Hơn 1 triệu tấn nước bị nhiễm phóng xạ sẽ được thải ra khỏi trạm hạt nhân Fukushima sau thời gian hai năm.
Nhật Bản lên kế hoạch thải ra biển hơn 1 triệu tấn nước bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị phá hủy, chính phủ Nhật cho biết vào ngày 13.4, một quyết định có khả năng khiến các nước láng giềng như Hàn Quốc tức giận.
Động thái này, hơn một thập kỷ sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân, sẽ giáng một đòn nữa xuống ngành đánh bắt cá ở Fukushima, vốn đã phản đối bước đi này trong nhiều năm nay.
Thủ tướng Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp giữa các bộ trưởng vào ngày 13.4 rằng chính phủ đã quyết định rằng việc xả nước nhiễm phóng xạ vào Thái Bình Dương là lựa chọn "thực tế nhất" và "không thể tránh khỏi để phục hồi nhà máy Fukushima".
Nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và các quan chức chính phủ cho biết triti, một chất phóng xạ không gây hại với lượng nhỏ, không thể bị loại bỏ khỏi nước, nhưng các hạt nhân phóng xạ khác có thể giảm xuống mức được phép thải ra.
“Chính phủ Nhật Bản đã soạn thảo các chính sách cơ bản để xả nước đã qua xử lý xuống biển, sau khi đảm bảo mức độ an toàn của nước… và trong khi chính phủ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn thiệt hại về danh tiếng”, ông Suga nói với các phóng viên.
Chính phủ Nhật cho biết công việc giải phóng nước sẽ bắt đầu sau khoảng hai năm, trong đó toàn bộ quá trình dự kiến sẽ mất hàng thập kỷ.
"Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quy định đã được thiết lập, chúng tôi lựa chọn việc giải phóng chất thải xuống đại dương", chính phủ Nhật cho biết trong một tuyên bố sau khi các bộ trưởng liên quan hợp thức hóa quyết định.
Thông báo đã thu hút sự lên án nhanh chóng từ các nhóm bảo vệ môi trường.
Tổ chức Hòa bình xanh Nhật Bản cho biết họ “lên án mạnh mẽ”, coi việc xả nước xuống biển là “hoàn toàn coi thường nhân quyền và lợi ích của người dân ở Fukushima, xa hơn nữa là Nhật Bản và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
Kazue Suzuki, nhà vận động năng lượng và khí hậu của nhóm cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đã một lần nữa thất bại trong con mắt người dân Fukushima".
“Chính phủ đã đưa ra quyết định hoàn toàn vô lý khi cố tình làm ô nhiễm Thái Bình Dương với chất thải phóng xạ. Họ đã coi thường rủi ro phóng xạ, quay lưng lại với bằng chứng minh bạch rằng có đủ các bể lưu trữ tại khu vực hạt nhân cũng như ở các quận xung quanh".
“Quyết định của nội các đã thất bại trong việc bảo vệ môi trường và bỏ ngoài tai sự phản đối trên quy mô lớn và mối quan tâm của cư dân địa phương Fukushima, cũng như các công dân lân cận trên khắp Nhật Bản”.
Khoảng 1,25 triệu tấn nước đã tích tụ tại khu vực của nhà máy hạt nhân. Nhà máy đã bị đình chỉ hoạt động sau khi bị nóng chảy hạt nhân do một trận sóng thần ập vào năm 2011.
Lượng nước này bao gồm nước dùng để làm mát nhà máy, cũng như nước mưa và nước ngầm ngấm vào hàng ngày. Nước cần được lọc lại để loại bỏ các đồng vị có hại và sẽ được làm loãng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi được thải ra biển.
Nước nhiễm phóng xạ, với số lượng tăng khoảng 140 tấn mỗi ngày, hiện đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bồn chứa. Không gian cho việc lưu trữ tại khu vực này dự kiến sẽ cạn kiệt vào khoảng mùa thu tới. TEPCO đã lập luận rằng họ sẽ khó mà đạt được tiến độ trong dự án ngừng vận hành nhà máy nếu cứ phải tiếp tục xây dựng thêm các bể chứa tại địa điểm này.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ủng hộ quyết định này, vì các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ triti, sẽ bị loại bỏ khỏi nước hoặc giảm xuống mức an toàn trước khi thải ra ngoài. Cơ quan này cũng chỉ ra rằng các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng một quy trình tương tự để xử lý nước thải.
Các chuyên gia cho biết triti chỉ gây hại cho con người nếu ở liều lượng lớn và với việc pha loãng, nước đã qua xử lý sẽ không gây hại về mặt khoa học.
“Các nhà khoa học nhất trí rằng tác động đến sức khỏe là rất nhỏ”, Michiaki Kai, chuyên gia về đánh giá rủi ro bức xạ tại Đại học Y tá và Khoa học Y tế Oita của Nhật Bản, nói với hãng thông tấn AFP trước khi quyết định được công bố.
Các cộng đồng ngư dân Fukushima đã mất nhiều năm để cố gắng khôi phục niềm tin của người dân Nhật Bản vào hải sản từ khu vực này.
"Họ đã nói với chúng tôi rằng họ sẽ không xả nước ra biển nếu không có sự đồng ý của cộng đồng ngư dân", Kanji Tachiya, người đứng đầu một hợp tác xã thủy sản địa phương ở Fukushima, nói với đài NHK sau khi nghe thông báo.
"Chúng tôi không thể chấp nhận động thái phá vỡ lời hứa mà đơn phương thải nước phóng xạ ra biển này".
Quyết định này được đưa ra khoảng ba tháng trước khi Thế vận hội Olympic chính thức được khởi tranh tại Tokyo. Một số sự kiện được lên kế hoạch tổ chức gần đó, khoảng 60km từ nhà máy Fukushima.
Việc xử lý nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima Daiichi, do Công ty Điện lực Tokyo điều hành, đã là một vấn đề hóc búa đối với Nhật Bản. Quốc gia này đã phải tiến hành một dự án ngừng hoạt động kéo dài hàng thập kỷ.
Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đã lên tiếng phản đối động thái này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm" đối với vấn đề thải nước nhiễm phóng xạ.
"Để bảo vệ lợi ích công cộng quốc tế cũng như sức khỏe và sự an toàn của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng đối với phía Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao", ông Triệu nói vào ngày 12.4.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lên tiếng "rất lấy làm tiếc về quyết định này, nó có thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh chúng ta trong tương lai".
Các quan chức Nhật Bản đã phản đối việc các phương tiện truyền thông mô tả nước là "ô nhiễm" hoặc "phóng xạ", nhấn mạnh rằng nó nên được mô tả là "đã qua xử lý".
Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân cấp cao của Tổ chức Hòa bình Xanh Đức, nói rằng tuyên bố đó "rõ ràng là sai trái".
Ông nói: “Nếu nước không bị ô nhiễm hoặc có phóng xạ, họ sẽ không cần sự chấp thuận (để xả nước) từ cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản. Nước trong các bể chứa đúng là đã được xử lý, nhưng chúng cũng bị nhiễm phóng xạ. Chính phủ Nhật Bản đã cố tình tìm cách lừa dối về vấn đề này, trong và ngoài nước. "