Do an ninh năng lượng của Nhật Bản bị đe dọa và giá điện tăng cao, Tokyo dự tính kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân.

Nhật Bản cố kéo dài tuổi thọ nhà máy điện hạt nhân

Bảo Vĩnh | 09/11/2022, 13:55

Do an ninh năng lượng của Nhật Bản bị đe dọa và giá điện tăng cao, Tokyo dự tính kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân.

fukushima-mainichi.jpg

Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản đang xem xét khả năng kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân lên quá mức quy định sử dụng 60 năm hiện nay, với tham vọng hoàn tất kế hoạch này vào cuối năm nay.

Đây là một nỗ lực kéo giảm sự thải phát khí carbon và bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định vốn bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, theo các nguồn tin của báo Nhật Mainichi.

Những phương án để kéo dài tuổi thọ lò phản ứng

Kế hoạch của Bộ Kinh tế và Công thương Nhật là xem xét khả năng tăng số năm vận hành các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) bằng cách  kiểm tra độ an toàn hạt nhân nghiêm ngặt hơn, điều sẽ cho phép các lò phản ứng hoạt động lâu hơn. Trong giai đoạn kiểm tra, các nhà máy ĐHN không được vận hành.

Theo luật hiện hành, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) hạn chế thời hạn hoạt động của lò phản ứng hạt nhân là 40 năm theo nguyên tắc. Nhưng nếu các lò được NRA cấp chứng nhận đạt độ an toàn và được phép kéo dài tuổi thọ, thì thời hạn hoạt động có thể thêm 20 năm nữa.

Nhưng sự gia hạn này tính cả thời gian tắt lò phản ứng để NRA tiến hành kiểm tra độ an toàn.

Trong kế hoạch mới, dù vẫn giữ quy định thời hạn hoạt động 40 năm và có thể gia hạn thêm 20 năm, nhưng Bộ Kinh tế và Công thương Nhật sẽ ngưng không tính thời gian lò phản ứng phải đóng cửa.

Người ủng hộ ĐHN ủng hộ việc không tính thời gian tắt lò (khi NRA kiểm tra) vì khi ấy lò không bị hao mòn do hoạt động gây ra.

Nhưng các chuyên gia nhấn mạnh lò phản ứng và thiết bị liên quan vẫn có thể hao mòn theo thời gian, ngay cả khi tắt lò. 

Kế hoạch mới sẽ cho phép các lò phản ứng có thể hoạt động tối đa 70 năm, thậm chí có thể gia hạn lên 80 năm như Mỹ đã làm, tính từ khi chúng được đưa vào sử dụng, nếu chúng phải tắt trong 10 năm để kiểm tra.

Khâu kiểm tra độ an toàn do NRA tiến hành thường mất rất nhiều thời gian, chẳng hạn đã 9 năm trôi qua từ lúc NRA bắt đầu kiểm tra nhà máy ĐHN Tomari của Công ty Hokkaido Electric Power.

Theo kế hoạch mới, NRA cũng  sẽ lãnh trách nhiệm kiểm tra sự hao mòn của các lò phản ứng và cơ sở quanh lò, một khi lò đạt mốc 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động.

Sau đó, một cuộc kiểm tra định kỳ sẽ được tiến hành trong mỗi 10 năm trước khi phê chuẩn sự tiếp tục hoạt động của chúng. Đề xuất này không đề cập việc nên gia hạn tuổi thọ của lò phản ứng hay không.

Ngoài ra, luật quản lý lò phản ứng có thể chuyển các điều khoản hướng dẫn thời gian hoạt động của lò phản ứng, hiện thuộc quyền của NRA, để đưa sang luật điện lực do Bộ Kinh tế và Công thương Nhật nắm quyền giám sát. Điều này có nghĩa bộ sẽ có tiếng nói nhiều hơn về thời gian hoạt động của các lò phản ứng cũ.

Các nhà vận hành nhà máy ĐHN từng bị buộc phải đầu tư những khoản tiền lớn để bảo đảm các nhà máy được bảo vệ kỹ lưỡng chống lại các mối họa khủng bố cùng các thiên tai, thảm họa không thể lường trước, sau khi các quy định quản lý lò phản ứng nghiêm ngặt hơn được ban hành hồi năm 2013.

Chính phủ Nhật cũng tìm cách trợ giúp tài chính các nhà vận hành, cho phép họ thu hồi vốn đầu tư bằng cách để họ thêm thời gian.

