EU đã ban hành lệnh cấm bán vũ khí đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn. Anh rời EU có thể dẫn đến hệ quả lệnh cấm bán vũ khí sẽ được dở bỏ.
Báo Financial Times ngày 4.7 nhận định Nhật sợ Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng sẽ dẫn tới việc EU gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc như một hậu quả của hiệu ứng Brexit đang diễn ra trên toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, nghị sĩ Katsuyuki Kawai -cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về các vấn đề quốc tế - nhận định: “Brexit có thể thay đổi quyền lực vốn đang cân bằng tại khu vực Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương”.
Ông Katsuyuki Kawai ghi nhận: “Trong số các quốc gia EU, Anh là nước ủng hộ mạnh nhất quan điểm của Nhật về duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Việc Anh rút khỏi EU có thể từng bước khiến lệnh cấm vận này bị dỡ bỏ. Đó là điều không được xảy ra”.
EU đã ban hành lệnh cấm bán vũ khí đối với Trung Quốc sau khi xảy ra sự kiện biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 và hành động giải tán biểu tình của chính quyền Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã nỗ lực đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm vận nhưng đến nay đây vẫn là vấn đề nhức nhối trong quan hệ Trung Quốc-EU.
Tây Ban Nha và Pháp trong quá khứ đã ủng hộ ngừng cấm vận đối với Trung Quốc. Riêng Anh, nước có các công ty bán số lượng lớn vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ, lại luôn phản đối kịch liệt.
Báo Financial Times nhận định quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc đòi hỏi nhất trí giữa các quốc gia EU, vì vậy mọi việc sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến khi London chính thức rời khỏi EU hay kể cả sau đó.
Dù vậy, trong giai đoạn hậu Brexit, thế cân bằng của các yêu cầu về chính sách đối ngoại của EU có thể sẽ thay đổi.
Mặc dù có nhiều bước tiến quân sự, Trung Quốc vẫn cần hưởng lợi từ nền công nghệ quân sự vượt bậc của châu Âu.
Trong khi đó vào tương lai, Tokyo sẽ tập trung vào tác động của Brexit tới hơn 1.000 công ty Nhật đang hoạt động tại Anh, do nguy cơ thất bại khi thâm nhập vào thị trường châu Âu. Nhưng ông Katsuyuki Kawai nhận định “an ninh quốc gia là vấn đề lớn hơn cả tác động kinh tế”.
Cùng với nỗi lo về lệnh cấm vận, giới quan chức Nhật cũng lo ngại Anh và châu Âu sẽ quá quan tâm tới các vấn đề nội bộ mà bỏ qua châu Á, nơi Trung Quốc đang đưa ra các yêu sách chủ quyền thái quá cả biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Nhật đang cố ủng hộ cho các giá trị chung và sử dụng luật pháp quốc tế để xoa dịu các tuyên bố chủ quyền thái quá tại châu Á.
Ông Yoshiji Nogami, giám đốc Viện Sự kiện quốc tế của Nhật và cựu đại sứ Nhật tại Anh, nhận định: “Trong vòng hai hoặc ba năm nữa, châu Âu sẽ quay cuồng vì các vấn đề của họ”.
Ông Katsuyuki Kawai cho biết: “Tôi cảm thấy không phải các nhà chính trị mà chính những người dân Anh đang hướng đến các vấn đề nội bộ hoặc cố tạo quan hệ mới với EU mà đánh mất các lợi ích từ bên ngoài như hợp tác quân sự với Nhật hoặc hợp tác an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương. Đó là lý do vì sao tôi lo lắng về khả năng thay đổi của cân bằng quyền lực”.
Anh Đào