Tại Hội thảo “Khởi động điều trị dự phòng bằng thuốc trước phơi nhiễm HIV (PrEP), giai đoạn 2018-2020” vào chiều 30.11 tại TP.HCM, các chuyên gia y tế cho biết PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm dự phòng HIV bằng cách uống mỗi ngày một viên, đây là một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp.

Người nhiễm HIV không còn nghĩ đến ngày chết

01/12/2018, 07:29

Tại Hội thảo “Khởi động điều trị dự phòng bằng thuốc trước phơi nhiễm HIV (PrEP), giai đoạn 2018-2020” vào chiều 30.11 tại TP.HCM, các chuyên gia y tế cho biết PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm dự phòng HIV bằng cách uống mỗi ngày một viên, đây là một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/ AIDS (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: PV

Nếu một người dùng PrEP phơi nhiễm với HIV qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích ma túy, thì thuốc sẽ hoạt động để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi rút gây ra nhiễm HIV. PrEP rất hiệu quả khi dùng đúng cách, và đã được chứng minh làm giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% trở lên.

Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện cả nước ghi nhận 210.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 130.000 người đang được quản lý và điều trị thuốc kháng vi rút (ARV).

Bà Hương cho biết tổ chức y tế thế giới đánh giá rất cao công tác quản lý và điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam sau thời gian điều trị ARV, lượng vi rút trong người bệnh giảm xuống dưới 200 bản sao/đơn vị máu. Khi lượng vi rút giảm xuống dưới 200 bản sao/đơn vị máu thì người bệnh sẽ không còn phát hiện bị nhiễm HIV nữa, điều đó cũng có nghĩa là người bệnh không còn có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 93% bệnh nhân HIV điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng vi rút ức chế - không còn phát hiện nhiễm HIV nên không có đủ lượng để lây nhiễm HIV cho người khác. Điều này góp phần vào mục tiêu không còn ca nhiễm HIV mới, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ không còn người nhiễm HIV mới.

“Trước đây, cộng đồng người sống chung với HIV thường hỏi, bao lâu nữa họ sẽ chết; còn giờ đây thì hỏi, bao lâu nữa họ sẽ đạt ngưỡng không phát hiện nhiễm HIV”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, những người không nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW), và bạn tình âm tính của những người nhiễm HIV thì việc sử dụng dự phòng bằng thuốc trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp họ phòng ngừa hiệu quả bệnh HIV.

Sau 18 tháng triển khai thí điểm PrEP tại TP.HCM và Hà Nội, đến nay đã có hơn 2.000 người sử dụng PrEP. Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng PrEP thêm 9 tỉnh, thành vào năm 2019 và đến năm 2020 sẽ mở rộng ra 11 tỉnh, thành.

“Từ bằng chứng khoa học quốc tế cũng như bằng chứng trong nước qua chương trình thí điểm của USAID/PATH Healthy Markets và UNAIDS đã cho thấy PrEP là một phương pháp dự phòng HIV hiệu quả cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất. Đó là lý do tại sao Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia về PrEP giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu là cung cấp dịch vụ PrEP cho ít nhất là 7.300 người tại ít nhất là 11 tỉnh, thành vào năm 2020”, bà Hương chia sẻ.

Trong khi đó, bà Mary Tarnowka-Tổng Lãnh sự Mỹ tại đánh giá Việt Nam đang dẫn đầu trên toàn cầu trong việc duy trì bền vững ứng phó với HIV thông qua bảo hiểm y tế. Với giá trị gần 6 triệu USD đơn hàng ARV đầu tiên từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ cung cấp thuốc cho 33% bệnh nhân điều trị ARV trong năm 2019 tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang chứng tỏ quyết tâm mang lại những dịch vụ tốt nhất cho người dân và đã đi tiên phong trong việc thực hiện những sáng kiến mới như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), xét nghiệm xác định nhiễm mới và tự xét nghiệm.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nhiễm HIV không còn nghĩ đến ngày chết