Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết cho tuổi mới lớn xưa nay là những tác phẩm mà trong đó chúng ta thấy rõ tác giả thực sự tắm mình trong dòng sông tuổi thơ, chứ không phải là kẻ đứng trên bờ để nhìn ngắm và miêu tả...
Anh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhà văn viết cho thanh thiếu niên nhiều nhất Việt Nam. Anh trở thành thầy cãi của tuổi mới lớn.
Tác phẩm đầu tiên in thành sách của Nguyễn Nhật Ánh là một tập thơ, có tênThành phố tháng Tư(NXB Tác phẩm mới, năm 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên làTrước vòng chung kết(NXB Măng non, năm 1985). Càng về sau, nhà văn này càng thiên về viết văn xuôi, chuyên sáng tác cho tuổi mới lớn.
Vì sao sống giữa đô thị hiện đại nhất nước, anh chọn đứng về phe của tuổi mới lớn, với những câu chuyện phảng phất miền quê? Nguyễn Nhật Ánh cãi: “Tuổi mới lớn, như tên gọi của nó, là lứa tuổi đã không còn là trẻ con nhưng lại chưa thực sự trở thành người lớn. Chính vì vậy mà tâm lý và tính cách của lứa tuổi này rất đặc biệt, nói rõ hơn là chưa định hình, nên rất khó nắm bắt. Bên cạnh những thao tác văn chương thuần kỹ thuật, nhà văn viết truyện cho tuổi mới lớn có lẽ cần nhiều hơn sự đồng cảm về mặt tâm hồn với đối tượng đặc biệt này mới có thể tạo ratrước hết là sự tin cậy,và kéo theo nó là sự chấp nhận của bạn đọc”.
“Hơn nữa, tôi lại là một người Quảng Nam, từ xưa đây đã là một trong những địa phương có con dân đi lưu lạc nhiều nhất nước. Vì vậy nỗi hoài nhớ quê hương trong lòng người Quảng Nam xa xứ dằng dặc và rất sâu đậm. Vào Sài Gòn, đa số người Quảng tha hương sống quần tụ tại làng dệt Bảy Hiền, Tân Bình. Để gần gũi, nương tựa và giúp đỡ nhau là một lẽ. Lẽ khác, để thỏa mãn cái nhu cầu sâu xa về mặt tinh thần: được sinh hoạt, cãi cọ, chung đụng giữa một cộng đồng thân thuộc”.
“Lạc vào khu Bảy Hiền, có cảm giác người Quảng xa xứ đã tìm cách bê nguyên cái làng ruột thịt của mình theo. Tôi là nhà văn nên tôi thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của người hành nghề bằng con chữ. Những kỷ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Có thể đó là nguyên nhân sâu xa khiến tôi trở thành nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ, tuổi thiếu thời - một thế giới lung linh mà một kẻ tha hương không nguôi nhớ đến và tìm mọi cách tái tạo trong những trang viết của mình”.
Thực sự vậy, những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn thành công xưa nay là những tác phẩm mà trong đó chúng ta thấy rõ tác giả thực sự tắm mình trong dòng sông tuổi thơ, chứ không phải là kẻ đứng trên bờ để nhìn ngắm và miêu tả...
Nhà văn Mai Sơn đồng tình: “Tôi nghĩ xã hội càng đô thị, càng công nghiệp thì càng cần có thêm những thầy cãi như Nguyễn Nhật Ánh. Họ là người cung cấp món ăn tinh thần bổ ích cho các bạn nhỏ tuổi sống xa thôn quê, đồng nội, đưa các em vào thế giới kỳ diệu của chữ nghĩa và sự tưởng tượng, nhưng trên hết là giúp các em hình thành thói quen đọc sách, hay nói cho to tát là sớm đưa các em vào văn hóa đọc. Mà thứ văn hóa này, như chúng ta cũng đã biết, không có thói quen thì không thủ đắc được. Hơn nữa, thế giới kỳ ảo của văn học thiếu nhi, thiếu niên là rất cần thiết để bồi bổ tâm hồn đang còn hoang sơ thuần phác của các em. Khi lớn lên, từ giã thế giới đó, các em sẽ có cái nhìn điềm tĩnh hơn vào cuộc sống. Còn hơn là đến khi trưởng thành mới bắt đầu đọc sách, toàn những thứ sách khó, người ta dễ bị ảo tưởng về nhiều thứ, trong đó có ảo tưởng về văn học”.
