Bên cạnh những nguyên nhân như Trung Quốc siết chặt thương mại mậu biên, cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường ảnh hưởng đến nhu cầu, thì đồng nhân dân tệ mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Nhân dân tệ mất giá, thủy sản Việt gặp khó trên thị trường Trung Quốc

tuyetnhung | 16/05/2019, 17:21

Bên cạnh những nguyên nhân như Trung Quốc siết chặt thương mại mậu biên, cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường ảnh hưởng đến nhu cầu, thì đồng nhân dân tệ mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Trung Quốc là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỉ USD/năm và được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh gần 50% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 với gần 1,3 tỉ USD, năm 2018, hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đảo chiều, giảm 5%, đạt trên 1,2 tỉ USD. Quý 1/2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tiếp tục đà sụt giảm 5%, đạt 239 triệu USD.

Mới đây, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang bị phá giá thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12.2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung leo thang.

Trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VNĐtrước USD, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VNĐlà rất lớn.

Vì thế, giá trị của VNĐso với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng thủy sản, sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn nhờ lợi thế giá thành thấp hơn, trong khi đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng VNĐ. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Hiện nay, theo VASEP, có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa và gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản.

Một số lượng đáng kể doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản xuất khẩu nói chung, và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.

"Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít nhiều đã và đang gây ảnh hưởng đến thương mại thủy sản của Trung Quốc khiến cung – cầu xáo trộn. Các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc rõ ràng đang có xu hướng lựa chọn tôm Ấn Độ giá rẻ thay vì tôm Việt Nam trong thời gian gần đây, khiến cho xuất khẩu tôm Việt Nam bị sụt giảm liên tục từ năm ngoái đến nay.

Với các yếu tố không thuận lợi như hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2019 khó có thể phục hồi và trong điều kiện lạc quan nhất có thể sẽ tương đương với năm 2018", VASEPdự báo.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân dân tệ mất giá, thủy sản Việt gặp khó trên thị trường Trung Quốc