Trang Straits Times cho biết 4 mùa rõ rệt truyền cảm hứng cho truyền thống, ẩm thực và văn hóa Nhật Bản đang bị đe dọa bởi tình trạng nóng lên toàn cầu. Sinh kế người dân ở nhiều lĩnh vực như ngư nghiệp, nông nghiệp, du lịch có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Nhật Bản có thể không còn mùa xuân và mùa thu

Cẩm Bình | 28/11/2023, 10:55

Trang Straits Times cho biết 4 mùa rõ rệt truyền cảm hứng cho truyền thống, ẩm thực và văn hóa Nhật Bản đang bị đe dọa bởi tình trạng nóng lên toàn cầu. Sinh kế người dân ở nhiều lĩnh vực như ngư nghiệp, nông nghiệp, du lịch có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Thậm chí một chuyên gia còn cảnh báo Nhật sẽ chỉ còn lại mùa hè và mùa đông, do mùa xuân cùng mùa thu đến và đi chớp nhoáng.

Dự báo ảm đạm trên được đưa ra khi đất nước mặt trời mọc đối mặt với mùa hè oi bức kéo dài trong năm nay. Thủ đô Tokyo ghi nhận kỷ lục năm nay có 143 ngày hè (ngày nhiệt độ trên 25 độ C), tương đương gần 5 tháng. Ngày hè cuối cùng là 7.11 với mức nhiệt 27,5 độ C và muỗi vẫn hoành hành một cách bất thường. Thế nhưng nhiệt độ lại giảm đi đáng kể chỉ trong vài tuần khi ngày 26.11 ghi nhận mức nhiệt 5 độ C.

Ở thành phố Sapporo, mùa lá đỏ cao điểm đến vào ngày 13.11, muộn hơn thường lệ 2 tuần. Giới chức đảo Miyajima cho biết dù đã đến thời điểm ngắm lá phong tốt nhất nhưng năm nay nhiều cây rụng lá dù chưa đổi màu hết. Loạt điểm đến mùa thu khác như Kyoto, Kanazawa, Tochigi, Nagano cũng gặp tình cảnh tương tự.

nhat.jpg

Chuyên gia Hiroki Ito (Cơ quan Khí tượng Nhật) cho biết mùa lá đỏ cao điểm năm nay xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm trước do các kiểu thời tiết bất thường. Lá phong đổi màu khi sắc tố diệp lục dần bị phân hủy lúc nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, sau đó sắc tố anthocyanin được tổng hợp ở nhiệt độ dưới 10 độ C tạo ra màu đỏ.

Vẫn còn quá sớm để dự báo tác động tức thời mà ngành du lịch phải gánh chịu. Tuy nhiên, ông Ito khuyến cáo nếu trong tương lai mùa hè kéo dài hơn nữa thì thời gian ngắm lá đỏ sẽ lại muộn đi, thậm chí có thể phải đến dịp năm mới.

Năm nay Tokyo dự kiến đón mùa lá đỏ cao điểm vào ngày 1.12, muộn hơn 3 ngày so với trung bình. Vào những năm 1950, lá đỏ thường xuất hiện tại thủ đô từ ngày 8 - 15.11.

Ở cao nguyên Nasu phía bắc Tokyo, hầu hết lá cây vẫn xanh dù đến ngày 22.10 - thời điểm mùa lá đỏ cao điểm được dự báo sẽ đến. Giám đốc điều hành Shuichi Sakai của quán cà phê Madoka (nơi có sân hiên ngắm cảnh tuyệt đẹp) cho biết: “Thông thường trời khá lạnh sau tháng 9 nên lá sẽ chuyển sang màu đỏ, nhưng năm nay lại không như vậy. Không có mùa thu, còn mùa đông lại đến rất đột ngột”.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật, nước này cũng chuẩn bị đón một mùa đông ấm áp hơn với lượng tuyết rơi thấp hơn mức trung bình. Tuy nhiên như vậy không làm giảm khả năng xảy ra bão tuyết. Các mô hình dự báo cho thấy vùng nước ấm hơn bình thường xung quanh Nhật Bản có thể bốc hơi và ngưng tụ thành mây tuyết dẫn đến tuyết rơi dày đặc.

Nước ấm hơn do mùa hè kéo dài gây tổn hại cho nông nghiệp và ngư nghiệp. Sản lượng đánh bắt hải sản mùa thu như cá hồi cùng cá thu đao Thái Bình Dương sụt giảm mạnh. Năm ngoái, lần đầu tiên từ thập niên 1950 thành phố Choshi ghi nhận sản lượng cá thu đao ở mức 0.

Chất lượng nông sản bị ảnh hưởng nặng. Tỉnh Niigata (vùng trồng lúa hàng đầu nước Nhật) thiệt hại 13,5 tỉ yen - tương đương 13% doanh thu trong một năm thông thường, do năng suất lúa thấp và chất lượng gạo kém khiến giá bán thấp đi. Tại vùng trồng khoai lang hàng đầu là thành phố Namegata, người đứng đầu hợp tác xã địa phương Yuji Kuriyama thấy lo ngại khi có vài trường hợp phần bên trong khoai lang bị đen dù bên ngoài chẳng thấy khác biệt gì.

“Chúng tôi sẽ không biết cho đến khi khách hàng cắt khoai lang ra. Khoai lang bị ảnh hưởng vẫn ăn được nhưng hương vị không bằng và làm hỏng thương hiệu của chúng tôi. Khoai lang bị đen ngẫu nhiên nên rất khó giải quyết vấn đề”, Kuriyama nói.

Thời tiết khó đoán buộc nông dân và ngư dân phải thích nghi. Họ đang thử nghiệm các loại cây trồng cùng thủy sản nuôi chống chịu được thời tiết khắc nghiệt.

Ngành du lịch Nhật cũng dần thay đổi. Một số sự kiện pháo hoa nổi tiếng như cuộc thi Tsuchiura hay lễ hội Tamagawa thường được tổ chức vào tháng 8 nay dời sang tháng 10 khi ban đêm mát mẻ hơn, tránh nắng nóng bất thường mùa hè.

Nhiệt độ ấm hơn vài năm gần đây còn khiến mùa xuân đến sớm hơn. Lâu nay năm tài khóa cùng năm học bắt đầu vào tháng 4, trùng với thời điểm hoa anh đào nở rộ để báo hiệu một khởi đầu mới, nhưng hoa anh đào tại Tokyo năm nay lại nở vào cuối tháng 3.

Theo nhà khí tượng học Yoshihiro Tachibana (Đại học Mie): “Nhật Bản là đất nước mà bạn có thể tận hưởng các mùa, với hoa anh đào vào mùa xuân và lá đỏ vào mùa thu. Tuy nhiên điều này có thể không còn nữa khi thời tiết cực đoan trở nên bình thường. Chẳng bao lâu nữa Nhật sẽ thành quốc gia chỉ có 2 mùa, hạ và đông”.

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
11 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản có thể không còn mùa xuân và mùa thu