Lần cuối cùng Viettel đăng quang tại giải U.19 là năm 2009, khi họ đánh bại chủ nhà HAGL sau loạt luân lưu. Giải tại Tây Ninh năm nay, Viettel muốn chấm dứt cơn khát này.
Hành trình 14 năm chờ đợi
Viettel hay Thể Công trước đây là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ danh tiếng số 1 Việt Nam. Chính thế hệ của Thạch Bảo Khanh đã vô địch giải U.21 Thanh Niên lần thứ nhất vào năm 1997 và sau đó, lò đào tạo trẻ bóng đá quân đội đã cung cấp rất nhiều tài năng cho đội tuyển Việt Nam.
Ở cấp độ giải U.19, Viettel từng 3 lần đăng quang và thành tích đó chỉ kém so với Hà Nội (6 lần), SLNA (5 lần). Tuy nhiên, lần cuối cùng Viettel đăng quang tại giải U.19 là năm 2009, khi họ đánh bại chủ nhà HAGL sau loạt luân lưu.
Suốt thời gian sau đó, Viettel không thể nâng thành tích của mình lên hơn dù ở giải nào họ cũng được đánh giá cao. Đặc biệt, giải 2016 ở Nha Trang và giải năm ngoái tại Hưng Yên, Viettel đều vào đến chung kết nhưng để thua người hàng xóm nhiều duyên nợ là Hà Nội.
Cho đến giờ, nhiều cầu thủ của Viettel vẫn chưa thể quên cảm giác chua xót khi nhớ lại giải đấu năm ngoái. Viettel khi đó đã chơi một thứ bóng đá hủy diệt như Hà Lan thập niên 70. Tại vòng loại, họ là đội duy nhất toàn thắng cả 8 vòng đấu, ghi nhiều bàn nhất với 30 lần làm tung lưới đối phương, trung bình 3,75 bàn mỗi trận. Thậm chí trong số 8 trận thắng đó thì chỉ có 1 trận thắng sát nút còn đâu toàn thắng cách biệt rất thuyết phục.
Tại vòng bảng năm ngoái, Viettel tiếp tục chứng tỏ ưu thế dù chung bảng với PVF (khi đó là ĐKVĐ), HAGL và Long An. Viettel đã toàn thắng 3 trận vòng bảng năm ngoái mà còn không để thủng lưới lần nào. Đó là thành tích mà cả 12 đội dự VCK đều không làm được, kể cả Hà Nội.
Tại tứ kết, Viettel thắng Sài Gòn 2-0 rồi tại bán kết thắng tiếp SLNA 2-0. Viettel bước vào chung kết với thành tích toàn thắng 5 trận tại VCK, không để thủng lưới bàn nào và tràn đầy tự tin khi tái ngộ Hà Nội. Trận chung kết đó, Viettel dẫn trước trong hiệp 1 và chức vô địch tưởng chừng đã là của họ khi lợi thế duy trì đến tận phút 88. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi không tập trung cuối trận, Viettel phải trả giá. Kết cục, họ gục ngã sau khi chứng kiến Nguyễn Văn Trường của Hà Nội ghi bàn từ giữa sân trong lúc Viettel dâng cao đội hình.
Sức mạnh tại vòng loại
Nước mắt rồi cũng khô, Viettel năm nay bước vào mùa chinh phục mới. Trong đội hình của họ không còn Khuất Văn Khang - người đã thành trụ cột của U.22 Việt Nam dự SEA Games tới. Vua phá lưới Nguyễn Văn Tú cũng không còn thi đấu do cũng sinh năm 2003 như Văn Khang. Tuy nhiên, lò đào tạo trẻ Viettel không thiếu nhân tài và họ đã thể hiện bộ mặt đầy ấn tượng tại vòng loại.
Tuy không thể toàn thắng như vòng loại năm ngoái nhưng phải thấy rằng các đối thủ năm nay không dễ chơi như FC Hải Nam, PVF 2, Đắk Lắk hay Bình Định. Nằm trong bảng tử thần năm nay với Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Công an Hà Nội và Quảng Ngãi nhưng Viettel giành vé khá nhàn hạ. Chỉ duy nhất đối thủ ngang cơ Hà Nội là có thể khiến Viettel không tìm ra chiến thắng. Nhưng Hà Nội cũng không thể hạ Viettel trong 2 trận thư hùng ngang tài ngang sức.
Suốt quá trình vòng loại, Viettel luôn nằm ở top 2. Sau khi đánh bại Thanh Hóa ở lượt thứ 5, Viettel liên tục giữ vị trí số 1 cho đến khi kết thúc vòng loại. Thậm chí, họ còn chính thức đứng đầu bảng tử thần để giành 1 tấm vé đến VCK trước 1 lượt đấu. Nếu có “tì vết” trong vòng này của Viettel chính là việc họ không giữ được thành tích bất bại do lượt cuối để thua Thanh Hóa khá bất ngờ.
Thất bại có tính toán đó giúp Viettel giữ cho các cầu thủ trụ cột có đôi chân lành lặn trước khi bước vào VCK. Chỉ tiếc là việc Viettel không bung sức đá trận cuối là nguyên nhân khiến một đội rất mạnh của giải là PVF gián tiếp bị loại do Thanh Hóa trở thành đội xếp thứ 3 xuất sắc nhất 5 bảng.
