Ngày 8.8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ra một báo cáo về công tác phòng thủ, qua đó cho thấy việc Nhật Bản dè chừng tên lửa tầm xa Triều Tiên, và xem mối đe dọa này là mối quan ngại hàng đầu.

Nhật Bản dè chừng tên lửa tầm xa của Triều Tiên

Trần Trí | 08/08/2017, 15:10

Ngày 8.8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ra một báo cáo về công tác phòng thủ, qua đó cho thấy việc Nhật Bản dè chừng tên lửa tầm xa Triều Tiên, và xem mối đe dọa này là mối quan ngại hàng đầu.

Trong tháng 7, CHDCND Triều Tiên đã hai lần phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong nỗ lực phát triển một quả tên lửa tầm xa có thể tấn công bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ Mỹ.

Quả ICBM thứ hai phóng ngày 30.7 đã rơi vào khu vực cách đảo Hokkaido của Nhật khoảng 200 km.

Báo cáo công tác phòng thủ của Bộ Quốc phòng Nhật nhận định Triều Tiên đã đạt đến “một giai đoạn mới”, khả năng phóng ICBM và chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN) của nước này đã tiến bộ hẳn:

“Sự phát triển của tên lửa đạn đạo và VKHN Triều Tiên ngày càng trở thành những vấn nạn cho cả khu vực châu Á -Thái Bình Dương gồm Nhật và phần còn lại của thế giới”.

Báo cáo 532 trang nêu riêng năm 2016, Triều Tiên đã thử hạt nhân 2 lần, phóng hơn 20 tên lửa, vượt quá tổng số 16 vụ phóng tên lửa trong 18 năm thời cố Chủ tịch Kim Kong-il.

Hiện ý đồ của Triều Tiên là đặt lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn của ICBM, nhưng sự tiến bộ của vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng buộc Thủ tướng Abe phải củng cố vai trò của quân đội và khả năng phòng thủ tên lửa.

Nhật cũng tăng cường tập trận với đồng minh Mỹ.

Báo cáo công tác phòng thủ được Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe thông qua, một tuần sau khi ông Abe cải tổ nội các, đưa ông Itsunori Onodera trở lại chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Onodera từng giữ chức này từ năm 2012 đến 2014,nói ông đã lên kế hoạch cập nhật hướng dẫn công tác phòng thủ để phản ánh mối đe dọa nghiêm trọng từ Bình Nhưỡng, cho thấy có thể ông sẽ tìm một khả năng tấn công Triều Tiên bằng tên lửa.

Ông Onodera từng chỉ huy một cuộc nghiên cứu hồi tháng 3, trong đó kêu gọi Nhật tăng cường khả năng phản ứng bằng tên lửa.

Ông nói: “Những vụ phóng ICBM của Triều Tiên đã làm tăng căng thẳng cả về chất lượng và số lượng. Tôi sẽ nghiên cứu liệu khả năng phòng thủ tên lửa hiện nay của ta đã đủ cho khu trục hạm Aegis và tên lửa đất đốikhông PAC-3 hay chưa”.

Trong Báo cáo, Bộ Quốc phòng Nhật không đề cập khả năng dàn thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Cũng không đề cập việc đảng Dân chủ tự do cầm quyền của ông Abe đã cho phép quân Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF) có quyền tiến hành những cuộc tấn công trả đũa.

THAAD được triển khai ở Hàn Quốc, khiến Trung Quốc bực tức, cho rằng radar của THAAD có thể do thám sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.

Báo cáo cũng tỏ bày sự lo ngại Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động hung hăng trên biển và trên không trong vùng biển Hoa Đông, và lo ngại Bắc Kinh thiếu minh bạch trong công tác hiện đại hóa quân đội và tăng gấp ba ngân sách quân sự trong 10 năm qua.

Việc Trung Quốc tăng hoạt động ở biển Hoa Đông buộc không quân SDF phải bay chặn máy bay quân sự 851 lần (một kỷ lục) trong năm 2016, tăng so với 571 vụ bay chặn năm 2015.

Bảo Vĩnh (theo Seattle Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản dè chừng tên lửa tầm xa của Triều Tiên