Sự phát triển của Ấn Độ thành một cơ sở sản xuất smartphone lớn làm gia tăng mối lo ngại trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc rằng nước này có nguy cơ mất vai trò chính trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple.

Dân mạng Trung Quốc sợ Ấn Độ trở thành trung tâm chuỗi cung ứng sản xuất của Apple

Sơn Vân | 06/03/2023, 21:45

Sự phát triển của Ấn Độ thành một cơ sở sản xuất smartphone lớn làm gia tăng mối lo ngại trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc rằng nước này có nguy cơ mất vai trò chính trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple.

Tâm lý đó đã tăng lên vào tuần trước khi có thông tin Foxconn (Đài Loan), nhà cung cấp chính của Apple, có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới ở Ấn Độ để thúc đẩy sản xuất tại địa phương. Thông tin cho thấy sự chuyển dịch nhanh chóng sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Foxconn là cánh gió thời tiết (công cụ được sử dụng để hiển thị hướng gió - PV) của ngành sản xuất. Foxconn không chỉ trực tiếp tạo ra nhiều việc làm mà còn gián tiếp thúc đẩy nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp”, Gengbaixingjun, người có ảnh hưởng trực tuyến về kinh tế, viết hôm 6.3 trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, nơi ông có hơn 600.000 người theo dõi.

Gengbaixingjun cho biết thêm rằng sáng kiến mới nhất của Foxconn ở Ấn Độ đã biến quốc gia Nam Á này trở thành đối thủ của Trung Quốc về hợp đồng sản xuất thiết bị điện tử.

Hôm 6.3, các cư dân mạng khác cũng bày tỏ sự e ngại về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc. Người dùng Weibo có nickname Miguyuegeqian đã đặt câu hỏi liệu Foxconn có chuyển tất cả nhà máy của mình sang Ấn Độ hay không. Trong khi một người dùng Weibo khác có nickname Woniuxingdetuibian viết rằng: “Thật đáng tiếc khi nhiều doanh nghiệp đang chuyển đến Ấn Độ”.

Sự lo lắng như vậy chỉ tăng lên trong bối cảnh các quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ tuyên bố công khai về cách nước này sẽ trở thành một cơ sở chính cho sản xuất điện tử.

Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ, cho biết vào cuối tuần qua rằng ĐTDĐ sẽ là 1 trong 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của nước này vào năm 2024, tăng từ con số 0 trong năm 2014, theo báo cáo từ hãng thông tấn địa phương Asian News International.

Tờ báo cũng dẫn lời ông Rajeev Chandrasekhar nói rằng Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra tầm nhìn rằng “Ấn Độ sẽ là một người chơi quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu”, với mục tiêu sản xuất hàng điện tử trị giá 300 tỉ USD vào năm 2026.

dan-mang-trung-quoc-so-an-do-tro-thanh-trung-tam-chuoi-cung-ung-san-xuat-cua-apple2.jpg
Ông Rajeev Chandrasekhar phát biểu trong một cuộc họp báo ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Sự tự tin của các quan chức cấp cao chính phủ Ấn Độ trong việc thu hút thêm các nhà sản xuất điện tử đến nước này phản ánh thiệt hại gây ra cho danh tiếng của Trung Quốc bởi những rắc rối gần đây của Foxconn.

Foxconn đã nỗ lực khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại khu liên hợp sản xuất của mình ở trung tâm thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, sau những gián đoạn nghiêm trọng gồm cả các cuộc biểu tình của công nhân trở thành bạo lực và việc hàng chục ngàn nhân viên rời đi trong bối cảnh bùng phát dịch bắt đầu vào tháng 10.2022.

Vào tháng 2, ông Lâu Dương Sinh - Bí thư tỉnh Hà Nam đã kêu gọi lãnh đạo Foxconn tiếp tục duy trì hoạt động và đầu tư tại địa phương.

