Hàng loạt cuộc thi không phép đã nở rộ ngay sau khi Bộ VH-TT-DL "cởi trói" cho các cuộc thi về người đẹp, hoa hậu, người mẫu...
Nở rộ các chương trình nghệ thuật không phép ngay tại Thủ đô
Ngay sau khi bài Cuộc thi Hoa khôi Hà Nội 2023 tổ chức không phép nhưng vẫn trao giải như thường, hàng loạt thông tin về các chương trình nghệ thuật của chính đơn vị tổ chức này đã được gửi tới Một Thế Giới.
Theo đó, các cuộc thi do Ban Tổ chức Hoa khôi Hà Nội đã được công bố trước đó như: Hoa khôi áo dài 2022, Hoa khôi Hà Nội 2022, Hoa khôi tài sắc... đều không có giấy phép và cũng không được các cơ quan chức năng chấp thuận. Đơn vị tổ chức là Công ty đào tạo người mẫu BB Model Agency Việt Nam hoạt động từ tháng 9.2016, địa chỉ tại số 9, phố Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Giám đốc công ty, kiêm Trưởng ban Tổ chức cuộc thi là Phạm Tuân. Đáng chú ý, chính đơn vị này đã tổ chức các cuộc thi không hề có giấy phép, như: Hoa khôi nhan sắc Việt Nam 2016, Hoa khôi nhan sắc Việt Nam 2017, Hoa khôi thanh lịch 2017, Hoa khôi duyên dáng áo dài 2017, Hoa khôi mẫu ảnh Việt Nam 2017...
Theo chia sẻ của một thí sinh tại cuộc thi Hoa khôi áo dài 2022, chương trình cuộc thi không hề đưa số báo danh cho từng thí sinh mà tổ chức rất nhanh chóng. "Chỉ khoảng 2 tháng là xong một chương trình, trong đó khi công bố thì lại ghi là "Tôn vinh" và hầu hết các thí sinh tham dự đều có giải. Các giám khảo cũng là những người không được biết đến nhiều trong ngành nghệ thuật" - thí sinh này cho hay.
Không chỉ có cuộc thi Hoa khôi áo dài 2022, Hoa khôi Hà Nội 2022, 2023... mà hàng loạt các chương trình, cuộc thi khác cũng nở rộ nhưng không hề xin giấy phép biểu diễn hoặc được các cơ quan chức năng cấp phép. Đáng chú ý là các cuộc thi này đều được tổ chức ngay tại Thủ đô, thậm chí đêm chung kết cũng được tổ chức gần với địa chỉ làm việc của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhưng sở cũng không hề hay biết.
Phải nói rằng, Bộ VH-TT-DL đã cởi trói cho các cuộc thi về người đẹp, người mẫu, không còn áp dụng theo Nghị định 78 nữa mà theo Nghị định 144 mới. Cơ bản điểm mới của Nghị định 144 này là sẽ cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính trong việc xin phép tổ chức các cuộc thi người đẹp. Và việc đơn giản hóa thủ tục và phân cấp về cho địa phương quản lý là xu hướng quản lý các hoạt động nghệ thuật biểu diễn của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ có nhiều cuộc thi được tổ chức một cách hợp pháp thì đã là một lẽ, ở đây lại tổ chức những cuộc thi không hề có giấy phép, các cuộc "thi chui" sẽ không có chất lượng mới là dấu hỏi lớn làm dậy lên nhiều quan điểm trái chiều.
Thực tế cho thấy, năm 2022 đã có hơn 50 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi khiến khán giả còn không thể nhớ hết mặt, nhớ hết tên sau khi cuộc thi kết thúc. Bởi đơn giản sau đó, các cô hoa hậu này cũng không có đóng góp tích cực cho cộng đồng và cũng là minh chứng cho sự kém chất lượng của chính các cuộc thi đó. Vì vậy, việc các cuộc thi không phép, thi chui diễn ra một cách công khai càng khiến khán giả thêm chán nản về những cuộc thi người đẹp, "loạn danh xưng". Thậm chí các cuộc thi chui đó khiến chính các cơ quan quản lý cũng không thể biết hết được. Mặc dù các sở văn hóa trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội cũng đã ra hàng loạt chỉ đạo, tiến hành thanh tra kiểm tra nhưng vẫn không thể xử phạt hết các chương trình chui đang "mọc lên như nấm sau mưa".