Nguyễn Nhật Ánh cũng là người dệt mộng. Và những ai cần các giấc mộng đó? Để trả lời câu hỏi tại sao bộ truyện về Harry Potter lại trở thành sách bán chạy trên toàn thế giới thì cũng thật khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội học, có thể hiểu các nhân vật pháp thuật, các nhà giả kim, các trường dạy phù thủy… là nơi khởi nguồn các giấc mơ về khoa học, hóa học, y học. Thời Trung cổ ở phương Tây, chính thống giáo quy tội các nhà khoa học, nhà y học độc lập, kiểu lang vườn này là phù thủy, là tiếp tay cho tà ma… cần phải hủy diệt. Gần đây, rất nhiều các tiểu thuyết bán chạy (như các cuốn của Dan Brown), các phim ăn khách, thật ngẫu nhiên, lại xoáy vào đề tài “phản Vatican” này và được chào đón. Nhân vật Harry Potter đã trả lại cho trẻ em, tuổi mới lớn ở phương Tây giấc mơ cổ tích, nơi mỗi cá nhân có quyền nuôi giấc mộng, xây giấc mơ, sự độc lập của riêng mình. Hơn nữa, trước khi thành sách bán chạy, J.K.Rowling cũng chỉ nghĩ mình viết như là cách để nuôi dưỡng cuộc sống đang tuyệt vọng, là cách hồi ức về thời tuổi trẻ, mơ mộngcủa mình.
Ở một cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa đọc thấp và hẹp hơn, Nguyễn Nhật Ánh cũng đã là người bắt cầu mộng cho lứa tuổi đang rất cần sự mơ mộng. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Nhật Ánh thành công vì gần như anh đang một mình một chợ, nhưng thực ra, số người muốn viết cho lứa tuổi này cũng không ít, nhưng sau một hai tác phẩm thất bại thì thường vỡ mộng, bỏ nghề. Viết cho lứa tuổi này thì cốt tử vẫn phải có một giấc mộng, nhưng không phải ai cũng thấy mình gần với mộng để mà viết. Mộng của Nguyễn Nhật Ánh thường không gắn với phép thuật, chuyện phiêu lưu kỳbí, mà là những chốn sống thường nhật, quê kiểng, nhưng được lãng mạn hóa. Ví dụ như chuyện Tin mơ đống cát của ba sẽ trở thành hòn đảo vĩnh viễn, nghe tưởng dễ thực hiện, nhưng ở đời, mấy khi con cái được cha mẹ thông cảm, được nhường cho đống cát ấy.
Sự thông cảm, bao dung này càng khó khăn hơn nếu phải đứng ngoài chính ta, hoặc những thứ chưa thân thuộc của chính ta, như nhân tình thế thái, như tha nhân chẳng hạn. Như Jean-Paul Sartre chẳng phán đó sao: “L'enfer, c’est les autres” (địa ngục, là tha nhân). Chính vì trong cõi tha nhân và thực dụng đến khô cứng đó, rất nhiều người vẫn muốn tìm lại tinh cầu đơn côi, thanh khiết, mơ mộng của cậu hoàng con thấu hiểu lẽ đời trongLe Petit Prince(Hoàng tử bé) của Antoine de Saint-Exupéry. Hòn đảo cát của Tin trong cuốnĐảo mộng mơ của Nguyễn Nhật Ánh - cũng như nhiều địa điểm khác mà anh đã tạo ra - là tiếp nối cảm hứng miên viễn từ giấc mộng luôn dang dở của đời người, nơi thời gian chóng qua, tuổi mơ mộng thì ngắn ngủi.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những bút danh và email của Nguyễn Nhật Ánh là “cậu hoàng nhỏ”, dường như anh muốn kể tiếp các chuyến phiêu lưu tinh thần củaHoàng tử bé. Và trong một xã hội nặng về đồng tiền, danh vọng và lý tính (xã hội dành cho người lớn) như ngày nay, các giấc mộng dường như hết đất sống, dù lứa tuổi mơ mộng thì rất nhiều, chính vì vậy, ai đáp ứng được giấc mộng thì được lứa tuổi này chào đón, tri ân. Nguyễn Nhật Ánh đáp ứng được, nên mặc nhiên trở thành thày cãi của và cho tuổi mới lớn.
Lý Đợi/ Cá tính Quảng