Các cuộc đụng độ liên quan đến phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông đã leo thang dữ dội vào cuối ngày hôm qua (21.7) sau khi những kẻ đeo khẩu trang trắng được cho là các thành viên của tổ chức xã hội đen khét tiếng lao vào tấn công những người biểu tình ở nhà ga Yeun Long ở Hồng Kông.

Người biểu tình Hồng Kông bị tấn công

Hoàng Vũ | 22/07/2019, 11:36

Các cuộc đụng độ liên quan đến phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông đã leo thang dữ dội vào cuối ngày hôm qua (21.7) sau khi những kẻ đeo khẩu trang trắng được cho là các thành viên của tổ chức xã hội đen khét tiếng lao vào tấn công những người biểu tình ở nhà ga Yeun Long ở Hồng Kông.

Vụ việc trên diễn ra vào đêm 21.7 và rạng sáng 22.7. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đã có ít nhất 36 người bị thương. Hiện, các nạn nhân đã được chuyển đến bệnh viện địa phương để chữa trị.

Những kẻ tấn công mặc áo trắng, đeo khẩu trang trắng đã tràn vào nhà ga Yeun Long để hành hung bất cứ ai mang mặt nạ đen, trang phục đặc trưng của nhóm những người biểu tình trẻ ở Hồng Kông – những người đang trở về từ cuộc tuần hành phản đối dự luật dẫn độ trước đó. Vụ tấn công kéo dài đến gần khoảng nửa đêm (theo giờ Hồng Kông).

Những kẻ quá khích thậm chí còn ném đồ vật vào cả các hành khách vô can khác, trong đó có cả nhà báo. Một số người biểu tình phải tìm cách tự vệ bằng dù hoặc ném nón bảo hiểm chống cự. Nhiều nhân chứng nghi ngờ nhóm hung thủ là thành viên của Hội Tam Hoàng.

Những kẻmặc áo trắng lao cả lên tàu điện ngầm hành hung người biểu tình, hành khách - Ảnh: SCMP

Một số nhân chứng cho biết không có cảnh sát xuất hiện tại nhà ga lúc xảy ra xô xát. Vào thời điểm cảnh sát đến hiện trường, các tay xã hội đen đã biến mất hết.

“Các người đã ở đâu? Các người có nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi cơ mà!”, những nạn nhân đã hét lên, thể hiện sự phẫn nộcủa họ với các sĩ quan cảnh sát.

Nhà lập pháp đảng Dân chủ Hồng Kông (HKNP) Lam Cheuk-ting – người bị thương trong vụ tấn công, cho biết anh rất tức giận vì phản ứng chậm của cảnh sát sau khi được thông báo về vụ đụng độ. Lam cho rằng cảnh sát Hồng Kông đã thất bại trong việc bảo vệ công chúng, cho phép “Hội Tam Hoàng” hoạt động tràn lan.

“Hiện tại, liệu chính quyền Hồng Kông có cho phép Hội Tam Hoàng làm những gì họ muốn, đánh bại mọi người trên đường phố bằng vũ khí không?”, Reuters dẫn lời Lam nói với các phóng viên.

Trong khi đó, một nạn nhân trong cuộc đụng độ lúc nửa đêm, buộc tội cảnh sát đã cố tình rút lui sau khi được gọi đến hiện trường.

Đến rạng sáng 22.7, gần 100 cảnh sát được huy động đến làng Nam Pin Wai, nơi hầu hết những kẻ tấn công mặc áo trắng đang tụ tập. Sau khi phong tỏa lối vào ngôi làng trong gần 3 tiếng, cảnh sát chỉ thẩm vấn qua loa vài nghi phạm. Không có đối tượng nào bị bắt giữ nhưng có một số thanh thép bị tịch thu.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sáng sớm 22.7, các quan chức cảnh sát tuyên bố họ không phát hiện đối tượng nào có hành vi phạm tội.