Sự lộn xộn, "lách" giấy phép của các cuộc thi hoa khôi, người đẹp hay cho cả trẻ em cũng đã được các đơn vị tổ chức tận dụng tối đa, đánh lừa những người nhẹ dạ hoặc những bậc phụ huynh chưa hiểu hết về luật pháp trong biểu diễn nghệ thuật.
Thi chui, tiền xử phạt chả nhằm nhò gì so với tiền thu được
Như thông tin phóng viên Một Thế Giới nắm được, nhiều thí sinh tham dự cuộc thi do không hiểu biết về giấy phép của từng cuộc nên bị những lời mời chào hấp dẫn từ ban tổ chức thu hút. Hàng loạt danh xưng các kiểu, sự mập mờ về tên gọi, cách biểu diễn và tổ chức càng khiến thí sinh không hiểu rõ về cuộc thi nên vẫn đóng phí tham dự. "Thậm chí người trong ban tổ chức còn bảo em nếu mời được thêm các thí sinh thì sẽ cho em một giải phụ. Còn nếu em có đóng thêm kinh phí thì sẽ chắc chắn nằm trong top 3, phụ thuộc vào kinh phí em muốn "hỗ trợ" ban tổ chức là bao nhiêu" - một thí sinh chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đêm chung kết cuộc thi Hoa khôi Hà Nội, mặc dù lượng khán giả không đông như các cuộc thi hoa hậu chuyên nghiệp, nhưng đêm chung kết vẫn có đầy đủ các bước. Mỗi cuộc thi, thí sinh giành chiến thắng đều được trao vương miện, danh hiệu như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp chuyên nghiệp.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới sáng nay 14.3, Chánh thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, ông Đặng Đức Hưng cho biết sở đã biết thông tin về các cuộc thi hoa khôi được tổ chức ngay trên địa bàn nhưng không có giấy phép của các cơ quan chức năng.
"Sở đang kết hợp với đoàn thanh tra và Cục Nghệ thuật biểu diễn để rà soát, thanh/kiểm tra lại toàn bộ và sẽ gửi thông tin sớm nhất đến báo chí".
Được biết trong sáng 14.3, Ban Tổ chức cuộc thi Hoa khôi Hà Nội 2023 cũng đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội về vụ việc tổ chức thi chui này.
Việc tổ chức một cuộc thi không có giấy phép, rồi phong các danh hiệu không được chấp thuận sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy. Mặc dù thí sinh bị mất khoản tiền kinh phí tham dự nhưng những danh hiệu lại không được thừa nhận ở bất cứ chương trình nào, đặc biệt là top 3 của cuộc thi này theo ban tổ chức còn được tham dự thêm một cuộc thi cấp quốc gia.
Chia sẻ riêng với phóng viên Một Thế Giới, ông T.L.N - trưởng ban tổ chức một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, người có thâm niên trong việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu cho biết: "Bất cứ top 3 của cuộc thi hoa khôi nào, khi thí sinh đó nộp hồ sơ thì ban tổ chức cuộc thi cấp quốc gia sẽ có trách nhiệm kiểm tra và rà soát lại tính pháp lý của cuộc thi hoa khôi đó. Ngoài ra, khi tham dự một cuộc thi cấp quốc gia, các thí sinh top 3 ở cuộc thi hoa khôi của tỉnh thành sẽ được đặc cách vào vòng trong (nếu cuộc thi đó có thể lệ cho phép) nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm về thông tin mà thí sinh cung cấp cho ban tổ chức. Nếu sai hoặc cuộc thi không được cấp phép thì ban tổ chức có quyền loại và thu hồi lại danh hiệu trong trường hợp thí sinh đó đạt giải ở cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia".
Trước đó, ban tổ chức của các cuộc thi nêu trên đã từng bị kiểm tra và bị phạt hành chính do tổ chức những cuộc thi không có giấy phép. Vì vậy, sự cố tình vi phạm, lặp lại các lỗi về giấy phép của cuộc thi, phải chăng có dấu hiệu lừa đảo tại chính những cuộc thi này? Số tiền ban tổ chức thu được từ thí sinh, hay các nhà tài trợ, có lẽ nhiều hơn cả tiền nộp phạt nên họ đã coi thường sự quản lý từ cơ quan chức năng.
Bài 3: Nghi ngờ sự lừa đảo ở những cuộc thi không phép
Bài 1: Cuộc thi Hoa khôi Hà Nội 2023 tổ chức không phép nhưng vẫn trao giải như thường