Việc đặt mức trần về tuổi thọ của lò phản ứng được xem là một điều căn bản trong các quy định an toàn, đối với một quốc gia đã phải trải nghiệm một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới.

Các nhà vận hành cũng phải đạt những quy định nghiêm ngặt hơn mới có thể tái khởi động các lò phản ứng, sau khi phải ngưng hoàn toàn các lò sau thảm họa phóng xạ rò rỉ ở nhà máy ĐHN Fukushima ngày 11.3.2011 tiếp sau một vụ động đất lớn và sóng thần.

Nguyên nhân sự cố này là trận động đất mạnh hơn 9 độ richter kéo theo sóng thần tràn vào nhà máy ngày 11.3.2011, gây mất điện ở 3 lõi lò phản ứng, khiến 3 lõi này tan chảy và giải phóng một lượng phóng xạ lớn.

Sau đó, nước để làm mát 3 lò phản ứng bị nhiễm phóng xạ cao đã rò rỉ vào các tầng ngầm của khu lò. Tuy nhiên số nước bị nhiễm phóng xạ được thu hồi và trữ trong các bồn chứa ở sát bờ biển trong khu vực nhà máy.

Thảm họa hạt nhân Fukushima dẫn đến việc sửa đổi luật quản lý lò phản ứng năm 2012, theo đó hạn chế thời gian hoạt động của lò phản ứng là 40 năm về nguyên tắc và có thể gia hạn 20 năm, nhằm giúp bảo đảm độ an toàn của các nhà máy ĐHN. Trước thảm họa, không có những quy định trên.

Sau thảm họa, việc dự tính xây một nhà máy ĐHN mới ở Nhật vẫn là một thách thức lớn. Việc Nhật dừng hầu hết các nhà máy ĐHN, tuyên bố không xây thêm lò phản ứng dẫn đến viễn cảnh nước này sẽ không còn nhà máy ĐHN nào. Từ đó, chính phủ Nhật có ý giảm tốc độ chấm dứt sử dụng ĐHN bằng cách gia hạn tuổi thọ của lò phản ứng.

11 năm sau, 10/33 lò đã được tái hoạt động nhưng không quanh năm. Trước thảm họa Fukushima, năng lượng hạt nhân cung cấp khoảng 1/3 sản lượng điện tại Nhật, nhưng vào năm 2020, tỷ lệ này chưa đến 5%.

Một thông tin khác là 10/54 lò phản ứng, từng hoạt động trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, đã hoạt động trở lại sau khi chúng đã trải qua những lần kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn cùng khả năng chống động đất.

Chính phủ Nhật đang muốn quay lại dùng ĐHN, khi toàn cầu đang nỗ lực giảm thải phát khí CO2, đồng thời muốn có nguồn cung điện ổn định.

Tại một cuộc họp ngày 24.8 của Hội đồng thực hiện Chuyển đổi xanh, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida chỉ đạo các quan chức chính phủ và chuyên gia năng lượng xem xét các việc nối lại các hoạt động của nhiều nhà máy ĐHN, kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng, và khai thác khả năng xây các nhà máy ĐHN thế hệ mới.

Ông nói Nhật sẽ thúc đẩy việc sử dụng ĐHN như một lựa chọn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 và bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định. Thủ tướng Kishida hứa sẽ tái khởi động khoảng 9 lò phản ứng để chuẩn bị cho mùa đông năm nay, khi nhu cầu sử dụng điện tăng lên.

Ông Kishida cũng dự tính tái hoạt động thêm 7 lò phản ứng từ mùa hè 2023, và hy vọng các nhà máy ĐHN sẽ đáp ứng khoảng từ 20 - 22% nhu cầu năng lượng của đất nước kể từ năm 2030.

Nhật là nền kinh tế số 3 thế giới, hiện vẫn phụ thuộc mạnh vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để phát điện, tỷ lệ tự túc năng lượng đạt 12,1% trong năm tài khóa 2019, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác.

Bộ Kinh tế và Công thương Nhật từ lâu đã cổ súy ĐHN đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nước Nhật, theo báo Asahi Shimbun. Gần đây, Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura nói tái khởi động các lò phản ứng sẽ giúp giảm tác động của đồng yen bị suy yếu, khi giảm được chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để phát điện.

Theo Asahi Shimbun, Yomiuri
Copy Link
Bài liên quan
Báo động nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine 'nằm ngoài tầm kiểm soát'
Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) cảnh báo nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya “hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát” và cần được các chuyên gia thị sát để tránh một sự cố hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản cố kéo dài tuổi thọ nhà máy điện hạt nhân