Ông Lâu Dương Sinh hôm 22.2 đã gặp ông Lưu Dương Vỹ (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Foxconn), người đang đến thăm tỉnh này, để đảm bảo với công ty Đài Loan rằng chính quyền tỉnh Hà Nam sẽ cung cấp các dịch vụ toàn diện cho các hoạt động tại địa phương của họ, theo một tuyên bố được đăng trên tài khoản WeChat chính quyền thành phố Trịnh Châu.

Foxconn từng bị một số tổ chức phi chính phủ chế nhạo là “công xưởng bóc lột sức lao động” nhiều năm trước. Thế nhưng, Lâu Dương Sinh đã khen ngợi Foxconn là “doanh nghiệp sản xuất thông minh nổi tiếng thế giới”, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng công ty Đài Loan này sẽ "định cư ở Hà Nam và phát triển sâu rộng tại đây".

Chiến dịch "quyến rũ" Foxconn đánh dấu nỗ lực mới nhất của Trung Quốc để duy trì vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple, sau những sự cố gây ra bởi các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt cùng những lo ngại liên tục về căng thẳng địa chính trị với Mỹ.

Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, hồi đầu tháng 2 cho biết sự gián đoạn sản xuất trong tháng 11 và tháng 12.2022 khiến công ty sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên kể từ đầu năm 2019, liên quan đến tình trạng bất ổn vào cuối năm ngoái tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu.

Foxconn là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất tại Hà Nam, theo tờ báo địa phương Henan Daily. Tờ báo này mô tả hoạt động của Foxconn tại Trịnh Châu có tác động lớn đến nền kinh tế địa phương.

Tại cuộc họp hôm 22.2, ông Lưu Dương Vỹ cho biết Foxconn đánh giá cao sự hợp tác của công ty với Hà Nam và cảm ơn chính quyền tỉnh đã giúp họ tiếp tục sản xuất tại Trịnh Châu ngay cả dưới nhiều đợt dịch.

Dù hoạt động sản xuất tại Trịnh Châu đã trở lại khoảng 90% công suất tối đa kể từ ngày 30.12.2022, có những dấu hiệu cho thấy Foxconn đã làm chậm đáng kể việc tuyển dụng cho khu liên hợp sản xuất của mình. Tháng trước, Foxconn đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một nhà kho thông minh trên lô đất được thuê trong Khu liên kết toàn diện thành phố Trịnh Châu.

dan-mang-trung-quoc-so-an-do-tro-thanh-trung-tam-chuoi-cung-ung-san-xuat-cua-apple.jpg
Các công nhân tại một dây chuyền lắp ráp bên trong khu phức hợp sản xuất smartphone của Foxconn ở thành phố Sri, phía đông nam Ấn Độ - Ảnh: YouTube

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến nhiều người dùng phương tiện truyền thông xã hội tìm kiếm sự so sánh về cách hai quốc gia trở thành địa điểm lắp ráp các sản phẩm của Apple.

Tìm kiếm “Foxconn Ấn Độ” trên Weibo cho thấy bài đăng hàng đầu hôm 6.3 là một video cho thấy một công nhân Ấn Độ dán một chiếc hộp chậm như thế nào. Người dùng Weibo có nickname Lijingpandaoy đã đặt câu hỏi liệu chất lượng có thể được đảm bảo tại các nhà máy ở Ấn Độ hay không. Một người dùng khác nhận xét rằng chi phí lao động của Ấn Độ có thể thấp hơn ở Trung Quốc, nhưng quốc gia Nam Á này lại tụt hậu về mặt hiệu quả.

Tuy nhiên, các cư dân mạng Trung Quốc khác coi những nỗ lực của Foxconn ở Ấn Độ là kết quả của sự cạnh tranh công bằng. “Đó là quyết định của Foxconn khi đầu tư vào nơi họ muốn. Chúng tôi không cần phải cầu xin họ ở lại. Hãy cố gắng hết sức cho những người ở lại”, người dùng Weibo có nickname Biteweida viết trong một bài đăng.