Yau Nai Keung, trợ lý chỉ huy phòng cảnh sát quận Yeun Long, cho biết: "Cảnh sát không thể tiến hành bắt giữ vì không có bằng chứng chắc chắn những đối tượng đó có tham gia vụ tấn công hay không. Ngay cả khi họ mặc áo trắng không có nghĩa họ liên quan đến vụ xô xát. Chúng tôi sẽ xử lý từng vụ án một cách công bằng, dù nghi phạm có quan điểm chính trị ra sao".

Chính quyền Hồng Kông cũng đã lên án các cuộc tấn công nói trên bằng một tuyên bố được đưa ra rạng sáng 22.7.

"Tại nhà ga Yeun Long, một nhóm người đã tập trung ở các khoang tàu, tấn công hành khách. Sự việc đã dẫn đến xô xát và nhiều người bị thương. Điều này là không thể chấp nhận được, trong một xã hội tôn trọng pháp luật như ở Hồng Kông. Chính quyền kịch liệt lên án bất cứ hành vi bạo lực nào và sẽ nghiêm túc thực hiện các biện pháp mạnh tay", thông cáo cho biết.

Sự việc trên xảy ra sau khi hàng chục ngàn người tiến về phía Văn phòng liên lạc của Trung Quốc để yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ bất chấp việc cảnh sát yêu cầu họ tuần hành qua tuyến đường khác. Tại đây, đám đông phong tỏa tòa nhà, dựng hàng rào và bắt đầu ném trứng, vẽ lên tường.

Theo nhóm tổ chức biểu tình, có 430.000 người xuống đường trong ngày 21.7, trong khi cảnh sát ước tính khoảng 138.000 người. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ đòi cải cách dân chủ, yêu cầu tiến hành bầu phổ thông đầu phiếu, đòi thành lập ủy ban độc lập điều tra những cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát.

Những người biểu tình chống dự luật chống dẫn độ trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động hôm 21.7 - Ảnh: Reuters

Được biết, dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đã châm ngòi làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Hồng Kông suốt hơn một tháng qua. Đáng chú ý, số người biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông có lúc đã lên đến đỉnh điểm mà theo các nhà tổ chức là tới 2 triệu người trong số 7 triệu dân của thành phố này.

Trước áp lực của các cuộc biểu tình, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 9.7 đã tuyên bố dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”, đồng thời thừa nhận chính quyền đã “thất bại hoàn toàn” trong tiến trình thông qua dự luật.

Tuy nhiên, những nhượng bộ do bà Lâm đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục để làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình, vì không có yêu cầu chính nào của họ - bao gồm rút lại hoàn toàn dự luật, bỏ các cáo buộc chống lại một số người biểu tình và sự từ chức của bà Lâm, được đáp ứng.

Trong khi các cuộc biểu tình chủ yếu là hòa bình, một số cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình đã trở nên bạo lực. Vào hôm 14.7, một cuộc biểu tình vào buổi chiều với sự tham gia của hàng chục ngàn người Hồng Kông đã kết thúc trong sự hỗn loạn tại một trung tâm mua sắm gần Sha Tin - khu vực những người Trung Quốc đại lục thường tới thăm, khiến 28 người bị thương, trong đó có 13 sĩ quan cảnh sát.

Đáng chú ý, vào thứ sáu tuần trước (19.7), cảnh sát Hồng Kông đã phát hiện một lượng lớn chất nổ lớn và 3 đối tượng bị bắt giữ. Ngoài vật liệu nổ, cảnh sát còn tìm thấy áo thun in biểu tượng đảng Dân chủ Hồng Kông (HKNP) luôn chủ trương đòi độc lập, tờ rơi phản đối dự luật dẫn độ, loa di động, mặt nạ phòng độc, mũ và kính bảo hộ. HKNP thừa nhận một nghi phạm là thành viên đảng này, nhưng phủ nhận có biết về âm mưu đánh bom.

Hoàng Vũ (theo SCMP, Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người biểu tình Hồng Kông bị tấn công