năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn đã ký quyết định công nhận ngôi đình Rắn ở xã Định Thủy là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2003, Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo đầu tư, phục dựng lại ngôi đình thật khang trang trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn, xã Định Thủy như hình ảnh đã thấy bây giờ.
Và cũng từ đây, vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch mỗi năm, hàng ngàn người từ các nơi đổ về ngôi đình Rắn nổi tiếng để viếng cảnh, tham quan hội đình. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Tường Niệm