Theo dự báo của công ty DigiTimes Research (Đài Loan), Ấn Độ sẽ lắp ráp tới một nửa số iPhone trên thế giới vào năm 2027.

Apple đã ký hợp đồng với Wistron (Đài Loan) để lắp ráp iPhone SE từ năm 2017 tại Ấn Độ.

Tháng 9.2022, Apple, công ty có giá trị nhất thế giới, đã đẩy mạnh Kế hoạch B và thông báo rằng sẽ sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ. Nói cách khác, Apple đã hỗ trợ Ấn Độ một bước quan trọng để chuyển từ sản xuất các mẫu iPhone lỗi thời sang phiên bản mới nhất.

"Lịch trình sản xuất hàng loạt iPhone 14 ở Ấn Độ vẫn chậm hơn Trung Quốc khoảng 6 tuần, nhưng khoảng cách đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy, thật hợp lý khi kỳ vọng rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể sản xuất iPhone 15 cùng thời điểm vào năm tới", theo nhà phân tích Kuo Ming-chi của hãng TF International Securities. Kuo Ming-chi có lẽ là người nổi tiếng nhất theo dõi chuỗi cung ứng của Apple.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn ở trên Ấn Độ và Việt Nam vài bậc trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, theo phân tích từ trang Bloomberg. Có tới 121 nhà cung cấp của Apple năm 2022 đặt trụ sở tại Trung Quốc (tương đương 17,7%), vận hành 2.360 cơ sở tại quốc gia này (tương đương 19,3% tổng số). Điều đó khiến Trung Quốc trở thành nguồn cung ứng toàn cầu lớn nhất của Apple sau Mỹ.

Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 8, có hai công ty (0,3%) là nhà cung cấp của Apple đặt trụ sở tại đây, vận hành 278 trong số 12.248 cơ sở toàn cầu (2,3%). Trong khi Việt Nam đứng thứ 14 với hai công ty (0,3%) là nhà cung cấp của Apple đặt trụ sở tại nước ta, vận hành 160 cơ sở (1,3%).

Việt Nam, Ấn Độ hưởng lợi từ việc chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc vào 2023

Theo cuộc khảo sát toàn cầu mới được công bố bởi Container xChange, các công ty trên khắp thế giới coi Việt Nam và Ấn Độ là địa điểm thay thế hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc năm nay.

Container xChange, nền tảng hậu cần container của Đức, đã khảo sát hơn 2.600 chuyên gia trong ngành từ hơn 20 quốc gia về xu hướng ngành vận chuyển và chuỗi cung ứng cho năm 2023 và nhận thấy rằng 67% số người được hỏi tin rằng Việt Nam, Ấn Độ sẽ “nổi lên như những trung tâm vận chuyển container” năm nay.

Cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam, Ấn Độ đang ngày càng trở nên phổ biến với các công ty đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của họ.

Xuất khẩu iPhone từ tháng 4 đến tháng 12.2022 của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi so với cả năm tài chính trước đó. Trong khi Tata Group (tập đoàn hàng đầu Ấn Độ) sẵn sàng mua một nhà máy địa phương từ công ty Đài Loan để cung cấp cho quốc gia Nam Á này nhà máy sản xuất iPhone nội địa đầu tiên, Bloomberg đưa tin.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, nhờ xuất khẩu mạnh smartphone và các thiết bị điện tử khác, theo dữ liệu hải quan do chính phủ công bố.

Bài liên quan
Nhiều công ty bỏ Facebook chuyển sang Amazon quảng cáo sau 'đòn chí mạng' của Apple
Nhiều công ty đã phân bổ lại ngân sách tiếp thị của mình, giảm chi tiêu trên Facebook để chuyển sang Amazon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
9 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân mạng Trung Quốc sợ Ấn Độ trở thành trung tâm chuỗi cung ứng sản xuất của Apple