Các bệnh viện ở thành phố lớn thứ 2 của Nhật Bản đang phải chống chọi với làn sóng lớn các ca nhiễm COVID-19 mới. Có cảnh báo rằng hệ thống bệnh viện đang sụp đổ, khi khắp nơi hết giường bệnh và máy thở, với lời khuyên không nên tổ chức Thế vận hội vào mùa hè này.

Nhật Bản: Osaka bị COVID-19 giáng đòn khủng khiếp trong đợt dịch thứ 4

Hoàng Phương | 24/05/2021, 13:07

Các bệnh viện ở thành phố lớn thứ 2 của Nhật Bản đang phải chống chọi với làn sóng lớn các ca nhiễm COVID-19 mới. Có cảnh báo rằng hệ thống bệnh viện đang sụp đổ, khi khắp nơi hết giường bệnh và máy thở, với lời khuyên không nên tổ chức Thế vận hội vào mùa hè này.

osaka.jpg
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Y dược Osaka

Thành phố phía tây ở Nhật Bản, nơi sinh sống của 9 triệu người đang phải hứng chịu hậu quả của đợt đại dịch thứ 4. Theo thống kê, thành phố này chiếm tới một phần ba lượng người chết tại Nhật vào tháng 5, mặc dù nó chỉ chiếm 7% dân số cả nước.

Việc hệ thống bệnh viện Osaka đang bị quá tải nhấn mạnh những thách thức khi tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu trong vòng 2 tháng nữa, đặc biệt khi chỉ có khoảng một nửa số nhân viên y tế của Nhật Bản đã được tiêm vắc xin COVID-19.

Ông Yuji Tohda, Giám đốc Bệnh viện Đại học Kindai ở Osaka cho biết: “Nói một cách đơn giản, đây là sự sụp đổ của hệ thống y tế". "Biến thể Anh có khả năng lây nhiễm cao và việc người dân ngày càng mất cảnh giác đã dẫn đến sự bùng nổ gia tăng về số lượng ca bệnh".

Nhật Bản đã tránh được những đợt lây nhiễm lớn mà các quốc gia khác phải gánh chịu, nhưng đợt đại dịch thứ 4 đã tấn công Osaka một cách khốc liệt, với 3.849 xét nghiệm kết quả dương tính, chỉ từ ngày 17 - 20.5. Số liệu ấy thể hiện sự tăng vọt gấp 5 lần về ca bệnh so với khoảng thời gian 3 tháng trước.

Chỉ 14% trong số 13.770 bệnh nhân COVID-19 của tỉnh nhập viện, còn lại phần lớn tự lo cho mình. Để so sánh thì tỷ lệ nhập viện mới nhất của Tokyo là 37%. Ban cố vấn của chính phủ coi tỷ lệ nhập viện dưới 25% là yếu tố để xem xét áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Đến ngày 20.5, có 96% trong số 348 giường bệnh dự trữ của Osaka cho các ca nhiễm vi rút nghiêm trọng đã được sử dụng. Các quan chức cho biết kể từ tháng 3 có 17 người đã chết do căn bệnh này mà không được chữa trị trong các bệnh viện của tỉnh.

osaka2.jpg
Bác sĩ Toshiaki Minami, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Osaka

Ông Toshiaki Minami, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Osaka cho biết biến thể này có thể khiến ngay cả những người trẻ tuổi bị bệnh rất nhanh, và một khi bệnh trở nặng, bệnh nhân khó có thể hồi phục được. "Tôi tin rằng từ trước đến nay, nhiều người trẻ nghĩ rằng họ là bất khả xâm phạm. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng vào thời điểm này. Mọi người đều phải chịu rủi ro mắc bệnh như nhau".

Điểm giới hạn

Ông Toshiaki Minami cho biết một nhà cung cấp gần đây đã nói với ông rằng dự trữ propofol, một loại thuốc chủ chốt dùng để an thần cho bệnh nhân được đặt nội khí quản, đang còn rất ít, trong khi bệnh viện của Yuji Tohda đang thiếu máy thở, thứ vô cùng quan trọng cho bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng.

Satsuki Nakayama, người đứng đầu bộ phận điều dưỡng tại Bệnh viện Đại học Y dược Osaka cho biết việc chăm sóc cho những bệnh nhân bị bệnh nặng trong khi chính mình có nguy cơ bị lây nhiễm đã khiến các nhân viên y tế bị căng thẳng tột độ. "Tôi đã nghe một số nhân viên của đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) nói rằng họ đã đạt đến điểm giới hạn", cô nói, "Tôi cần phải nghĩ đến việc thay đổi nhân sự để đưa những người từ các bệnh viện khác vào".

osaka3.jpg
Bệnh viện Đại học Y dược Osaka

Có khoảng 500 bác sĩ và 950 y tá làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược Osaka, nơi quản lý 832 giường bệnh. Mười trong số 16 giường ICU của bệnh viện được dành riêng cho bệnh nhân nhiễm vi rút. Hai mươi trong số khoảng 140 bệnh nhân tiên lượng nặng được đưa vào bệnh viện đã chết trong phòng ICU.

Yasunori Komatsu, người đứng đầu một hiệp hội các nhân viên chính quyền khu vực, cho biết tình hình cũng rất khắc nghiệt đối với các nhân viên y tế công cộng tại các trung tâm y tế địa phương, những người có nhiệm vụ liên hệ cho bệnh nhân tới các cơ sở y tế.

"Một số người trong số họ phải làm thêm từ 100 - 200 tiếng đồng hồ, và điều đó đã diễn ra trong hơn một năm rồi. Họ về nhà lúc 1 hoặc 2 giờ sáng để chợp mắt rồi lại bị đánh thức bởi một cuộc gọi vào lúc 3 hoặc 4 giờ".

Các chuyên gia y tế có trải nghiệm trực tiếp trong cuộc chiến COVID-19 của Osaka có quan điểm tiêu cực về việc tổ chức Thế vận hội Tokyo, dự kiến ​​diễn ra từ ngày 23.7 đến ngày 8.8.

Akira Takasu, người đứng đầu bộ phận y tế khẩn cấp tại Bệnh viện Đại học Y dược Osaka cho biết: “Thế vận hội nên bị hủy bỏ, bởi vì chúng ta đã không thể ngăn chặn đợt lây nhiễm của các biến thể mới từ Anh, tiếp theo sau đó có thể là đợt lây nhiễm của các biến thể Ấn Độ”. "Tại Thế vận hội, 70.000 hoặc 80.000 vận động viên và người dân sẽ đến tham dự. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới một thảm họa khác vào mùa hè sắp tới".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản: Osaka bị COVID-19 giáng đòn khủng khiếp trong đợt dịch thứ 4