Hạ Kiến Khôi (He Jiankui), nhà khoa học Trung Quốc đã "bặt vô âm tín" sau khi tuyên bố chấn động cộng đồng khoa học về thành công trong việc sinh ra hai bé gái chỉnh sửa gen đầu tiên, châm ngòi cho những chỉ trích kịch liệt về đạo đức trên toàn thế giới.
Ông Hạ Kiến Khôi đã trở thành tâm điểm chú ý trên toàn thế giới kể từ khi tuyên bố thành công trong việc chỉnh sửa DNA cho 2 bé gái sinh đôi nhằm giúp các em có khả năng kháng lại vi rút HIV. Việc chỉnh sửa gen được nhà khoa học này tiến hành trong quá trình điều trị khả năng sinh sản cho một cặp vợ chồng, trong đó người vợ mang song thai với chồng bị dương tính HIV. Dù vậy, các nhà khoa học khác đã nói rằng còn quá sớm để biết điều này có thực sự thành công hay không.
Tuy nhiên, sau khi đưa ra tuyên bố chấn động trên tại một hội thảo khoa học hôm thứ 4 tuần trước, nhà khoa học này dường như đã "biến mất" một cách bí ẩn. Các đồng nghiệp khoa học của ông cho biết không thấy bóng dáng của Hạ Kiến Khôi kể từ hôm 28.11. Điều này làm dấy lên đồn đoán nghi ngờ rằngông có thể đã bị quản thúc bởi chính phủ nhằm điều tra các thí nghiệm trên.
Trả lời trước các phương tiện truyền thông, phát ngôn viên của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam tỉnh Thẩm Quyến (Trung Quốc), nơi ông Hạ Kiến Khôi đang nghiên cứu và giảng dạy, nói rằng lời đồn đoán ông bị quản thúc bởi chính phủ Trung Quốc là không đúng sự thật. Vị này cho biết: “Hiện giờ không có bất kỳ thông tin nào chính xác ngoại trừ thông tin từ các nguồn chính thống của chính phủ”. Người phát ngôn trên nói thêm rằng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam sẽ không bình luận thêm về tung tích của nhà khoa học Hạ Kiến Khôi, cựu nghiên cứu sinh của đại học Standford.
Được biết, nhà khoa học Hạ Kiến Khôi đã tuyên bố các bé gái sau khi được chỉnh sửa gen đã được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và nói rằng ông rất “tự hào” về công trình của mình. Điều này thậm chí còn mang lại cho ông biệt danh “Frankenstein Trung Quốc”.
Tuy vậy, công bố này liên tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới. Họ cho rằng, thí nghiệmnhư vậy có thể vi phạmđạo đức nghiêm trọng, và hơn nữa, việc này đã được tiến hành một cách không minh bạch. Việc chỉnh sửa gen phôi thai bị cấm ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Ở Anh, việc chỉnh sửa phôi thai là được phép nhưng chỉ là cho mục đích nghiên cứu với sự phê duyệt rất nghiêm ngặt. Các nhà khoa học cũng cho biếtviệc chỉnh sửa gen có thể làm giảm sức đề kháng của trẻ đối với một số căn bệnh khác.
Hoàng Vũ (theo RT)