Một phần chiếc đũa dài khoảng 2cm nằm trong ống tai trái của bệnh nhân suốt 7 năm qua, nhưng bệnh nhân vẫn cam chịu những cơn đau nhức và mủ chảy ở ống tai.
Chiều 17.10, TS.BS.CK2 Nguyễn Thanh Vinh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay, các bác sĩ ở đây vừa phẫu thuật lấy một phần của chiếc đũa ăn cơm bị gãy dài khoảng 2 cm nằm trong ống tai trái của nữ bệnh nhân suốt 7 năm qua.
Bệnh nhân là chị T.N.H.T (42 tuổi, ngụ ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng vành tai trái nề đỏ, ống tai ngoài trái hẹp, không thấy được màng nhĩ.
Qua điều tra bệnh sử của bệnh nhân được biết cách đây 7 năm - vào năm 2016, chị T. mang cơm cho thợ ăn thì bị tai nạn giao thông, xe ngã xuống đường, chiếc đũa bên phía trong túi xách cơm đâm thẳng vào lỗ tai trái. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy chiếc đũa ra ngoài.
Tuy nhiên sau đó, chị T. vẫn thấy bị đau nhức, thường xuyên có mủ ở lỗ tai trái. Quay trở lại tái khám, các bác sĩ nghi chiếc đũa lấy không hết nên đề nghị bệnh nhân phẫu thuật trở lại. Tuy nhiên, chị T. lo ngại không dám mổ.
Sau này, cứ lúc nào đau nhức, mủ chảy trong lỗ tai thì chị đến bệnh viện khám và mua thuốc uống. Tình trạng chảy mủ tai cứ tái phát nhiều lần, kéo dài suốt 7 năm qua dù chị đã uống thuốc và điều trị khắp nơi.
“Lúc bị tai nạn, tôi hôn mê không biết gì hết, các bác sĩ mổ lấy chiếc đũa ra khi nào không biết. Giờ nói mổ lấy chiếc đũa nữa nên tôi sợ, nhưng thấy đau quá lại còn chảy mủ thường thường xuyên nên đến Bệnh viện Tai Mũi Họng kiểm tra lại như thế nào”, chị T. kể.
Bác sĩ tiến hành chụp CT Scan tai cho bệnh nhân thì phát hiện hẹp ống tai ngoài trái, viêm tai ngoài - tai giữa trái, có cấu trúc đậm độ cao khoảng 2cm vùng ống tai ngoài trái.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để lấy dị vật khoảng 2cm ra khỏi ống tai trái của bệnh nhân. “Chúng tôi tiến hành mở thượng nhĩ và thám sát hòm nhĩ trái. Sau đó lấy dị vật ống tai ngoài trái và cắt lọc sẹo hẹp ống tai ngoài. Dị vật được lấy ra là một phần chiếc đũa bị gãy khoảng 2cm”, BS.CK2 Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Tai - Tai thần kinh cho biết.
Theo bác sĩ Vinh, đây là lần đầu tiên bệnh viện gặp một trường hợp bệnh nhân để dị vật trong ống tai lâu như thế. Rất may dị vật này nằm ngoài nhỉ. Tuy nhiên, dị vật này này làm rách màng nhĩ, chấn thương chuỗi xương con.
“Chuỗi xương con là một bộ phận dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đi vào bên trong, đóng vai trò tạo âm thanh, tạo ra sức khỏe cho con người. Như vậy, với việc vừa rách màng nhỉ, vừa chấn thương chuỗi xương con nên chất lượng nghe của bệnh nhân giảm”, bác sĩ Vinh chia sẻ.
Dù dị vật đã được lấy ra, sức nghe của bệnh nhân có cải thiện, nhưng theo bác sĩ Vinh, sau khi bệnh nhân đã ổn định tai ngoài, tai giữa các bác sĩ còn phải chỉnh hình lại chuỗi xương con, chỉnh hình lại màng nhĩ để cải thiện khả năng dẫn truyền âm thanh.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Vinh khuyến cáo, bệnh nhân khi có triệu chứng dị vật ở tai như: cảm giác đau tai, ù tai, chảy mủ tai, nghe kém.. phải đi đến bệnh viện chuyên khoa hay bác sĩ chuyên ngành giải quyết. Bệnh nhân phải kiên quyết, mạnh dạn, không nên e ngại, kéo dài thời gian như bệnh nhân này.
“Khi di vật để lâu trong ống tai sẽ gây ra phản ứng viêm tại chỗ và tạo thành sẹo hẹp ống tai ngoài. Điều này sẽ tạo ra môi trường yếm khí, tạo ra khối mô viêm và gây ra nhiều biến chứng”, bác sĩ Vinh nói.