Nhìn lại trong suốt hành trình từ đầu vòng loại cho đến khi giành vé ở lượt áp chót, Viettel đã thể hiện sức mạnh hủy diệt khi cuốn phăng các đội trong bảng (trừ Hà Nội). Trong 9 trận giành vé (không tính trận cuối), Viettel đã ghi tổng cộng 29 bàn trong khi các đội ghi nhiều bàn tiếp theo là Bình Dương (24 bàn), Khánh Hòa (23 bàn), Hà Nội (22 bàn), HAGL (19 bàn).
Thời điểm ghi bàn để khiến hệ thống phòng ngự của đối thủ sụp đổ cũng thể hiện sức mạnh của Viettel. Trong chiến dịch vòng loại lần này, Viettel có 6 trận khoan thủng lưới đối phương ngay trong nửa đầu hiệp 1, trong đó có 4 trận mà bàn khai thông bế tắc được ghi trong vòng 10 phút đầu. Điều đó cho thấy áp lực mà hàng công Viettel tạo ra thực sự lớn. Ngay cả khi đối thủ chơi phòng ngự chủ động thì cũng không chống được những mũi khoan của đội bóng quân đội.
Đồng thời, trong 7 chiến thắng của Viettel thì có 6 chiến thắng là với cách biệt 2 bàn trở lên. Không đội nào tại vòng loại có thắng lợi cách biệt nhiều như Viettel. HAGL tuy thắng 9 trận tại vòng loại nhưng chỉ có 5 thắng lợi cách biệt, Bình Dương có 7 trận thắng tại vòng loại cũng chỉ có 4 thắng lợi cách biệt. Nói như vậy để thấy Viettel năm nay dù không toàn thắng như năm ngoái nhưng nội lực và khả năng công phá của họ vẫn cứ là thâm hậu nhất giải đấu.
Trong số những người chơi xuất sắc của Viettel phải kể đến tiền vệ Nguyễn Hữu Tuấn. Dù chỉ cao 1,66 mét - thấp nhất Viettel nhưng tiền vệ này lại là người thường xuyên ghi bàn với 4 trận lập công. Nguyễn Đăng Dương tuy đăng ký là một hậu vệ nhưng với chiều cao tốt 1,82 mét cũng có 4 trận lập công với 6 bàn thắng gồm 2 cú đúp. Cầu thủ đeo số áo lớn nhất giải (99) lại là người ghi nhiều bàn nhất cho đội bóng có hàng công mạnh nhất vòng loại. Ngoài ra phải kể tới tiền đạo Phạm Văn Phong cũng lập công trong 3 trận, Tiêu Trung Tuấn với 4 bàn gồm một cú hat-trick… Họ sẽ là những nhân tố mới của Viettel tại giải đấu đủ sức gánh vác khoảng trống mà Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Tú để lại.
Danh sách những ngôi sao của Viettel ghi bàn tại vòng loại
Trận thắng Quảng Ngãi 7-0: Nguyễn Thành Đạt (27) 4’, 31’; Phạm Văn Phong (18) 14’; Nguyễn Hữu Tuấn (19) 35’; Nguyễn Thành An (22) 42’; Tiêu Trung Hiếu (29) 77’; Nguyễn Hữu Thái Bảo (12) 84’
Trận thắng Hải Phòng 3-0: Phạm Văn Phong (18) 9′; Nguyễn Đăng Dương (99) 57′, 90+1′
Trận hòa Hà Nội 1-1: Nguyễn Hữu Tuấn (19) 16’
Trận thắng Công an Hà Nội 1-0: Phạm Văn Phong (18) 57′
Trận thắng Thanh Hóa 3-1: Nguyễn Đăng Dương (99) 21’, 44′, Nguyễn Hữu Tuấn (19) 59′
Trận thắng Quảng Ngãi 4-0: Nguyễn Công Phương (8) 53′, Nguyễn Đăng Dương (99) 67′, Đỗ Văn Chí (16) 85’, 90’+1
Trận thắng Hải Phòng 4-0: Tiêu Trung Hiếu (29) 6′, 13′, 63′; Nguyễn Hoàng Khanh (28) 57′
Trận hòa Hà Nội 1-1: Nguyễn Công Phương (8) 47′
Trận thắng Công an Hà Nội 5-1: Nguyễn Hữu Tuấn (19) 4′; Nguyễn Đăng Dương (99) 9′; Đỗ Văn Chí (16) 42′; Tiêu Trung Hiếu (29) 52′; Ngô Gia Tuấn (26) 62′
Vòng chung kết Giải bóng đá Vô địch U.19 quốc gia sẽ chính thức được diễn ra tại Tây Ninh. Bắt đầu từ ngày 22.4 đến 4.5, 25 trận đấu hấp dẫn của 12 đội bóng tiêu biểu ở vòng bảng là Viettel, Hà Nội, Đông Á Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Khánh Hòa, Becamex Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang cùng đội chủ nhà Tây Ninh sẽ được diễn ra.
12 đội bóng xuất sắc sẽ tranh tài từ ngày 22.4 đến 4.5 tại sân vận động tỉnh Tây Ninh và sân Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh.
Lễ khai mạc Vòng chung kết Giải bóng đá Vô địch U.19 quốc gia 2023 sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ 15 ngày 22.4 tại SVĐ tỉnh Tây Ninh. Các trận đấu trong khuôn khổ của mùa giải sẽ được mở cửa miễn phí.
Ngoài ra, khán giả có thể theo dõi trực tuyến thông qua livestream trên các nền tảng như: Fanpage U.19 - U.21 Thanh Niên; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh; kênh YouTube Thể thao 360 (Báo Thanh Niên); VFF Channel (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam)...
Thông tin VCK giải U.19 quốc gia