Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 26,5% trong hai tháng đầu năm 2023 tính theo số lượng, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này được công bố hôm 7.3.

Nhập khẩu chip 2 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc giảm 26,5% do lệnh trừng phạt từ Mỹ

Sơn Vân | 07/03/2023, 23:28

Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 26,5% trong hai tháng đầu năm 2023 tính theo số lượng, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này được công bố hôm 7.3.

Trung Quốc đã nhập khẩu 67,6 tỉ mạch tích hợp (IC) trong tháng 1 và tháng 2.2023, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan nước này công bố. Con số đó lớn hơn mức giảm 15,3% được ghi nhận cho cả năm 2022. Đây là mức giảm nhập khẩu IC hàng năm đầu tiên của Trung Quốc trong hai thập kỷ.

Tổng giá trị IC nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023 cũng giảm 30,5% xuống còn 47,8 tỉ USD, giảm so với mức 68,8 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.

Giá chip giảm trong năm 2023 do dư cung và nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Đây là sự đảo ngược so với 2022 khi giá vẫn tăng khi thị trường phục hồi sau tình trạng thiếu chip năm 2021.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với ít lựa chọn nhập khẩu hơn do Mỹ đã tăng cường hạn chế xuất khẩu với chip tiên tiến, đặc biệt là những chip có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như bộ xử lý đồ họa (GPU) A100 của Nvidia. Trung Quốc đã tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước bằng cách sử dụng các nút quy trình trưởng thành.

Hai tháng đầu năm 2022, tổng lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc chỉ giảm 4,6% so với cùng kỳ 2021 xuống 92 tỉ, trong khi tổng giá trị IC nhập khẩu tăng 19,2%. Hải quan Trung Quốc thường kết hợp dữ liệu thương mại của tháng 1 và tháng 2, khi dòng chảy thương mại thường chậm lại do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu IC của Trung Quốc trong tháng 1 và 2.2023 đã giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 37,3 tỉ chiếc, so với mức tăng 0,5% trong một năm trước. Tổng giá trị IC xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và 2.2023 giảm 25,8%.

nhap-khau-chip-2-thang-dua-2023-cua-trung-quoc-giam-265.jpg
Nhập khẩu IC của Trung Quốc đã giảm 26,5% trong tháng 1 và tháng 2.2023, còn xuất khẩu giảm 21% - Ảnh: Shutterstock

Những số liệu mới nhất phản ánh áp lực ngày càng gia tăng lên ngành công nghệ bán dẫn của Trung Quốc khi Mỹ cố gắng hạn chế khả năng truy cập và sản xuất chip cùng thiết bị sản xuất chip tiên tiến của đối thủ địa chính trị.

Tháng 10.2022, Cục Công nghiệp và An ninh, cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đã tăng cường các hạn chế đó một cách đáng kể thông qua bản cập nhật nhắm vào khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển và duy trì siêu máy tính cũng như sản xuất bộ vi xử lý tiên tiến được sử dụng cho các ứng dụng quân sự, gồm cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vào tháng 1, Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Hà Lan để thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Đây là động thái được cho là sẽ khiến các nhà cung cấp Hà Lan và Nhật Bản ngày càng khó bán hàng cho Trung Quốc.

Dù Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan vẫn chưa chính thức tiết lộ chi tiết về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu của họ, nhiều người suy đoán rằng hệ thống in khắc tia cực tím sâu nhúng ArF (DUV) của ASML (Hà Lan) sẽ bị giới hạn ở Trung Quốc. Những máy này, sử dụng công nghệ laser để cơ bản khắc một mạch được thiết kế sẵn lên một đĩa bán dẫn, cho phép xử lý in thạch bản trong phạm vi từ 45 nanomet đến 7 nanomet.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ chiếm gần 90% thị phần cung cấp máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến, vốn đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019.

Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế hơn nữa doanh số thiết bị sản xuất chip cũng sẽ che mờ triển vọng của các nhà cung cấp hệ thống DUV Nhật Bản cho Trung Quốc, chẳng hạn như Nikon và Canon. Trong khi đó, Tokyo Electron cạnh tranh ở các phân khúc khác của thị trường thiết bị sản xuất chip, chẳng hạn các công cụ khắc và phủ tiên tiến.

Vào tháng 2, SMIC (hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) cảnh báo rằng việc sản xuất hàng loạt tại nhà máy mới trị giá 7,6 tỉ USD của họ ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) có thể bị hoãn lại từ một đến hai quý do khó khăn trong việc mua thiết bị.

SMIC cho biết lợi nhuận của họ đã giảm hơn 1/4 trong quý 4/2022, do nhu cầu của người tiêu dùng với smartphone và máy tính xách tay giảm gây áp lực lên ngành. Trong ba tháng kết thúc vào ngày 31.12.2022, lợi nhuận của  SMIC đã giảm hơn 26% so với cùng kỳ xuống còn 425,5 triệu USD.

Doanh thu quý 4/2022 của SMIC đạt 1,6 tỉ USD, giảm 15% so với quý trước nhưng tăng 2,6% so với một năm trước đó.

Tổng doanh thu của SMIC năm 2022 tăng gần 34% lên 7,27 tỉ USD, so với 5,44 tỉ USD trong năm 2021.

SMIC cho biết ngành công nghiệp bán dẫn có khả năng vẫn ở đáy của chu kỳ trong nửa đầu năm 2023, điều này có thể làm doanh thu quý 1/2023 của công ty giảm tới 12% so với quý 4/2022.

Các hoạt động sản xuất khác của Trung Quốc đã phục hồi vào tháng 1 và tháng 2.2023 sau khi từ bỏ chính sách Zero COVID hồi tháng 12.2022, làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của dữ liệu thương mại.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt qua kỳ vọng vào tháng trước với mức tăng lên 52,6, tăng từ 50,1 trong tháng 1 và là mức cao nhất kể từ tháng 4.2012. PMI sản xuất của Caixin/S&P Global đã tăng lên 51,6 vào tháng 2, tăng từ 49,2 trong tháng Giêng.

PMI là chỉ số kinh tế đo lường mức độ hoạt động của ngành công nghiệp trong một khu vực hoặc quốc gia nào đó. PMI thường được tính bằng cách thu thập thông tin từ các nhà quản trị mua hàng của các công ty trong ngành sản xuất về các chỉ tiêu quan trọng như sản lượng sản xuất, đơn đặt hàng, giá cả, tuyển dụng và nhu cầu của khách hàng.

PMI sản xuất Caixin/S&P Global là chỉ số kinh tế được tính toán bằng cách sử dụng dữ liệu khảo sát từ các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ số này được phát hành hàng tháng và đo lường sự khởi sắc của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng đó. PMI sản xuất Caixin/S&P Global được tính toán bằng cách sử dụng một số chỉ tiêu khác nhau, bao gồm mức độ tăng trưởng sản xuất, đơn đặt hàng mới, sản xuất xuất khẩu và số lượng việc làm trong ngành sản xuất.

Bài liên quan
Các hãng chip Mỹ 'đi trên dây' khi cố duy trì hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc
Các công ty chip Mỹ lo ngại về việc mất thị phần khi cố gắng cân bằng lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt với chất bán dẫn tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhập khẩu chip 2 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc giảm 26,5% do lệnh trừng phạt từ Mỹ