Theo 2 nguồn tin riêng của Reuters, Nhật Bản đang chuẩn bị chi tiền mua tên lửa có thể mang được bởi máy bay và đủ khả năng tấn công các điểm thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Một nguồn tin cho biết: “Dùng tên lửa tầm xa là xu hướng toàn cầu, vì vậy chuyện Nhật muốn sở hữu tên lửa như vậy là điều tự nhiên”.
Cũng theo nguồn tin này, Tokyo dự kiến dùng một phần ngân sách quốc phòng của năm tài khóa 2018 để nghiên cứu xem máy bay chiến đấu F-15 của nước này có mang được tên lửa JASSM-ER do hãng vũ khí Lockheed Martin của Mỹ sản xuất hay không. JASSM-ER là tên lửa hành trình không đối đất, có tầm bắn khoảng 1.000km.
Trước đó, đài truyền hình Fuji Television cho biết Nhật cũng đang có ý mua tên lửa JSM (Joint Strike Missile) có tầm bắn 500km, được thiết kế bởi Công ty Kongsberg của Na Uy. Tên lửa này được trang bị cho chiến đấu cơ tàng hình F-35 theo chương trình hợp tác giữa tập đoàn Raytheon (Mỹ) với Kongsberg.
Các nguồn tin cho hay tiền mua một trong hai loại tên lửa này không được liệt kê trong yêu cầu ngân sách quốc phòng 46,76 tỉUSD mà Bộ Quốc phòng Nhật đã đệ trình, tuy nhiên khoản này sẽ được cân nhắc chi bổ sung.
Reuters cho biết, theo những hạn chế được đặt ra trong hiến pháp Nhật, lực lượng tên lửa của nước này chỉ được sở hữu tên lửa chống hạm và phòng không với tầm bắn không quá 300km. Do đó, bất cứ quyết định mua tên lửa có tầm bắn đủ sức vươn tới Triều Tiên và Trung Quốc đều sẽ gây tranh cãi, tuy nhiên những người ủng hộ đề xuất này thường lập luận rằng tên lửa tầm xa có thể đóng vai trò phòng vệ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 5.12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera vẫn chưa lên tiếng thừa nhận. Ông cho biết: “Chúng tôi hiện không tính đến việc chi tiền cho chuyện này (sắm tên lửa tầm xa). Chúng tôi dựa vào Mỹ để tấn công các căn cứ của địch và vẫn không muốn có sự thay đổi nào”.
Trước khi đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Onodera đã dẫn đầu một nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền yêu cầu cho phép Nhật Bản sắm thêm để ngăn Triều Tiên tấn công nước này.
Trước đó khi đến thăm Nhật vào đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố Tokyo sẽ bắn rơi tên lửa Triều Tiên sau khi mua vũ khí bổ sung từ Mỹ.
Hôm 29.11, Bình Nhưỡng đã cho phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa đạt độ cao tới hơn 4.500km và bay được 1.000km trong khoảng 53 phút trước khi rơi xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Cẩm Bình (theo Reuters)